Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 (từ ngày 27 đến 30/6/2017) khép lại với những thông tin về việc kỷ luật và xem xét kỷ luật hai cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý gồm bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật cảnh cáo và bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương được xác định có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Có thể thấy chưa khi nào Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành nhiều quyết định kỷ luật với cán bộ trung cao cấp như thời gian hiện nay.
Việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm mang lại niềm tin cho nhân dân cho thấy một sự quyết tâm Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, lạm quyền.
Tuy nhiên, những thông tin kỷ luật cán bộ nhà nước vừa qua cũng cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất, lạm dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa cho biết bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương được xác định có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng - ảnh nguồn Tạp chí Công Thương và Tuổi Trẻ. |
Đây với là vấn đề chúng ta cần giải quyết
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho rằng, vấn đề chống tham nhũng, lạm quyền mới chính là vấn đề Việt Nam cần giải quyết chứ không phải bài toán tăng trưởng.
Phân tích mối liên hệ giữa vấn đề lạm quyền, tham nhũng tác động đến kinh tế, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết, khi một cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước mà có người nhà làm doanh nghiệp họ sẽ bằng nhiều cách tác động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của người thân phát triển.
“Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khác khó cạnh tranh, muốn tồn tại họ phải tìm cách “quan hệ” với quan chức. Để rồi hệ lụy cuối cùng doanh nghiệp phát triển tồn tại không phải bằng năng lực mà bằng quan hệ”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, vấn đề chống tham nhũng, lạm quyền mới chính là vấn đề Việt Nam cần giải quyết chứ không phải bài toán tăng trưởng - ảnh nhân vật cung cấp. |
Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định, vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chỉ là trường hợp điển hình được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra.
Theo đó, trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ở vị trí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bà Thanh ký nhiều văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh không thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
“Trường hợp bà Thanh điển hình ở việc cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước lại có người nhà làm doanh nghiệp. Như vậy anh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa làm chính sách vừa kinh doanh.
Điều này sẽ dẫn đến những chính sách, văn bản anh ban hành đều nhằm có lợi cho doanh nghiệp người nhà của anh hoặc doanh nghiệp anh tham gia điều hành", ông Trinh phân tích
Lạm quyền sẽ khiến môi trường kinh doanh méo mó |
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, việc lạm quyền để làm lợi cho doanh nghiệp người thân của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh mà còn tạo ra sự phân biệt giữa các doanh nghiệp.
Từ sự phân biệt vô hình đó khiến doanh nghiệp muốn được tạo điều kiện thuận lợi buộc phải “quan hệ” với quan chức. Cuối cùng dẫn đến tham nhũng gia tăng.
Ngăn chặn phải từ công tác cán bộ
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, trong vấn đề lạm quyền làm lợi cho doanh nghiệp không chỉ diễn ra doanh nghiệp người thân mà nói đúng hơn là những doanh nghiệp sân sau của cán bộ.
“Có thể người nhà anh không làm doanh nghiệp nhưng lại tham gia với tư cách cổ đông lớn, thậm chí cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cũng có vài phần trăm cổ phần.
Vì thế không khó giải thích việc anh tạo điều kiện, anh ưu ái cho doanh nghiệp đó”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.
Dẫn chứng cụ thể ông Trinh cho hay, ngay trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù là lãnh đạo của Bộ nhưng bà Thoa vẫn có cổ phần trong Công ty Điện Quang. Người thân của bà Thoa cũng tham gia điều hành tại Điện Quang.
Trường hợp như bà Thoa sẽ dẫn đến nguy cơ tác động để doanh nghiệp như Điện Quang giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường hoặc dễ trúng thầu các dự án.
“Chúng ta không chỉ nhìn ở khía cạnh doanh nghiệp người thân mà phải xem xét cả những doanh nghiệp mà cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà có cổ phần hoặc người thân tham gia đầu tư”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.
Để ngăn chặn vấn đề lạm quyền làm lợi doanh nghiệp nhà nước, ông Trinh cho rằng cần phải có quy định để phân tách quản lý nhà nước với tham gia hoạt động doanh nghiệp.
Ví dụ, quy định yêu cầu lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước không tham gia đầu tư dưới dạng cổ đông, góp vốn hay có cổ phần trong các doanh nghiệp.
Cán bộ lãnh đạo sẽ không được quản lý lĩnh vực mà người thân trong gia đình như vợ (chồng) hay con tham gia đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó để tránh việc cán bộ lãnh đạo có doanh nghiệp “sân sau”, ông Trinh cho rằng cách duy nhất là minh bạch thu nhập, về tài sản đồng thời làm tốt công tác cán bộ.
Cụ thể, việc bổ nhiệm cán bộ phải qua thi tuyển công khai. Khi tuyển chọn được cán bộ rồi phải giám sát theo dõi quá trình làm việc của cán bộ, đặc biệt giám sát về thu nhập về tài sản mà muốn làm được điều này phải minh bạch công khai tài sản ngay từ khi thi tuyển.
Ngoài ra, Tiến sĩ Trinh cũng cho rằng phải có chế tài xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cho cá nhân.
Khi phát hiện sai phạm cần xem xét cho thôi chức vụ thậm chí khởi tố nếu vi phạm nghiêm trọng chứ không chỉ dừng ở lại cảnh cáo hay khiển trách.