Đơn vị thi công móng trụ điện "bê tông trộn đất" đang làm những công trình gì?

31/05/2016 07:27
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngoài “nghi án” trộn đất vào bê tông, trong quá khứ Công ty cổ phần Sông Đà 11 từng gây bức xúc trong dư luận ở nhiều dự án khác.

Theo phản ánh của người dân, đơn vị thi công thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 11 bị người dân tố đã trộn đất cùng bê tông để đổ móng trụ số 01 và 02 đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình-Nam Định.

Trước phản ánh của người dân và sự lên tiếng mạnh mẽ của cơ quan thông tấn báo chí, Công ty cổ phần Sông Đà 11, đơn vị thi công, đã lập đoàn kiểm tra chất lượng vị trí có phản ánh sai phạm trong quá trình thi công. 

Đơn vị kiểm định chất lượng bêtông tiến hành khoan trụ bêtông cột điện cao thế để lấy mẫu kiểm định chất lượng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Đơn vị kiểm định chất lượng bêtông tiến hành khoan trụ bêtông cột điện cao thế để lấy mẫu kiểm định chất lượng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Được biết đoàn kiểm tra của Công ty cổ phần Sông Đà 11 đang thực nghiệm kiểm tra chất lượng công trình móng trụ số 01 và số 02 bằng cách đào đất hố móng, khoan lấy mẫu bê tông đi kiểm tra. 

Dù kết quả kiểm tra ra sao nhưng có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên dự án do Công ty cổ phần Sông Đà 11 thực hiện gây bức xúc dư luận.

Nhiều dự án gây bức xúc

Tháng 10/2015, người dân sống trong khu vực tái định cư Huổi Hoi, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phản ánh, trước đây họ sinh sống huyện Quỳnh Nhai, năm 2009, do nhường đất cho thủy điện Sơn La, cả làng chuyển về đây.

Năm 2014 con đường bê tông mới nối khu tái định cư với các khu vực hành chính khác hoàn thành. Tuy nhiên trong quá trình thi công Nhà máy thủy điện To Buông của Công ty CP Thủy điện To Buông, nhiều xe tải hạng nặng của Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tàn phá con đường dân sinh này. 

Trụ sở Công ty CP thủy điện To Buông - ảnh Báo Tài nguyên môi trường
Trụ sở Công ty CP thủy điện To Buông - ảnh Báo Tài nguyên môi trường

Mỗi ngày có gần chục chiếc xe tải trộn bê tông từ phía đầu cầu Huổi Hoi nối đuôi nhau chạy vào chở bê tông thi công công trình thủy điện To Buông này. Đường chỉ là đường giao thông nông thôn cấp thấp nhất, nhưng đoàn xe tải này vẫn mặc sức chạy, bất chấp các quy định về giao thông.

Ngoài việc chạy xe tải hạng nặng tàn phá giao thông, theo tờ báo Công ty cổ phần Sông Đà 11 còn gây bức xúc người dân khi hàng ngày nước thải rửa xe bồn và rửa dàn máy móc được đổ ra đường gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh dự án xây dựng nhà máy thủy điện To Buông, Công ty cổ phần Sông Đà 11 còn gây bức xúc người dân huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai khi xin cấp phép xây dựng khu đô thị từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang.

Cụ thể, năm 2008 Công ty cổ phần Sông Đà 11 xin cấp phép đầu tư dự án khu dân cư rộng 117 hécta tại xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai).

Đường vừa làm xong nhưng bị xe tải của Công ty cổ phần Sông Đà 11 đi lại thi công thủy điện To Buông khiến đường sụt lún, lượn sóng, người dân đi lại rất khó khăn.
Đường vừa làm xong nhưng bị xe tải của Công ty cổ phần Sông Đà 11 đi lại thi công thủy điện To Buông khiến đường sụt lún, lượn sóng, người dân đi lại rất khó khăn.
Đường bị xe tải băm nát - ảnh Báo Tài nguyên môi trường.
Đường bị xe tải băm nát - ảnh Báo Tài nguyên môi trường.

Đến năm 2008, Công ty cổ phần Sông Đà 11 được cấp giấy phép đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Điều đáng nói trong khi Công ty cổ phần Sông Đà 11 thu hồi đất rồi bỏ hoang gần 10 năm thì người dân sống xung quanh lại thiếu đất để sản xuất.

Sau 5 năm không triển khai hạng mục nào của dự án, cuối năm 2013, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai đã đề nghị UBND tỉnh này xem xét rút giấy phép đầu tư của Công ty cổ phần Sông Đà 11.

Trúng thầu nhiều dự án quan trọng 

Dù có “tỳ vết” trong thi công dự án nhưng Công ty cổ phần Sông Đà 11 vẫn trúng thầu nhiều dự án quan trọng.

Bên cạnh việc thi công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định tổng chiều dài 29,437km đang dính nghi án bê tông trộn đất, Công ty cổ phần Sông Đà vừa trúng thầu dự án trị giá gần 157 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố 19/5/2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã quyết định chọn Liên danh Công ty cổ phần Sông Đà 11 – Công ty cổ phần Thương mại Xây lắp Công nghiệp Thăng Long (Liên danh Sông Đà 11 – Thăng Long) thực hiện dự án Xây lắp đường dây 110 kV Phong Thổ - Than Uyên.

Dù có “tỳ vết” trong việc thi công dự án nhưng Công ty cổ phần Sông Đà 11 vẫn trúng thầu nhiều dự án quan trọng.
Dù có “tỳ vết” trong việc thi công dự án nhưng Công ty cổ phần Sông Đà 11 vẫn trúng thầu nhiều dự án quan trọng.

Dự án Đường dây 110kV Phong Thổ - Than Uyên mạch 2 và đấu nối sau TBA 220kV Than Uyên - thuộc Dự án Phân phối hiệu quả (DEP), sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã mời thầu công khai, Liên danh Sông Đà 11 – Thăng Long trúng thầu với mức giá gần 157 tỷ đồng.

Ngoài dự án trên, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đang thực hiện hai dự án thủy điện gồm Dự án thủy điện To Buông, dự án đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn, dự án đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định.

Trong quá khứ, doanh nghiệp này thực hiện một số dự án thủy điện đáng chú ý như xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Trắng, xây lắp nhiều tuyến đường dây truyền tải điện 500kV như tuyến ĐZ Sơn La - Hòa Bình, tuyến ĐZ 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, nối thông tuyến dẫn 110kV Tuần Giáo- Lai Châu…

Được biết tiền thân Công ty cổ phần Sông Đà 11 là một Đội điện nước thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Thác Bà do Bộ Kiến trúc thành lập từ năm 1961, đến năm 1973 được nâng cấp thành Công trường Cơ điện.

Năm 1976, theo Quyết định của Bộ Xây dựng, chuyển đơn vị về Thị xã Hòa Bình để chuẩn bị cho khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà và được đổi tên là “Xí nghiệp Lắp máy Điện nước” thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà.

Đến năm 1989 theo Quyết định số 03/TCT-TCLĐ ngày 12/12/1989 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty, Xí nghiệp Lắp máy Điện nước được nâng cấp lên thành Công ty Xây lắp Điện nước.

Năm 1993 doanh nghiệp tên thành “Công ty Xây lắp Năng lượng” thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà.

Ngày 11/3/2002, Bộ Xây dựng có quyết định số 285/QĐ đổi tên thành Công ty Sông Đà 11. Năm 2004, Bộ Xây dựng đã có quyết định số 1332/QĐ-BXD về việc chuyển Công ty Sông Đà 11 thuộc Tổng Công ty Sông Đà thành Công ty cổ phần Sông Đà 11.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Sông Đà 11 là Xây dựng các công trình thủy điện, thuỷ lợi, giao thông, bưu điện; quản lý, vận hành, phân phối điện nước cho các công trình; Xây lắp hệ thống cấp thoát nước đô thị và khu công nghiệp, đường dây tải điện, trạm biến áp đến cấp điện áp 500 kV, kết cấu công trình; quản lý vận hành nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, nhà máy nước và khu đô thị;

Xây lắp, thí nghiệm, hiệu chỉnh, bảo dưỡng, lắp ráp tủ bảng điện công nghiệp cho đường dây, nhà máy điện, trạm biến áp và các dây chuyền công nghệ có cấp điện áp đến 500 kV; Bảo trì bảo dưỡng định kỳ các nhà máy điện, trạm biến áp, xử lý sự cố bất thường cho các công trình điện, tư vấn chuyên ngành thiết kế hệ thống điện - điện tử và tự động hóa…

Mai Anh (Tổng hợp)