Ngày 18/5, tờ The Star (Malaysia) đưa tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc đã thâm nhập vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đe dọa tính mạng người tiêu dùng châu Á.
Theo thông tin trên tờ The Star, gạo nhựa Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore.
Thông tin này ngay lập tức lan tỏa trên các trang mạng xã hội gây lo lắng cho người tiêu dùng. Theo chuyên gia dinh dưỡng, ăn gạo giả có thể dẫn đến tử vong hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng hệ tiêu hóa.
Gạo giả bằng nhựa (ảnh minh họa - nguồn Vietnamnet) |
Trước thông tin “gạo nhựa” có mặt tại thị trường Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Ngay sau khi xuất hiện thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và sẽ có thông tin sớm nhất đến cộng đồng nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường”.
Người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm đưa ra lời khuyên: “Người dân không nên hoang mang và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Công An, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân xã/phường, Y tế xã phường”.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, thông tin về “gạo giả” đã từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012, tuy nhiên tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng, thông tin đó là không chính xác. Vì vậy ông Phong cho rằng người dân không nên hoang mang trước thông tin gạo nhựa.
Trước đó năm 2012, nghi vấn gạo nhựa xuất hiện tải Hà Nội gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thời điểm đó một người dân khu vực Hoàng Mai - Hà Nội cho biết đã mua phải gạo nhựa nên khi nấu cơm đã không thể ăn được.
Sau đó Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích 5 mẫu gạo cho thấy, có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Viện cũng không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.
Vì vậy khi đó Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khẳng định, “gạo giả” tại Hà Nội là chưa chính xác.