Năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý tăng trưởng GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây.
Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 chuyển biến tích cực, đạt nhiều chỉ số ấn tượng, nổi bật.
Chuyên gia kinh tế hiến kế để Việt Nam không lệ thuộc đầu tư nước ngoài |
Cụ thể khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%.
Đáng chú ý, năm 2018, ngành nông nghiệp đã lần đầu tiên đạt thành tích xuất khẩu trên 40 tỷ đô la Mỹ.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Mức xuất khẩu này đã chiếm đến gần 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh đánh giá đây là kết quả ấn tượng của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Trinh thẳng thắn cho rằng, Việt Nam cần tự đi trên đôi chân của mình bằng việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển cũng như tập trung vào những lĩnh vực lan tỏa đến giá trị gia tăng cao và ít ảnh hưởng đến môi trường, thực chất nâng cao đời sống của người dân thay vì phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, cần xem lại việc kêu gọi vốn FDI cũng như ưu đãi quá nhiều cho khối doanh nghiệp này. Ảnh: Vũ Phương. |
Tiến sĩ Bùi Trinh chỉ ra: “Khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn bị kìm hãm bởi những rào cản, điều kiện kinh doanh và nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh doanh nghiệp nhất là trong những dịp lễ Tết.
Các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh như thủ tục hành chính, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...
Đáng buồn, số liệu thống kê cho thấy hơn 10 năm qua, tỷ trọng giá trị tăng thêm của doanh nghiệp tư nhân đóng góp trong GDP chỉ loanh quanh ở mức 7-8%.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, lẽ ra khu vực này cần được ưu đãi thì chúng ta ưu ái quá nhiều cho khu vực FDI. Doanh nghiệp FDI được ưu đãi về đất đai, thuế…
Rõ ràng với những ưu đãi chúng ta đang dành cho khu vực FDI, Việt Nam lại đi ngược lại so với nhiều nước. Thực tế, doanh nghiệp trong nước chỉ mong muốn được ưu đãi như khối doanh nghiệp FDI”.
Nói về những đóng góp của khu vực có vốn FDI, Tiến sĩ Bùi Trinh không phủ nhận những đóng góp của FDI với nền kinh tế. Vốn FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng trong tổng nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn khởi động nền kinh tế. Những năm gần đây, vốn FDI thực hiện ở Việt Nam khá lớn.
Nhờ có FDI thu hút nhiều việc làm cho người dân. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước xét về tổng thể hay mở rộng xuất khẩu, tạo ra giá trị xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít doanh nghiệp FDI khai kinh doanh bị lỗ, và phần lớn các liên doanh đã chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Đây là hiện tượng không bình thường, cho thấy có việc lạm dụng chính sách ưu đãi và cơ chế chuyển giá, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Đáng nói, khối doanh nghiệp FDI cũng tạo ra tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đáng lo ngại là vấn đề môi trường bị ảnh hưởng từ khu vực FDI cũng như việc khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp FDI tìm cách né thuế, trốn trách nhiệm tài chính.
Doanh nghiệp tư nhân không chỉ gặp khó về cạnh tranh, nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh mà còn bị vòi vĩnh. Ảnh: VGP. |
Ông Trinh đặt vấn đề: “Nhìn lại từ khi kêu gọi vốn FDI, chúng ta được gì. Chúng ta chỉ được một phần thuế họ đóng, trong khi đó ưu đãi dành cho họ lớn hơn nhiều.
Còn về chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho người Việt Nam vẫn chỉ bằng 0.
So sánh khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước dù lợi nhuận chỉ bằng một nửa khu vực FDI, nhưng phải đóng thuế (thuế trực thu – PV)gấp đôi so với doanh nghiệp FDI”.
“Càng dựa vào vốn FDI thì nội lực trong nước càng bị thu hẹp. Giá trị gia tăng của FDI mang lại giá trị rất ít trong việc nâng cao đời sống của người dân. Đã đến lúc phải xem lại việc ưu đãi cho khu vực FDI cũng như việc lựa chọn lĩnh vực nào kêu gọi vốn FDI vào Việt Nam”, ông Trinh nói.
Thủ tục kinh doanh giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải lót tay nhiều |
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh: “Cần phải xem lại ngành nào đem lại giá trị gia tăng cho đất nước, mang lại giá trị thực chất nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam để ưu tiên, chú trọng, đẩy mạnh.
Chú ý rằng chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài từ năm 2010 đến 2017 tăng cao hơn tăng trưởng GDP trên 30%, một phần không nhỏ do khu vực FDI chuyển tiền về nước
Tập trung vào nông nghiệp, dịch vụ, du lịch sẽ mang lại giá trị gia tăng cao và thực chất hơn cho đời sống người dân Việt Nam. Nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ họ cũng làm vậy, nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng.
Hiệu ứng nhà kính lớn nhất là công nghiệp chế biến, tiếp theo là xây dựng, thứ 3 mới đến nông nghiệp.
Nông nghiệp xanh, sạch sẽ mang lại giá trị cao, góp phần thay đổi đời sống người dân tốt hơn thay vì những con số cao kỷ lục đến từ công nghiệp chế biến vốn chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
FDI là doanh nghiệp mà mục đích tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận. Lãi họ hưởng, mình không thể thò vào túi họ mà lấy được, FDI chỉ mang lại đồng thuế ít ỏi cho Việt Nam”.
Để phát triến kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng doanh nghiệp trong nước để phát triển nội lực thay vì phụ thuộc vào FDI, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh: “Để khuyến khích người dân tham gia đầu tư, kinh doanh, Nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh không những thuận lợi, mà còn an toàn.
Vấn đề về thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Sự chậm trễ, oan sai trong xét xử; hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm; hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới”.
Để phát triển nội lực chỉ chú trọng khối doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mà phải quản lý, phát triển khối doanh nghiệp Nhà nước sao cho hiệu quả.
Về việc này, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa.
Ủy ban này chỉ nhặt những ông làm ăn thua lỗ vào. Trong khi đó, doanh nghiệp đã có Bộ chủ quản rồi lại có ủy ban nữa sẽ càng làm cho vấn đề phức tạp hơn.
Ủy ban Quản lý vốn chỉ thực sự có hiệu quả khi bỏ bộ chủ quản. Bởi, doanh nghiệp chịu sự quản lý của cả bộ chủ quản và Ủy ban sẽ phân chia mỗi ông quản lý một mảng. Như vậy, doanh nghiệp làm sao làm ăn được”.