Tự kích hoạt dịch vụ, Viettel từng bị phạt nặng
Nhận được tin nhắn từ Viettel tưởng rằng tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, chủ thuê bao di động bỏ qua. Đến khi phát hiện bị trừ tiền trong tài khoản, kiểm tra lại phần nội dung tin nhắn khách hàng phát hiện mình bị nhà mạng kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng mà không hay biết…
Câu chuyện trên là tóm tắt những nội dung phản ánh của nhiều chủ thuê bao mạng di động Viettel trong thời gian gần đây về việc họ bị nhà mạng này kích hoạt dịch vụ để từ tiền trong tài khoản.
Ảnh chụp màn hình điện thoại của chủ thuê bao bị Viettel kích hoạt dịch vụ GT25 |
Cách thức Viettel gửi đến chủ thuê bao những tin nhắn, phần nội dung tin nhắn bao hàm việc kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng của khách hàng. Ví dụ: “Kính chào quý khách. Dựa vào nhu cầu tiêu dùng thoại nội mạng tháng 5/2015 của quý khách Viettel tặng quý khách gói cước ưu đãi gấp 10 lần: GT25 (với 25.000đ có 250.000đ gọi nội mạng trong 30 ngày, kể từ ngày 29/6. Chương trình áp dụng cho thuê bao nhận được tin. Chi tiết liên hệ 198 (200đ/phút). Từ chối quảng cáo soạn TC gửi 199”.
Với nội dung giới thiệu dịch vụ GT25,Viettel mặc định “chương trình áp dụng cho thuê bao nhận được tin nhắn”.
Theo phản ánh của khách hàng, nếu chủ thuê bao không nhắn tin từ chối dịch vụ sẽ tự kích hoạt, sau đó Viettel tự trừ tiền trong tài khoản.
Không những bắt khách hàng phải nhắn tin từ chối dịch vụ, Viettel còn tính cả phí nhắn tin từ chối dịch vụ.
Cụ thể khi thực hiện thao tác soạn TC gửi 198, số điện thoại chủ thuê bao sẽ hiện lên dòng thông tin: “Tin nhắn muốn gửi tin này đến 198. Việc này có thể gây ra các khoản phí trên tài khoản di động của bạn”.
Dù đồng ý hay từ chối dịch vụ chủ thuê bao Viettel vẫn bị trừ cước phí |
Chưa biết khoản phí Viettel trừ của khách hàng khi gửi tin nhắn từ chối dịch vụ quảng cáo là bao nhiêu, tuy nhiên có thể khẳng định dù đồng ý hay không đồng ý tham gia dịch vụ giá trị gia tăng, khách hàng cũng đều mất cước phí.
Đây không phải lần đầu tiên nhà mạng Viettel bị khách hàng phản ánh tình trạng kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng và trừ tiền.
Cách đây khoảng 1 năm (tháng 7, 8 năm 2014), nhiều chủ thuê bao di động Viettel bức xúc phán ảnh sự bất thường của dịch vụ Anybook của Viettel. Nhiều người cho rằng Viettel tự động đăng ký dịch vụ Anybook trong khi họ không hề biết gì.
Sau khi nhận được nhiều phản ánh từ người dùng qua báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai phạm của Viettel khi tự động kích hoạt gói cước Combo VAS, bao gồm dịch vụ Anybook, dịch vụ nhạc chờ Imuzik và dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ.
Khách tố Viettel tự kích hoạt dịch vụ, chuyên gia khẳng định có thủ thuật |
Qua kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện trong cơ sở dữ liệu cho thấy việc Viettel đã kích hoạt gói dịch vụ Combo Vas cho sinh viên năm 2014 đã vi phạm quy định cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng khi chưa được sự đồng ý của thuê bao viễn thông.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định Viettel đã kích hoạt dịch vụ nhạc chờ không thu phí cho 10 triệu các thuê bao di động thoại, chưa sử dụng nhạc chờ Imuzik; Tự động kích hoạt 40 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ cuộc gọi nhỡ trong tháng 6, 7/2014. Trong đó, có tới 23 triệu thuê bao được kích hoạt khi chưa có sự đồng ý của người sử dụng.
Trước sai phạm này, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt tổng 3 sai phạm của Viettel với mức 75 triệu đồng.
Như vậy chiêu trò tự kích hoạt dịch vụ sau đó trừ trừ tiền trong tài khoản của khách hàng của Viettel đã từng bị phát hiện và xử phạt... Hiện tượng này đang có dấu hiệu trở lại vào thời gian gần đây, khiến khách hàng Viettel bức xúc. Có ý kiến cho rằng nếu Viettel tái phạm cần có hình thức xử phạt nghiêm minh.
Trái luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cũng liên quan đến những phản ánh về tình trạng người dùng di động phải trả tiền oan cho dịch vụ của nhà mạng Viettel, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, cách đây một tuần, lãnh đạo Vinastas cũng đã mời Viettel đến làm việc về vấn đề này.
Khi đó cán bộ nhà mạng Viettel được cử đến làm việc thừa nhận, đơn vị có triển khai chương trình khuyến mại khách hàng, tuy nhiên đã tạm dừng.
Ông Hùng cho rằng, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình là một trong 8 quyền của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Việc yêu cầu người tiêu dùng thanh toán tiền dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo khoản 5, điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối chiếu với pháp luật cho thấy, “việc khách hàng bị nhà mạng âm thầm kích hoạt dịch vụ và trừ tiền” như Báo Giáo dục Việt Nam nêu, tôi cho rằng cách làm này trái quy định trên”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, cách lý giải của nhà mạng cho rằng chỉ vô tình chạm vào đường link mà coi như khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ của mình rồi từ đó trừ tiền trong tài khoản của họ là không ổn.
Trước câu hỏi về việc cơ quan quản lý nhà nước như Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, Công an cần vào cuộc làm rõ vấn đề người dân phản ánh? Ông Hùng cho rằng: “Chỉ cần Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông vào cuộc để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh, chỉ khi khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì mới cần có sự vào cuộc của cơ quan Công an”.