Bộ Tài chính vay Ngân hàng nhà nước, Vietcombank hàng tỷ USD để làm gì?

12/10/2015 11:09
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Sau khi vay Ngân hàng nhà nước 30.000 tỷ đồng hồi tháng 7/2015, Bộ Tài chính sắp vay thêm 1 tỷ USD từ Vietcombank.

Thời báo kinh tế Sài Gòn dẫn lời một quan chức cấp cao trong giới tài chính cho biết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ vay thêm 1 tỷ USD nữa của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi suất có thể thấp hơn đợt phát hành trước, khoảng 3-4%/năm.

Trước đó Bộ Tài chính cũng đã phải vay Ngân hàng nhà nước số tiền 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD). Hiện toàn số tiền này đã được Ngân hàng nhà nước chuyển khoản cho Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính vay thêm tiền từ Vietcombank
Bộ Tài chính vay thêm tiền từ Vietcombank

Chưa rõ số tiền 1 tỷ USD Bộ Tài chính dự định vay của Vietcombank để làm gì, tuy nhiên trước đó theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính phải vay tiền từ Ngân hàng nhà nước nhằm bù đắp bội chi ngân sách.

Thực tế Chính phủ thông qua Bộ Tài chính vay tiền chi tiêu ngân sách. Kênh huy động vay tiền được xem phổ biến trước đến nay là thông quan phát hành trái phiếu, tuy nhiên thời gian qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Trong hai năm gần đây, Bộ Tài chính cho biết việc bán trái phiếu chính phủ bị chậm. Riêng trong tháng 4/2015, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu trái phiếu và tổng số huy động đạt hơn 8.523 tỉ đồng, chỉ bằng 54,6% khối lượng đã huy động so với tháng 3/2015 và bằng 63,2% so với năm 2014. Điều này là do một phần lớn thanh khoản của các ngân hàng thương mại thay vì mua trái phiếu Chính phủ nay đã đổ vào khu vực doanh nghiệp tư nhân. 

Một mặt không huy động được tiền từ nguồn trái phiếu, trong khi các khoản chi vẫn được thực hiện theo dự toán cùng với việc giá dầu giảm mạnh (theo tính toán trong 6 tháng đầu năm dầu giảm giá so với dự kiến) đã khiến ngân sách hụt thu khoảng 32.000 tỷ đồng. 

Nếu không thu đủ, vay cũng không được, các khoản chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, sẽ bị cắt giảm (do chi thường xuyên và chi trả nợ được ưu tiên) và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng thì lũy kế thu 6 tháng mới ước đạt 446,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán.

Được biết tháng 5/2015, Bộ Tài chính đã từng bán 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ cho Vietcombank với lãi suất 4,8% kỳ hạn 5 - 10 năm. Mức lãi suất này được xem có lợi cho Vietcombank.

Theo cảnh báo của các chuyên gia tài chính, sẽ có những hệ quả để lại nếu cho vay không thích hợp. Vay không thích hợp ở đây là vay nhiều, thời gian dài, tiêu không hiệu quả và không thanh toán đúng hạn.

Theo quy luật, một chính phủ chỉ đi vay để bù đắp bội chi ngân sách, việc đi vay nên thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu hoặc vay của các quỹ dự trữ, hay nói cách khác là “tiền phải chuyển từ túi này sang túi khác” để tránh ảnh hưởng tới cung tiền tệ.

Trước đó năm 2009, ngân sách nhà nước cũng đã vay 1 tỷ USD từ Quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ lãi suất, kích cầu. 

Hồng Minh (Tổng hợp)