Đọc nhanh 24/3: Sáp nhập hai mạng Mobi-Vina vướng Luật Cạnh tranh

24/03/2012 18:10
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) - Công bố nợ và ảnh Đại gia thủy sản đang điều trị ở Mỹ. Đua nhau cho thuê nhà trục lợi... là những tin đáng chú ý ngày 24/3
Sáp nhập MobiFone-VinaPhone vướng Luật Cạnh tranh

Chiếm hơn 55% thị phần viễn thông di động nếu MobiFone - VinaPhone sáp nhập, đề án tái cơ cấu VNPT có thể vi phạm Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, luật này cũng có quy định miễn trừ đối với trường hợp đặc biệt.

Theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp không được thực hiện tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50%. Trong khi đó, Sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần.

Đề xuất sáp nhập MobiFone-VinaPhone có thể vướng luật Cạnh tranh. Ảnh: X.N
Đề xuất sáp nhập MobiFone-VinaPhone có thể vướng luật Cạnh tranh. Ảnh: X.N


Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Như vậy, với việc nắm giữ đến hơn 55% thị phần viễn thông hậu sáp nhập MobiFone-VinaPhone, đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có thể vướng luật Cạnh tranh.

 Trao đổi với báo chí tại cuộc hội thảo "Chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp" tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23/3, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, doanh nghiệp có phương án sáp nhập phải tuân thủ quy định của luật Cạnh tranh.

Song điều này miễn trừ cho một số trường hợp như: một trong các bên tiến hành sáp nhập có nguy cơ phá sản hoặc việc hợp nhất, sáp nhập giúp mở rộng xuất khẩu, mang lại lợi ích, tiến bộ cho khoa học và xã hội.


Công bố nợ và ảnh 'đại gia thủy sản' đang điều trị ở Mỹ
Trả lời phỏng vấn báo chí, TGĐ Trần Văn Trí cho biết: Cty Bình An báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục An ninh II-Bộ Công an, UBND TP Cần Thơ ngày 17-3, tổng số nợ là 1.275 tỷ đồng.

Ảnh bà Diệu Hiền đang điều trị tại Mỹ
Ảnh bà Diệu Hiền đang điều trị tại Mỹ

Bà Phạm Thị Diệu Hiền bị tai biến, tiền sử khối u ở ngực di căn đến gan đã mổ lần đầu từ ngày 11-8-2008, đến nay vết mổ di căn tái phát nghiêm trọng nên phải cấp tốc đi điều trị. 
Trụ sở của Bianfishco cũng được đính chính rõ ràng: Đó là nhà thuê để làm văn phòng. Nhà thuê tại địa chỉ 300 N. Alpine Dr., Beverly Hilss, CA 90210. Có hai hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thứ nhất, ký ngày 22-4-2009, giá thuê mỗi tháng 15.000 USD; hợp đồng thứ hai ký lại ngày 11-7-2011, giá thuê mỗi tháng 12.000 USD. Tiền thuê trả đầu tháng. Hợp đồng thuê chấm dứt vào giữa tháng 2-2012. Chủ nhà rao bán chứ không phải người của Bianfishco. (Theo Tienphong Online)

Đua nhau cho thuê nhà trục lợi

Hơn 1.000 nhà mặt phố ở vị trí đắc địa thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội đang được cho thuê với giá “bèo” chỉ 100.000 đ/m2.


Nhiều doanh nghiệp, đơn vị không sử dụng, lách luật cho thuê cả triệu đồng/m2 để hưởng lợi. Trong tổng số 1.075 địa điểm nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được thành phố Hà Nội cho hơn 800 doanh nghiệp, đơn vị thuê lại với tổng diện tích gần 190.000 m2, có hàng trăm trường hợp không sử dụng mà tự ý cho thuê lại.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, doanh nghiệp thuê nhà của nhà nước không được phép cho thuê lại, nếu dùng mặt bằng liên doanh liên kết với các đơn vị khác thì phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cho thuê.

Tiền 100 đôla mới của Canada có hình giống sextoy

Minh họa trên tờ 100 đôla Canada trông giống như món đồ chơi tình dục, còn phần cửa sổ trong suốt trên tờ tiền này lại có khuôn mẫu các đường nét trên cơ thể người phụ nữ. 


Mới đây, Canada đã đưa tờ tiền polymer mới mệnh giá 100 USD vào lưu thông. Mặt sau tờ tiền là hình ảnh một nhà nghiên cứu, cùng với kính hiển vi đang mô tả cấu trúc xoắn kép DNA. Sợi xoắn này đang gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi nhóm nghiên cứu tại Vancouver nghĩ nó giống như một món đồ chơi tình dục, một số người khác lại cho đó là chòm Bắc Đẩu.
Trên tờ tiền này còn có 2 bức chân dung Thủ tướng Robert Borden (nhiệm kỳ 1911 - 1920). Một bức tọa lạc ngay phía trên tòa tháp "nhạy cảm", còn bức kia lớn hơn, nằm trên tờ tiền. Trên má ông Robert Borden còn nhìn thấy một vết bớt, khi lật tờ tiền, dù dưới kính hiển vi không phát hiện ra. (Theo Vnexpress)

Giá vàng lên 44,05 triệu đồng/lượng

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần sáng 24.3, giá vàng trong nước tiếp tục tăng và vượt ngưỡng 44 triệu đồng/lượng.
Lúc 11 giờ 30 phút, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (TP.HCM) niêm yết ở mức 43,85 - 44,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Hà Nội, giá vàng SJC cũng có mức tăng tương tự ở chiều mua vào nhưng chiều bán ra cao hơn 20.000 đồng/lượng so với tại TP.HCM.


Như vậy, giá vàng SJC đã tăng 170.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều 23.3.
Trong khi đó, vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục duy trì mức giá thấp nhất trong nước, hiện giao dịch ở mức 42,65 - 42,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao dịch 23.3 (rạng sáng 24.3, giờ Việt Nam), giá vàng tại New York (Mỹ) chốt ở mức 1661,2 USD/ounce, tăng 15,6 USD so với phiên liền trước. Trong phiên, có lúc giá tăng lên mức cao nhất 1.666,3 USD/ounce. Như vậy, trong tuần, giá vàng đã tăng tổng cộng 6,6 USD. (Theo Thanhnien)

Bà Mai Kiều Liên tiếp tục lãnh đạo Vinamilk

Ngày 23/3, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2012 tại TP.HCM.
Tại Đại hội, các cổ đông tiếp tục tín nhiệm bầu Bà Mai Kiều Liên vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2012-2016 với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất đạt 138,31%.
 

Hội đồng Quản trị đã thống nhất bầu Bà Mai Kiều Liên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk.
Theo đánh giá của Forbes, bà Mai Kiều Liên là “át chủ bài” trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam. Bà Liên sinh ra ở Pháp và học tại Moscow (Nga). Năm 1976, bà Liên quay về Việt Nam, làm việc cho Công ty Sữa.
Sau quá trình tư nhân hóa năm 2003, bà trở thành chủ tịch Vinamilk, "đưa hãng trở thành một trong những thương hiệu ăn nên làm ra nhất Việt Nam và được nể trọng khắp châu Á". (Theo Bee.net)
 Hàng loạt cổ phiếu "tăng nóng"
Hàng loạt cổ phiếu chủ chốt trên cả hai sàn chứng khoán đã có những phiên giao dịch nảy lửa trong tuần qua, khi ồ ạt tăng mạnh.
trong những phiên làm việc cuối tuần, là sự gia tăng mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu đóng vai trò chủ chốt trên sàn như BVH, MSN, REE… Đặc biệt hơn là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, khi liên tục tranh giữ mức tăng mạnh và tăng trần. Với việc đảo chiều ngoạn mục này, nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm chứng khoán, ngân hàng… đã tăng tới hơn 10% chỉ trong một tuần. 


Chỉ số Vn-Index và HNX-Index có một tuần tăng ngoạn mục, với việc khởi sắc cả về chỉ số và thanh khoản. Tính chung cả tuần chỉ số Vn-Index đã tăng thêm 3,66% và đứng ở mức 454,1 điểm, trong khi đó HNX-Index cũng cộng thêm tới 6,41%, khi niêm yết ở mức 77,57 điểm.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo, Vn-Index sẽ tiếp tục kiểm tra lại khả năng duy trì khu vực 450 -460 điểm với xác suất cao có thể tăng điểm.

CPI tháng 3 tăng rất nhẹ 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cả nước tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 2,55% so với cuối năm 2011. Đây là mức thấp dù giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng. 
Trong đó, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (thành phần cụ thể gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) có mức tăng cao nhất, 2,31 %, đứng thứ 2 là nhóm giáo dục tăng 1,11%, thứ ba là nhóm giao thông tăng 1,08% so với tháng trước. Mặt hàng lương thực giảm 1,21%, thực phẩm giảm 1,25%, do nguồn cung tương đối dồi dào và mặt bằng giá có xu hướng điều chỉnh giảm sau khoảng thời gian bị đẩy lên cho nhu cầu tiêu dùng Tết.
Nguyên nhân do việc tăng giá xăng và giá gas trong tháng. Với mức tăng CPI trong 3 tháng đầu năm 2012, có nhiều cơ sở để tin rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức một con số có khả năng trong “tầm tay” thực hiện. (Theo Hanoimoi).

Hương Trà (tổng hợp)