Xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng
Hôm nay 28/5, Quốc hội dành trọn ngày làm để thảo luận tại hội trường việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá giai đoạn 2011-2016.
Vào đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo kết quả giám sát Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, Tính đến 31/12/2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Báo cáo nêu rõ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).
Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối doanh nghiệp nhà nước (100% vốn nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016 (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%).
Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao.
Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ rõ, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ đô la Mỹ, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.
Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ.
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng.
Việc công khai thông tin trong doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, không kịp thời, thiếu minh bạch, mang tính hình thức.
Một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, một số doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định;
Huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước.
Một số doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.
Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo kết quả của Đoàn giám sát trước Quốc hội vào sáng nay 28/5. Ảnh: Quochoi.vn |
Xác định sai giá trị doanh nghiệp để chiếm dụng vốn
Về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, theo kết quả giám sát, giai đoạn 2011-2016 đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp.
Một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao.
Công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Có hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm; doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất từ nhiều năm về trước nhưng chưa kê khai đăng ký, chưa ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương.
Nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán giá rẻ gây bức xúc dư luận |
Còn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước hầu hết các Tổng công ty, Tập đoàn khi cổ phần hóa 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, thì giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Ví dụ, công ty Khách sạn Kim Liên giá khởi điểm hơn 30.000 đồng, giá trúng là gần 300.000 đồng, Công ty Ong Trung ương giá khởi điểm 15.000 đồng, giá trúng hơn 160.000 đồng…
Kết quả giám sát cũng chỉ rõ công tác cán bộ, yếu tố con người còn nhiều bất cập, hạn chế.
Báo cáo nêu, công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập. Tại cơ quan chủ quản chưa có đơn vị đủ mạnh, đủ năng lực để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Chế độ đãi ngộ đối với người quản lý doanh nghiệp chưa thỏa đáng, một số cán bộ sa sút về trách nhiệm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, đã làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm tra cán bộ chưa thực sự được chú trọng. Có trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm khi nhận xét, đánh giá người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.