Cho vay "cắt cổ", lợi nhuận của PPF khiến các ngân hàng Việt chào thua

06/05/2014 06:44
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Tính đến hết năm 2013, với việc cho vay tiêu dùng lãi suất cao, đạt hơn 500 tỷ dồng lợi nhuân, PPF đang khiến các ngân hàng Việt Nam chào thua...

Lợi nhuận tăng gấp hơn 5 lần

Công ty TNHH một thành viên tài chính PPF, đơn vị sở hữu thương hiệu Cho vay tiêu dùng HomeCredit - vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013.

Theo đó, kết thúc năm 2013, PPF đạt 1.803 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay (tăng 80%). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp đôi so với 2012 khi đạt gần 1.100 tỷ đồng. PPF đạt lợi nhuận sau thuế 529 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2012.

Cùng với đó, chi phí hoạt động tăng gấp đôi lên 954 tỷ đồng trong năm 2013 do việc mở rộng quy mô, trong khi chi phí dự phòng rủi ro giảm 100 tỷ đồng so với 2012, xuống 347 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của PPF Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm 2013, từ mức 3.054 tỷ lên 6.861 tỷ. Trong đó, dư nợ cho vay tăng mạnh nhất (từ 2.458 tỷ lên 4.514 tỷ đồng), PPF Việt Nam cũng tăng số dư gửi tại tổ chức tín dụng khác lên 1.769 tỷ đồng từ mức 415 tỷ của năm 2012.

PPF Việt Nam là công ty 100% vốn thuộc PPF Group (Cộng Hòa Séc), được cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng từ năm 2008. Công ty đang chiếm phần lớn thị phần cho vay tiêu dùng (tiền mặt, mua đồ gia đụng, điển tử và xe máy) ở Việt Nam.

Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm này được vay từ các tổ chức tín dụng khác (khoảng 3.000 tỷ đồng) còn vốn điều lệ của PPF Việt Nam vẫn giữ nguyên là 550 tỷ đồng. Với mức thu nhập lãi 2.306 tỷ đồng trên dự nợ trung bình 3.450 tỷ đồng (đầu năm: 22.458 tỷ; cuối năm: 4.514 tỷ), ước tính lãi suất cho vay trung bình của công ty này là 66%.

Trên thực tế, lãi suất thực các khoản cho vay của PPF được báo cáo thuyết minh ở mức 78,42%, cao hơn gần 9% so với năm 2012. Trong khi đó nguồn vốn huy động chủ yếu của PPF đã giảm lãi thực trả xuống 12,2% so với mức 23,3% năm 2013.

Công ty không công bố thuyết minh chi tiết về tỷ lệ nợ xấu, tuy nhiên con số dự phòng chỉ là 113 tỷ đồng (tỷ lệ dự phòng/ tổng dư nợ: 2,5%). Giá trị dự phòng rủi ro cho vay này chỉ tăng thêm 7 tỷ so với năm 2013, trong khi dư nợ cho vay tăng thêm hơn 2.000 tỷ.

Ngân hàng Việt Nam chào thua

Có thể thấy vốn góp của PPF chỉ có 550 tỷ đồng, cộng thêm lợi nhuận chưa chia và các quỹ, vốn chủ sở hữu của công ty này đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Mức vốn này chỉ bằng một nửa con số tối thiểu của các nhà băng hiện nay theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động cho vay của PPF lại mang về thu nhập khả quan, không thua kém gì các ngân hàng top giữa của Việt Nam nếu so sánh tương quan về quy mô cho vay và thu nhập lãi như TienPhong Bank, KienLong Bank, Navi Bank, SaiGon Bank,… Thậm chí, với đà này, nhiều ngân hàng lớn cũng sẽ chới với để không bị tụt sau PPF Việt Nam.

Đến hết 31/12/2013, tổng tài sản của Ngân hàng TienphongBank tăng gấp 2 lần so với năm 2012, lợi nhuận đạt 381 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm qua, tổng tài sản Kienlongbank đạt 21.372 tỷ đồng, vượt 11,7 % kế hoạch, tăng 15% so với năm 2012; Dư nợ cho vay được 12.129 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2012; Huy động vốn được 17.510 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 393,4 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 2,47% tổng dư nợ. Cổ tức 9%.

Gây thất vọng hơn, tính đến cuối năm 2013, cơ cấu tài sản Navibank có hơn 3.100 tỷ đồng các khoản phải thu, các khoản lãi và phí phải thu. Cụ thể, các khoản lãi và phí phải thu tăng mạnh từ 1.325 tỷ đồng đầu năm 2013 lên hơn 2.231 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Lợi nhuận trước thuế năm 2013, Navibank đạt gần 24 tỷ đồng, nợ xấu ở mức 6,07% sau khi bán nợ xấu cho VAMC.

ACB, Eximbank... cũng chới với

Theo cáo tài chính hợp nhất năm 2013 của Ngân hàng TMCP Á Châu, thu nhập lãi thuần năm 2013 đạt 4.386 tỷ đồng, giảm 36,2% so với năm 2012. Riêng quý 4, thu nhập lãi thuần giảm 43,4% xuống 887 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ giúp ACB đạt lãi 207 tỷ đồng trong quý 4 và cả năm là 770 tỷ đồng, tăng lần lượt 25,5% và 9,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lũy kế cả năm 2013, thu nhập lãi thuần của Eximbank giảm gần 44,2% so năm 2012, dạt 2.736,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 827 tỷ đồng (giảm tới 71%) và lợi nhuận sau thuế cũng giảm gần 70% đạt 657,97 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, lãi năm 2013 của ACB, Eximbank... cũng không hơn nhiều PPF.

NHẤT NGÔN