"Cây đũa thần" nào cho giá sữa?

06/03/2014 07:31
Hoàng Lực
(GDVN) - Áp trần giá sẽ kiểm soát được giá sữa nhưng phải đưa ra công thức tính giá phù hợp vừa đảm bảo tính thị trường vừa bảo vệ quyền lợi NTD...

Câu chuyện giá sữa tiếp tục làm nóng dư luận những ngày qua, đặc biệt kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng hôm 28/2, các bộ ngành đã ngay lập tức ra các tuyên bố về quản chặt giá sữa. 

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, liên kết, làm giá của doanh nghiệp sữa. Bộ Tài chính khởi động việc thanh tra, trong đó, nhấn mạnh đến dấu hiệu chuyển giá. Riêng Cục Quản lý giá đề xuất thêm biện pháp có thể áp dụng là giá trần. 

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tính đền việc áp giá trần mặt hàng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm kiểm soát việc doanh nghiệp sữa bắt tay nhau cùng tăng giá
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tính đền việc áp giá trần mặt hàng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm kiểm soát việc doanh nghiệp sữa bắt tay nhau cùng tăng giá

Thực tế không phải đến thời điểm này Cục Quản lý giá cũng như Bộ Tài chính mới tính đến chuyện áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2008, vấn đề áp giá trần cho mặt hàng sữa này đã được tính đến nhưng thất bại.

Từ thực tế đó, câu chuyện áp giá trần cho mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi được đưa ra lúc này lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Liệu rằng “cây đũa thần” mang tên giá trần có kiểm soát được giá của mặt hàng sữa cũng như tính khả thi của việc áp giá trần trong khi sữa không phải mặt hàng nhà nước quản lý giá?.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Quan trọng nhất trong việc thực hiện áp giá trần là công thức tính toán giá trần.

“Nói chung mình ủng hộ phương án áp giá trần cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng quan trọng nhất là là phải tính theo công thức nào.

Không nên áp giá trần theo một mức giá mà nhà nước đặt ra mà nên là áp mức giá trần dựa trên công thức cộng với chi phí sản xuất, cộng với lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp sữa như vậy với kiểm soát được”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Theo ông Phong, khi áp đặt giá trần dựa trên việc tính toán lợi nhuận, chi phí sản xuất hợp lý của doanh nghiệp sữa sẽ vừa đảm bảo tính thị trường hai nữa nằm trong diện bình ổn đảm bảo lợi ích cho trẻ em.

“Tất nhiên khi áp dụng giá trần các hãng sữa không mong muốn nhưng các hãng sữa cũng phải có trách nhiệm xã hội. Suốt 3 năm qua bao nhiêu lần tăng giá vô lý, rõ ràng đã đến lúc doanh nghiệp sữa cần có trách nhiệm xã hội. Hơn nữa việc áp dụng giá trần chỉ sử dụng cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi còn mặt hàng sữa khác giữ nguyên cách quản lý như hiện nay”, ông Phong nói.

Trên cương vị cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nếu thực hiện được việc áp giá trần người tiêu dùng sẽ an tâm hơn trong vấn đề giá sữa, khi đó không còn lo lắng giá sữa cứ tăng mà không có điểm dừng. 

Tuy nhiên theo ông Hùng vấn đề nằm ở chỗ là biện pháp này có khả thi hay không. “Bởi lẽ sữa là mặt hàng không thuộc diện Nhà nước định giá. Theo cơ chế thị trường, sử dụng công cụ áp giá trần trong điều kiện nguyên liệu sữa chủ yếu nhập từ nước ngoài, nếu giá nhập nguyên liệu (đầu vào) cao trong khi giá bán (đầu ra) bị trần khống chế, phát sinh lỗ thì liệu doanh nghiệp có tiếp tục kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi?”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng: "Áp giá trần cho sữa khó khả thi, khi sữa là mặt hàng nhà nước không quản lý về giá"
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng: "Áp giá trần cho sữa khó khả thi, khi sữa là mặt hàng nhà nước không quản lý về giá"

Vì thế theo ông Hùng các cơ quan quản nhà nước cần lường trước vấn đề này. “Không thể bắt buộc doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, trừ khi nhà nước bù lỗ cho họ. Nhưng điều này là không thể. Khi đó, nguy cơ không có sữa cho các trẻ em còn nghiêm trọng hơn là vấn đề giá cả sữa”, ông Hùng lo ngại. 

Thay vào đó để quản lý giá sữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng lúc này người tiêu dùng mong cơ quan có chức năng quản lý giá, với công cụ pháp lý trong tay cần tăng cường quản lý bằng cách yêu cầu doanh nghiệp làm rõ nguyên nhân việc tăng giá, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cụ thể lý do tăng giá sữa. 

Trên cơ sở đó tiến hành thẩm định để bác bỏ việc tăng giá bất hợp lý. Việc thẩm định là trong tầm tay của cơ quan quản lý, khi Ngành Hải quan làm thủ tục nhập khẩu phải nắm rõ giá nhập. Ngoài ra còn có vai trò của các Thương vụ ở nước ngoài, đặc biệt là việc minh bạch các thông tin có liên quan về giá để người tiêu dùng giám sát.

Ở khía cạnh khác theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại sau khi áp trần về giá cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ xảy ra 2 khả năng nếu áp giá trần đúng người dân được hưởng lợi, doanh nghiệp sữa buộc phải thực hiện nhưng nếu không đúng có nguy cơ doanh nghiệp sữa quay lại kiện cơ quan quản lý.

Theo ông Phú trong nền kinh tế thị trường nhà nước phải tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp. “Vấn đề chính là phải minh bạch thông tin, hiện nay việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước không chặt chẽ, nên dẫn đến việc giá thành sản phẩm doanh nghiệp đưa ra dù biết không hợp lý nhưng cơ quan nhà nước không có cơ sở để bác bỏ vì thiếu cơ sở, thiếu đầy đủ thông tin”, ông Phú nhận xét.

Lý giải về việc giá sữa chênh lệch lớn giữa giá niêm yết tại doanh nghiệp tới giá ở siêu thị, đại lý, các kênh phân phối theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất với cơ chế thị trường cũng chỉ rõ không nhất thiết giá của một sản phẩm ở siêu thị, ở chợ hay bán lẻ phải bằng nhau, hay ở siêu thị này với siêu thị khác là bằng nhau cái này không thể có. Vi có thể với mỗi đại lý, đơn vị phân phối doanh nghiệp sữa có cơ chế chiết khấu khác nhau, từ đó giá giao hàng khác nhau giá bán khác nhau.

Thứ hai nữa hiện nay việc tổ chức bán hàng qua đại lý mà chủ yếu mua đứt bán đoạn, vì vậy đã mua đứt thì việc bán giá như thế nào do kênh phân phối. 

Thứ ba hiện nay vấn đề niêm yết giá không phổ biến trừ siêu thị, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải niêm yết giá còn hầu hết các đại lý bán lẻ việc niêm yết giá rất ít. “Ví dụ ngay tại hàng sữa tại phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) có ai niêm yết giá đâu, có khi khách lạ khách quen bán chênh nhau giá là chuyện bình thường”, ông Phú cho biết thêm. 

 
Hoàng Lực