Các ông chủ doanh nghiệp lớn không bao giờ ưa sinh viên “chảnh”?

29/06/2012 14:23
Tiểu Phương
(GDVN) - Nói về chuyện dụng người, hai Phó Tổng GĐ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Ông Lê Đăng Dũng cho rằng: Với ông, quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm làm việc, còn ông Nguyễn Mạnh Hùng lại nhấn mạnh: Tôi chọn người yêu nghề chứ không chọn người 'chảnh'.
Bắt đầu từ tuyên bố của sinh viên (SV) Ngoại Thương về mức lương dưới 1.000 USD không làm, trên mạng xã hội, online, một làn sóng tranh luận sôi nổi đã diễn ra, “chụp mũ” chảnh cho sinh viên trường này. Đặc biệt, scandal “chảnh” càng rộ lên sau đoạn video “tự chế” gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar nói về những lùm xùm xung quanh “sự kiện” trên. Thậm chí, nhiều sinh viên trường Ngoại thương còn tự khen mình: “dù gì thì Ngoại thương cũng được gọi là Havard Việt Nam rồi”.

Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà tuyển dụng, những doanh nghiệp Việt, sinh viên Ngoại thương thực sự có “đáng giá”? Tiêu chí chọn người của họ là gì, phải chăng các sinh viên trường này đang quá “lợi dụng” vào “cái mác” Ngoại thương?

Tìm người yêu nghề chứ không phải giỏi việc

Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng GĐ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho rằng: Viettel không quá quan trọng tới bằng cấp, điều ông cần nhất vẫn là kinh nghiệm làm việc, sự nhiệt huyết và năng lực thực sự của người đó.

Trong một cuộc trò chuyện với người của FPT do phóng viên Nội san Viettel ghi lại, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng GĐ Viettel đã từng nêu lên quan điểm: Giữa giỏi nghề và yêu nghề thì chúng tôi chọn người yêu nghề, yêu công việc hơn. Bởi lẽ, để đào tạo cho người ta có tình yêu với mình thì khó hơn rất nhiều lần so với việc đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho họ.

Một người chưa thành thạo kỹ năng, làm nhiều sẽ quen và có thể trở thành người khá hơn, miễn là họ thực sự cầu tiến và yêu công việc của mình, muốn làm mới công việc và mong chờ vào một kết quả tốt đẹp hơn từ sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh: Viettel luôn cân nhắc chọn người xem họ có phù hợp với văn hóa của mình, cách làm của mình không, chứ không chú trọng quá nhiều đến vấn đề trình độ, bằng cấp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng GĐ Viettel đã từng nêu lên quan điểm: Giữa giỏi nghề và yêu nghề thì chúng tôi chọn người yêu nghề, yêu công việc hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng GĐ Viettel đã từng nêu lên quan điểm: Giữa giỏi nghề và yêu nghề thì chúng tôi chọn người yêu nghề, yêu công việc hơn.

Có giai đoạn, Viettel mang câu chuyện là lấy đâu ra được nhiều người giỏi và tự đi tìm câu trả lời cho mình. Cuối cùng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội nhận ra một điều rằng: không có nhiều người tự nhiên giỏi.

Ông Hùng chia sẻ: Thực tế, trong 1.000 người thì may ra có 100 người có tư duy tốt, và có thể chỉ có 20 người hợp với công việc của mình. Sau đó nếu đào tạo thì may ra còn lại được 1 người thực sự là giỏi.

“Trước đó, Viettel chỉ nghĩ một cách đơn giản là đi thuê những người giỏi nhất về làm và trả lương cao cho họ. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận ra một điều rằng: Nếu thuê những ông bên ngoài thì họ có thể làm tốt ngay, nhưng thường không bền và không tạo nên sự vĩnh cửu được”.

Vì vậy, Viettel chú trọng việc đào tạo từ bên trong hơn. “Tất cả những doanh nghiệp thành công đều được điều hành bởi những người trưởng thành từ bên trong, chứ ít công ty thành công lấy người từ bên ngoài. Chỉ những người từ bên trong mới hiểu được mọi ngõ ngách, có tình yêu với nó thì mới điều hành tốt đuợc!” – ông Hùng tâm đắc.

Tìm người tận tâm, đạo đức


Trong các cuộc trao đổi ngắn với báo Giáo dục Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp Việt thành công và uy tín trên thương trường đều cho rằng: Tuyển nhân lực đều chú trọng vào đạo đức nhân viên, quan tâm tới những người tận tâm, nhiệt huyết.

Ông Phí Đức Lực, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ của 3 trung tâm - siêu thị điện máy – nội thất Việt Long cho biết: Trong các cuộc tuyển dụng, ông luôn là người duyệt danh sách ứng tuyển cuối cùng. “Với những sinh viên có những tuyên bố sỗ sàng về mức lương 1.000 USD như thế không thể chấp nhận”- ông Lực nhận xét.

Theo ông Lực thì tất cả năng lực của nhân viên đều được chứng minh bằng việc làm cụ thể. “Cứ cho là sinh viên đó giỏi nhưng giữa nhà trường, việc học và thực tế khác xa nhau rất nhiều, không phải ai khi ra trường, học giỏi đều có thể làm được việc luôn. Mọi thứ cần phải có một quá trình thử thách, trong khi đó, người ta chưa biết mình làm như thế nào mà đã tuyên bố hùng hồn như vậy, ở đâu chứ ở Việt Long thì không thể chấp nhận được!”.

Ông Phí Đức Lực, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn Việt Long cho rằng: Sinh viên Ngoại thương tuyên bố hùng hồn về mức lương dưới 1.000 USD không làm là không thể chấp nhận được!
Ông Phí Đức Lực, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn Việt Long cho rằng: Sinh viên Ngoại thương tuyên bố hùng hồn về mức lương dưới 1.000 USD không làm là không thể chấp nhận được!

Trải qua nhiều năm quản lý và đào tạo nhiều lớp nhân viên, ông Lực luôn tâm niệm: Đạo đức của người làm nghề là quan trọng nhất. “Không có đạo đức thì làm việc gì cũng rất nguy hiểm” – Ông Lực nói.

Ông cho rằng: Tự tin của một người sinh viên mới ra trường là tốt nhưng phải có mức độ, chứ đừng thái quá đến mức khiến người ta có cái nghĩ khác về mình, đừng tự tin vỗ ngực “chỉ có một mình mình làm được!”.

“Trong bộ máy lãnh đạo của tôi có một đồng chí chỉ học hết trung cấp, xuất phát từ một người bán hàng, sau đó, nhờ bán hàng tốt, ăn nói khiêm tốn, tôi đã cho đi học lớp bồi dưỡng ngắn ngày, rồi được bổ nhiệm làm tổ trưởng, lên quản lý, giám sát sau đó trở thành quản lý trung tâm hiện nay” – Ông Lực chia sẻ.

Nhận xét về sinh viên ngoại thương, ông Lực cho biết: về mặt nghiệp vụ cũng như ăn nói, sinh viên Ngoại thương đúng là sắc sảo hơn, bản lĩnh hơn, tự tin hơn các sinh viên trường khác thật, tuy nhiên, “một vài trường hợp vào công ty tôi lại không làm được gì” – ông Lực nói.

Do đó, theo quan điểm của ông Lực: “Cái mác không làm nên chuyện gì, quan trọng vẫn cứ là con người”.

Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Mọi ý kiến xin gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cảm ơn!


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Sinh viên ĐH Ngoại thương chảnh thì...cạp đất ra mà ăn

Scandal "chảnh" của SV Ngoại thương bị gắn vào phim "Kẻ diệt chủng"

Khi "khuôn vàng thước ngọc" bị vỡ, nền giáo dục sẽ trôi về đâu?

Những hình ảnh "ấn tượng" chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 12

Rớt nước mắt vì lời kể của giáo viên thực tập mầm non

Lá thư cảm động của một giáo viên sau vụ quay cóp ở trường Đồi Ngô

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Tiểu Phương