Tại phiên chất vấn sáng nay (15/6), Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nếu vấn đề: Theo báo cáo số 4707 ngày 9/6/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các đại biểu Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư 1.372 km với tổng mức đầu tư là 312.435 tỷ đồng, tương đương với 14 tỷ USD và suất đầu tư đường cao tốc theo dự án khoảng 10,12 triệu USD/km.
Theo phát biểu của một số chuyên gia trên báo chí thì suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ là 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.
Như vậy cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 - 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương.
Cũng theo thông tin của Bộ Giao thông vận tải thì dự toán làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam của ta khoảng 50 tỷ USD. Nhưng báo chí thì nói rằng tuyến đường cao tốc Bangkok - Nong Khai của Thái Lan là 13,9 tỷ USD/874 km, tương đương với 20,67 tỷ USD chiều dài đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Như vậy suất đầu tư đường sắt cao tốc của ta cũng cao gấp 2,5 lần Thái Lan.
Vậy Bộ trưởng trong điều kiện nguồn lực của ta có hạn, có giải pháp gì để giảm suất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc, để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (đoàn Bình Định). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Báo cáo trước Quốc hội, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo về nội dung này.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cùng với Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo đánh giá suất đầu tư dựa trên tiêu chuẩn Quy định 1161 ngày 11/10/2015 của Bộ Xây dựng thì suất đầu tư quy ra đường 6 làn xe khoảng 200 tỷ/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng.
BOT Bắc Giang – Lạng Sơn: Chính phủ cần chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư mới |
“Đối với đặc điểm ở Việt Nam chúng ta thì có một số khu vực có những mức giá rất khác nhau.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ qua tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng thì chúng ta có dải từ 7,4 triệu USD/1km của miền trung du phía Bắc cho đến 17,2 triệu USD/1km đối với khu vực Tây Nam Bộ, Nam Bộ.
Đây là một trong những đặc điểm rất lớn, bởi vì trong đầu tư thì giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu”, ông Nghĩa thông tin.
Ông Nghĩa cũng nêu ra so sánh: Đối với đường cao tốc 6 làn xe, tiêu chuẩn quy mô đường thì ở Đức khoảng 10,9 triệu USD/1km; Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD/1km; Hunggary khoảng 13,3 triệu USD/km; Áo là 16,7 triệu USD/1km; Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD/1km; Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 triệu USD/1km.
“Trong đề án đường cao tốc Bắc - Nam vừa rồi chúng tôi làm dự kiến khoảng 9,5 triệu”, ông Nghĩa cho hay.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sáng 15/6. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Liên quan đến các dự án đầu tư BOT, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đặt ra vấn đề trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải trong hầu hết các dự án BOT giao thông đều áp dụng hình thức chỉ định thầu, dẫn đến thiếu minh bạch.
Vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tham mưu cho Chính phủ như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh trong đầu tư công và các hợp đồng BOT?
Giải đáp băn khoăn của Đại biểu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết: “Đây là việc xã hội quan tâm rất lớn thời gian qua. Từ năm 2011 - 2015 chúng ta đã làm rất nhiều dự án huy động vốn, đây là một hình thức rất đúng đắn theo nghị quyết Trung ương, đã huy động được rất nhiều nguồn lực. Từ năm 2011 - 2015 chúng ta đã huy động được 171.000 tỷ đồng. Đối với các dự án này cơ bản đều chỉ định thầu.
Lý do chỉ định thầu theo tôi nghĩ đối với BOT đây là nội dung đã được kỳ họp thứ hai của Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của Thường vụ Quốc hội, tôi nghĩ sẽ có kết luận đầy đủ vào tháng 8.
Tôi mong rằng để giải quyết một cách khách quan, đầy đủ cũng như đề xuất của Bộ Giao thông, yêu cầu của xã hội, làm sao các dự án BOT được triển khai một cách minh bạch.
Chúng tôi đã có những kiến nghị và sẽ có những khuyến nghị trong các kết luận của Thường vụ Quốc hội, theo tôi nghĩ lúc đó sẽ đầy đủ, khách quan”.