Chiều 13/11, Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị xóa thuế, tiền chậm nộ, tiền nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, đây là vấn đề cần được xem xét đối với từng trường hợp cụ thể theo hướng chỉ xóa nợ do phát sinh nợ, do lỗi của cơ quan nhà nước. Thí dụ, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ được thanh toán bằng ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách nhưng chưa thanh toán kịp thời cho doanh nghiệp.
“Còn lại không nên xóa cho các đối tượng khác như dự án luật đã nêu, bởi theo điều 47 của Hiến pháp mọi công dân đều phải có nghĩa vụ nộp thuế. Thứ hai là không thể chấp nhận tình trạng lời thì hưởng nhưng lỗ thì để nhà nước gánh chịu. Nhà nước ở đây là dân. Làm như vậy là thể hiện sự chấp hành không nghiêm của pháp luật về thuế, nhất là doanh nghiệp cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp.
Mặt khác, đây là vấn đề cá biệt cho nên phải xử lý theo cá biệt, không thể điều chỉnh bằng luật cũng như điều chỉnh bằng ban hành nghị quyết của Quốc hội”, ông Vở nói.
Đại biểu Trương Văn Vở đoàn Đồng Nai. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Trương Văn Vở, đối với xóa nợ thuế với doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu nhưng pháp nhân mới không chịu trách nhiệm với khoản nợ thuế là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
“Pháp luật hiện hành quy định khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các qyền và lợi ích hợp pháp, đương nhiên chịu trách nhiệm về các khoản nợ, trong đó có cả nợ thuế”, ông Vở nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) bày tỏ sự không đồng tình với quy định xóa thuế cho các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa.
Theo Đại biểu Danh Út: “Việc này sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cứ làm ăn thua lỗ rồi xóa thuế sẽ kìm hãm sự phát triển, khuyến khích làm ăn phi pháp”.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cũng không tán thành đề nghị xóa thuế cho doanh nghiệp nhà nước như trong tờ trình của Chính phủ.
Bà Hường chỉ rõ: “Tờ trình của Chính phủ không nêu rõ số lượng bao nhiêu doanh nghiệp được xóa nợ thuế hay tổng số số tiền xóa từ thuế là bao nhiêu?
Tôi đề nghị không đưa việc xóa nợ thuế vào dự án luật quản lý thuế sửa đổi để không tạo thành một chính sách thường xuyên. Cá nhân tôi cũng cho rằng việc xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước”.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, về mặt kỹ thuật, việc cho các doanh nghiệp nhà nước được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt có thể làm quá trình cổ phần hóa, giao, bán khoán được tiến hành thuận lợi đôi chút khi các chỉ số tài chính trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm cho giá trị doanh nghiệp không được xác định đúng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc người tiếp quản.
“Tôi cũng e ngại rằng quy định như dự thảo luật sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nhà nước hiện đang thuộc danh sách sắp xếp lại cố tình trì hoãn, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc cố tình không kê khai số tiền nợ thuế trong giá trị của doanh nghiệp, tạo ra tâm ký trôn chờ nhằm được hưởng chính sách xóa nợ thuế. Do đó, tiến trình cổ phần hóa, giao, bán, khoán có lý do để lại tiếp tục chậm trễ, kéo dài”, bà Hường bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đoàn Hà Nội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Trên những phân tích này, nữ đại biểu của đoàn Hà Nội cũng đồng tình với với quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không xóa thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuẩn bị cổ phần hóa.
Xót xa, tự ái dân tộc vì năm 2069 Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan |
Bà Hường đề nghị: “Làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc chưa xác định số nợ thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao bán, khoán, cho thuê vì theo quy định về quản lý thuế tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện kê khai hàng tháng.
Và khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định, mọi doanh nghiệp nhà nước phải có xác nhận nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế”.
Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2013 có tới 69% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi để nộp thuế và nhiều doanh nghiệp theo đúng cơ chế thị trường đã phải tự động rời bỏ thị trường.
Bà Hường phân tích: “Theo tôi, nếu các doanh nghiệp nhà nước đã không còn đủ khả năng tồn tại trên thị trường, kinh doanh thua lỗ và thâm hụt vào vốn nhà nước thì khi cổ phần hóa phải xác định đúng giá trị vốn thật còn lại hoặc có thể áp dụng luật phá sản để giải quyết mà không cần áp dụng chính sách xóa nợ thuế.
Tôi thiết nghĩ một nền kinh tế khỏe mạnh cần những tế bào là doanh nghiệp khỏe mạnh thực sự. Và cũng như nhiều đại biểu quốc hội khác, tôi cho rằng việc thiết lập nên những tế bào khỏe mạnh thực sự này sẽ bắt đầu từ việc hoạch định chính sách từ chính nghị trường Quốc hội của chúng ta”.