Vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây số tiền trên 2 tỷ đồng làm dấy lên nghi ngờ về sự gian dối trong vấn đề thu phí toàn tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây của VEC.
Tính minh bạch trong doanh thu thu phí toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hay các tuyến đường khác do VEC quản lý đến đâu cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đúng thời điểm trên, VEC E đưa ra thông tin cấm vĩnh viễn 2 phương tiện đi vào đường của VEC quản lý. Nhưng thực tế, VEC E đã cấm nhiều phương tiện từ trước.
Bởi vậy, dư luận lại đặt nghi vấn VEC E đưa thông tin trên phải chăng để đổi hướng quan tâm của dư luận về con số doanh thu thu phí thực và con số báo cáo chênh lệch ra sao?
Tổng Cục đường bộ Việt Nam thông tin, sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí tất cả các tuyến đường do VEC quản lý. Ảnh: TTXVN. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia nghiên cứu giao thông - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, những vấn đề về mức đầu tư và mức thu, thời gian khai thác xảy ra ở nhiều dự án BOT đã được dư luận nhắc nhiều mấy năm qua, cho đến nay chưa minh bạch được.
Đây lại là vấn đề hết sức quan trọng, có liên quan trực tiếp tới phát triển kinh tế, tới đời sống xã hội.
Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải phải sớm phối hợp với các cơ quan khác để sớm công bố thông tin kiểm tra và minh bạch tất cả các dự án để nhân dân biết và giám sát.
Không thể áp đặt mức thu phí tùy tiện quá sức chịu đựng của nhiều người dân, làm khó cho cả doanh nghiệp. Rõ ràng ở đây phải dung hòa được lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân, doanh nghiệp.
Ai cũng hiểu đầu tư thì phải có lãi nhưng mức thu và thời gian thu như thế nào lại là vấn đề phải minh bạch, không thể tù mù mãi được.
Không có luật pháp nào cho phép doanh nghiệp cấm ôtô đi trên đường BOT |
"Như tuyến BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình mỗi ngày có đến cả trăm ngàn lượt phương tiện lưu thông qua, nhưng mức phí khá cao, chủ đầu tư tráng nhựa lên cốt đường có sẵn rồi thu phí như đường làm mới.
Điều này gây bức xúc trong dư luận nhưng cho tới nay chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý, cũng không có bất kỳ thông tin chính thức nào.
Cho nên dư luận mới tiếp tục đặt câu hỏi mức phí này anh căn cứ vào đâu và tính minh bạch dự án này như thế nào?
Tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang cũng vậy, xe đi ngắn hay dài cũng chịu mức phí như nhau, gây ra bức xúc nhưng chưa có giải quyết thỏa đáng.
Cần thiết Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại mức thu phí tất cả các trạm thu phí đường bộ về mức hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân”, ông Thủy nói.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, sự không minh bạch, không rõ ràng, không chính xác, thậm chí có dấu hiệu làm giảm doanh thu, chủ đầu tư thu được 2 mà chỉ báo 1 đang khiến người dân mất niềm tin vào các dự án BOT giao thông.
Trong khi đó, đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết của đất nước ta hiện nay, và vì vậy càng phải nhanh chóng thanh tra các dự án, xử lý những chủ đầu tư yếu kém, để tiếp tục triển khai được những dự án mới.
Ông Thủy nêu thí dụ: “Qua vụ cướp ở trạm thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cho thấy một ca đã trên 2 tỷ đồng, như vậy 3 cả phải gấp 3 lần lên, nhưng anh chỉ báo cáo có một phần với cơ quan chức năng là như thế nào, có sự gian dối, thiếu trung thực ở đây hay không?
Khi bị cướp mới lòi ra số tiền một ca là hơn 2,2 tỷ đồng nên anh không thể biện hộ mấy ca dồn vào một. Làm sao có thể biện hộ thế được, thu ca nào bàn giao dứt điểm ca đó”.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần phải sớm minh bạch mức thu và thời gian thu phí ở tất cả các dự án BOT giao thông, không thể mãi mù mờ. Ảnh: Vũ Phương. |
Vấn đề mà nhiều năm nay chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nhắc đi nhắc lại và nói rất gay gắt đó là tính minh bạch các dự án BOT giao thông.
Chủ đầu tư đầu tư bao nhiêu, thu mỗi ngày bao nhiêu, thu trong thời gian bao nhiêu năm, mức thu nào là hợp lý, nhưng những số liệu đó rất mù mờ như bí mật riêng.
“Như cao tốc BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, mỗi ngày cả trăm ngàn phương tiện lưu thông qua, số lượng xe ngày càng nhiều thì càng phải giảm thời gian thu xuống. Mức thu phí bao nhiều, thời gian thu bao nhiêu năm cần phải làm rõ và công khai để người dân giám sát chứ không thể cứ bất minh mãi được.
“Phải lập tức áp dụng thu phí tự động không dừng, quản lý tiền phí thu qua ngân hàng để tránh tiêu cực. Phương án này đã nói rất nhiều, thậm chí nhiều lần Chính phủ đã có chi đạo, nhưng không hiểu tại sao Bộ Giao thông Vận vẫn chưa giải quyết được.
Không biết bao giờ Bộ Giao thông Vận tải mới công bố 100% các tuyến đường BOT thu phí tự động?
Theo tôi, các tuyến đường BOT phải kiểm tra lại, cần có phần mềm độc lập với chủ đầu tư đếm số xe thực lưu thông mỗi ngày để so sánh với số tiền chủ đầu tư báo cáo xem có gian lận hay không?”, ông Thủy nói.