Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động vốn theo kiểu cho vay nặng lãi

22/08/2018 06:22
Nhật Minh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi.

Ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn - tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp" do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là một trong những chủ đề về phát triển các loại thị trường được Chính phủ rất quan tâm, cùng với các thị trường khác như bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, hàng hoá - dịch vụ.

Việc phát triển 5 loại thị trường này, trong đó có thị trường vốn - tài chính là một trong những giải pháp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia tài chính đánh giá kỹ các chủ thể tham gia thị trường này, nhất là thực trạng “sức khỏe” các chủ thể tham gia, đặc biệt là các chủ thể kinh tế trong nước.

Theo Phó Thủ tướng, tình trạng quan tâm hiện nay là doanh nghiệp có vốn mỏng.

“Tổng cục Thống kê công bố số liệu vào cuối năm 2016 thì chỉ có 47% doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận (mặc dù tỷ lệ này cao hơn mức 30% của giai đoạn 5 năm trước đó) và 53% số doanh nghiệp không có lợi nhuận. Phải chăng là do vốn mỏng làm lợi nhuận kém?

Nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án mà vốn chủ sở hữu thấp, chi phí tài chính rất cao cùng với các chi phí tiếp cận, logistics…”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các chuyên gia kinh tế và nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đa dạng nguồn vốn là gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn - tài chính và thị trường tiền tệ.

Theo Phó Thủ tướng, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn Chính phủ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, việc này phải do thị trường điều chỉnh.

Nếu công trình, dự án đặc biệt cấp quốc gia thì Chính phủ cũng chỉ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ tối đa 30%. Hay như việc chống “đô la hoá”, Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất tiền gửi 0% đang phát huy hiệu quả, nhưng nếu không phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đủ mạnh thì khó cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, việc xây dựng và vận hành các công cụ phái sinh trong thị trường ngoại hối cũng giúp cho nền kinh tế “chống đỡ” được các tác động từ thị trường ngoại hối quốc tế đang có nhiều bất ổn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các đại biểu khi cho rằng tái cấu trúc thị trường tài chính gắn liền với ứng dụng các thành quả của kinh tế số, cho rằng cần ưu tiên xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của nền kinh tế số trước khi xây dựng khung khổ quản lý; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính vi mô, Fintech, cho thuê tài chính,...

Đối với nguồn huy động vốn từ “tín dụng đen”, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Về đối tượng tham gia tái cấu trúc thị trường tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều ý kiến khi đề cao vai trò của các nhà đầu tư có tổ chức, nhưng cho rằng cần phải có tính chuyên nghiệp.

“Tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư là rất quan trọng và cũng không nên phân biệt giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư tư nhân.

Nếu nhà đầu tư tư nhân mà chuyên nghiệp cũng giá trị hơn là nhà đầu tư có tổ chức nhưng không chuyên nghiệp, hay có động cơ thâu tóm thị trường”.

Coi chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng, có quy mô tới 70% GDP vào cuối năm 2017 (trong khi đây là mục tiêu đặt ra cho năm 2020), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thông điệp của Chính phủ là kiên trì, kiên quyết xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam lành mạnh, ổn định, sớm được công nhận là thị trường chứng khoán mới nổi vào năm 2020 để huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế.

Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng đề án để thực hiện lộ trình này.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và đưa vào giao dịch ở thị trường trái phiếu bình thường để tăng tính thanh khoản.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg để thực hiện lộ trình này.

Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần tạo dựng môi trường minh bạch, công khai trong thực thi chính sách, tăng cường giám sát nội địa, năng lực của hệ thống công cụ tư vấn như thuế, kiểm toán,…

Nhật Minh