Lần đầu trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam đã vượt mục tiêu tăng trưởng khá xa, từ 6,7% đã lên tới 7,08%.
Như vậy, chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện mạnh mẽ, cũng có nghĩa là cơ cấu chuyển dịch một cách có hiệu quả.
Quy mô nền kinh tế tăng 1,3 lần; Nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%; Lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất từ 2012 đến nay; Ngành xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%;
Hơn 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long đánh giá, những kết quả đột phá về tăng trưởng GDP năm 2018 cho thấy Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt đáng chú ý là con số 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước. Như vậy, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.000.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ảnh: Nguồn Tạp chí điện tử Đảng Cộng sản. |
Một điểm khác đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%.
“Chúng ta có 2 năm ghi dấu ấn quan trọng liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thì nước ta xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD.
Một con số mà nay chúng ta mới đạt được. Ngoài mặt chỉ tiêu về số lượng thì chất lượng cũng được cải thiện”, ông Long nói.
Mục tiêu lạm phát đề ra là 4%, nhưng Chính phủ đã làm tốt hơn và kiểm soát ở 3,54%. Đó cũng là thành công kép, góp phần vào tăng trưởng GDP năm 2018 và cũng tạo đà thuận lợi để kiểm soát lạm phát năm 2019.
Bên cạnh đó, thu ngân sách so với dự toán vượt khoảng 3,5 tỷ USD cũng rất đáng chú ý. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục.
Nợ xấu giảm sâu, như vậy là hệ thống tài chính sau một thời gian gặp nhiều khó khăn đã đi vào ổn định hơn, mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong những năm tới.
Chống tham nhũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế |
Ông Long nói thêm: “Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt.
Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đó là những nét cơ bản nhất và là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển tốt. 12 chỉ tiêu chúng ta đã hoàn thành trong đó có 8 chỉ tiêu đã vượt mức đáng mừng.
Điều đó chứng tỏ Chính phủ đang đi đúng hướng mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra”.
Vẫn còn những tồn tại cần phải quyết liệt hơn
Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, năm 2019 mặc dù có sự thuận lợi được kế thừa của những năm 2017 – 2018 nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức.
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên mỗi một sự biến động, tác động của nền kinh tế thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hoặc ảnh hưởng của tăng giá đồng đô la Mỹ.
"Phải tránh tình trạng Trung ương mở, nhưng địa phương có quy định riêng" |
“Ta cần phát huy nội lực hơn nữa. Quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế, tuy có bước đột phá để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh để tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là yếu tố quan trọng”, ông Long nêu quan điểm.
Việc phát triển nguồn nhân lực cần được tăng cả chất và lượng để đáp ứng cuộc cách mạng 4.0.
Đây là một cơ hội tốt để phát triển nhưng thách thức không hề nhỏ nếu chúng ta không sâu sát.
“Chính phủ cần phải kiến tạo thực sự và cụ thể là những chính sách thiết thực, bám sát và lấy kinh tế tư nhân làm động lực để phát triển kinh tế.
Chúng ta cần phải chuẩn bị thật tốt mọi nguồn lực và mọi điều kiện để khai thác những động lực quyết định của nền kinh tế phát triển.
Trong công cuộc hội nhập, chúng ta đã kí những hiệp định như CPTPP và sắp tới sẽ kí một số hiệp định khác nữa.
Cho nên việc cải cách thể chế là một vấn đề rất quan trọng giúp chúng ta hội nhập thành công”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Ngô Trí Long, mặc dù tăng trưởng cao nhưng thực tế là vẫn có một phần đóng góp lớn từ đầu tư nước ngoài.
Vì vậy trong thời gian tới phải tập trung phát huy nội lực sản xuất sản phẩm trong nước, xuất khẩu.
Đó mới là điểm quyết định sự bền vững của nền kinh tế tự chủ, là bước phát triển đột phá.
Ông Long cũng băn khoăn: “Tăng trưởng được cải thiện nhưng chưa thật sự tạo nên được dấu ấn mạnh mẽ về mặt chất lượng tăng trưởng.
Năng lực cạnh tranh cũng như năng suất lao động vẫn còn hạn chế. Nhân lực còn thiếu và yếu về trình độ. Nếu không thật sự quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề thì người lao động của ta mãi cũng chỉ là đi làm thuê.
Tái cơ cấu tuy đã được chuyển động nhưng vẫn còn chuyển biến hơi chậm. Đặc biệt là ngành ngân hàng. Những ngân hàng nào yếu kém ta nên công khai và kiên quyết loại bỏ ra khỏi nền kinh tế. Những ngân hàng tốt ta nên có chính sách khuyến khích để đóng góp thực chất cho nền kinh tế.
Nên quan tâm và tiếp tục cởi bỏ bớt rào cản mà cụ thể là những giấy phép con gây cản trở phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế là khối doanh nghiệp này đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Về chống tham nhũng, đây cũng là vấn đề quan trọng mà Đảng và nhà nước rất quan tâm và kiên quyết xử lý, đã đạt được những kết quả tích cực trong năm qua.
Mặc dù vậy đây là vấn đề có diễn biến rất phức tạp, vì vậy cần tiếp tục có những “bàn tay sắt” để xử lý triệt để vấn nạn này, bởi ai cũng biết tham nhũng có ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế.
Rất nhiều dự án thua lỗ cách đây vài năm đã tạo thêm gánh nặng cho nhiệm kỳ này của Chính phủ.
Theo Phó Giáo sư Long: “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, như việc kết luận thanh tra một số dự án còn chậm.
Việc thu hồi tài sản còn thấp. Đấu tranh phòng chống tham nhũng là một việc phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể thấy khó mà không làm.
Việc này cần phải làm thường xuyên, quyết liệt, kiên trì và cần có sự hiệp lực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Nếu làm tốt và có hiệu quả những tồn tại thì nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ thực sự khởi sắc và phát triển mạnh cả về chất và lượng”.