Đảm bảo an ninh kinh tế gắn với chống tham nhũng, tiêu cực

26/05/2017 09:47
Diệu Linh
(GDVN) - Thủ tướng nhấn mạnh việc cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay.

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an ninh kinh tế giai đoạn 2009-2016 và triển khai Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế".

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay. ảnh: VGP.
Thủ tướng nhấn mạnh việc cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay. ảnh: VGP.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà lực lượng công an nhân dân đã đạt được trên các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, công tác bảo vệ an ninh kinh tế nói riêng trong thời gian qua.

Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm an ninh kinh tế thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay.

Xác định rõ bảo đảm an ninh kinh tế là trách nhiệm của các cấp, các ngành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong đó, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt.

Bảo đảm an ninh kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ đảng viên, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, phải tập trung quán triệt triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, về công tác bảo đảm an ninh kinh tế, nhất là Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, thành chương trình, kế hoạch và trách nhiệm của từng cấp ngành để thực hiện có hiệu quả.

Quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế.

Phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế với bảo đảm an ninh kinh tế.

Bảo đảm an ninh kinh tế phải xây dựng trên cơ sở nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ.

Việc thẩm định các chương trình, dự án kinh tế liên quan đến công tác bảo vệ an ninh, trật tự chính là nhiệm vụ của lực lượng công an các cấp, các ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp; quá trình thẩm định dự án, hoạch định chính sách phải thật trách nhiệm, tuyệt đối không được lợi dụng để tư lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Lực lượng công an phải làm tốt công tác nắm tình hình, nhận diện mối đe dọa, các nguy cơ gây phương hại đến nền kinh tế, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ.

Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không để sơ hở, thiếu sót. Tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp về bảo đảm an ninh kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị.

Thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo việc triển khai thực hiện các mặt công tác công an bảo đảm an ninh kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, góp phần đưa Chỉ thị này của Đảng thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cùng toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên lực lượng Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chân thành cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ đối với lực lượng Công an Nhân dân nói chung, lực lượng bảo đảm an ninh kinh tế và công tác bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng.

Bộ trưởng khẳng định lực lượng Công an Nhân dân nhận thức sâu sắc rằng, bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện “tiên quyết” góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho khởi nghiệp, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; đồng thời ý thức sâu sắc, đầy đủ về trách nhiệm của lực lượng Công an Nhân dân trước đòi hỏi của tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề đang đặt ra.

Diệu Linh