LTS: Sau thời gian lắng nghe ý kiến từ dư luận, từ những người trong cuộc, câu chuyện này cho tới nay đã ngã ngũ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Viettel có thể là đối tác chiến lược của Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông.
Tuy nhiên, dư âm của câu chuyện này cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho các trường hợp sau.
Do đó, bài học kinh nghiệm sâu sắc từ sự việc này sẽ được ông Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới đây.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
PV: Có ý kiến cho rằng việc đưa một trường đại học công lập vào trong một tập đoàn kinh tế là trái với chủ trương. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Lê Viết Khuyến: Để trả lời vấn đề này cần phải xem lại lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông.
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đã có Nghị quyết 73-HĐBT ngày 12/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về “công tác giáo dục trong những năm trước mắt” và Quyết định 255/CT của Hội đồng Bộ trưởng về “ tổ chức và sắp xếp mạng lưới các trường trong hệ thống quốc dân”.
Động thái này nhằm khắc phục tình trạng manh mún, hoạt động kém hiệu quả của hệ thống các trường đại học công lúc đó (đều hoạt động dựa vào nguồn ngân sách giáo dục ít ỏi của nhà nước), Trường Đại học Thông tin Liên lạc (trực thuộc Tổng cục Bưu điện) đã được chuyển vàoTrường Đại học Bách khoa Hà Nội ( trực thuộc Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề).
Đến giữa những năm 90, trong điều kiện nền kinh tế nước ta bắt đầu khởi sắc (trong đó có ngành Bưu chính – Viễn thông) Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo cho Bộ GD&ĐT hướng dẫn xây dựng thí điểm một số trường đại học kiểu mới ( trước đó chưa từng có ) đáp ứng các tiêu chí:
- Kết gắn chặt chẽ các hoạt động đào tạo với nghiên cứu – triển khai.
- Hướng các hoạt động theo định hướng ứng dụng ( công nghệ ).
- Hình thành cơ chế tự quản, tự chủ thông qua vai trò của Hội đồng trường.
- Không nhận thường xuyên ngân sách Nhà nước nên cần trực thuộc các tập đoàn kinh tế mạnh để được các tập đoàn này đầu tư.
Theo tinh thần đó Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông ( VNPT) đã được thành lập tại Quyết định số 516/TTg ngày 11/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc kiến nghị chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tới nay vẫn để lại một bài học lớn về cách thức thực hiện. Ảnh Website Học viện. |
Sau khi thành lập Học viện đã được VNPT, như cam kết với Chính phủ, liên tục đầu tư nguồn kinh phí rất lớn ( gấp nhiều lần ngân sách Nhà nước chi cho các trường đại học cùng thời gian) và tiếp tục được đầu tư cho đến thời điểm Học việc chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông .
Chính thành công của mô hình Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông đã góp phần giúp Chính phủ tổng kết và đưa ra hàng loạt các chủ trương đổi mới tại Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Có thể kê ra hàng loạt các chủ trương đổi mới trong văn bản quan trọng này như: ưu tiên mở rộng quy mô các chương trình định hướng nghề nghiệp - ứng dụng; khuyến khích mở cơ sở giáo dục đại học trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn.
Xây dựng một số cơ sở nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ; chuyển một số cơ sở giáo dục đại họccông lập sang loại hình tư thục; …
Bởi vậy, ý kiến của một vài ý kiến trên các phương tiện truyền thông cho rằng “ điều chuyển học viện về doanh nghiệp là đi ngược chủ trương”, “học viện cất cánh nhờ thoát phụ thuộc doanh nghiệp”, là không đúng, thậm chí coi nhẹ vai trò của VNPT trong việc hình thành và phát triển của Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông.
Cũng tương tự có thể thấy việc đưa Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông ra khỏi VNPT (trong khi VNPT vẫn đủ khả năng đầu tư cho nó) để về trực thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông là vội vàng và không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 14.Muốn chuyển đổi mô hình thì cần phải có tổng kết, phải đánh giá lại chủ trương.
Riêng về đề nghị điều chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông về Viettel của Bộ Quốc phòng, quan điểm của ông về đề nghị này như thế nào?
Ông Lê Viết Khuyến: Trước hết mong muốn được tiếp nhận nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn Thông của Viettel là chính đáng, không sai, không trái với chủ trương của Nhà nước; thậm chí hoàn toàn phù hợp với những định hướng đổi mới tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ( như: chuyển một số cơ sở GDĐH công lập sang loại hình tư thục; mở cơ sở giáo dục đại học trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn).
Tuy nhiên cách triển khai thực hiện mong muốn đó là vội vàng, không phù hợp. Nếu Viettel biết làm việc trước với đối tác, cũng như Bộ Quốc phòng có làm việc trước với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi trình Thủ tướng thì có thể sự việc sẽ diễn ra theo hướng khác, suôn sẻ hơn.
Xếp hạng giáo dục: Không nên tuyệt đối hóa một kết quả nghiên cứu nào
(GDVN) - Quan điểm của ông Phạm Hiệp, một nghiên cứu sinh về thương mại hoá giáo dục (Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan) khi bàn về thứ hạng 12 của giáo dục Việt Nam.
Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông là một cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và nếu muốn được điều chuyển nguyên trạng thì chỉ có thể điều chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Còn trường hợp chuyển về trực thuộc Viettel thì trên thực chất, Học viện phải chấp nhận chuyển đổi qua loại hình cơ sở giáo dục đại học tư thục ( xem Điều 48 Luật Giáo dục ). Ở trường hợp này dứt khoát phải lấy ý kiến đồng thuận của các đối tác.
Vậy, theo ông tương lai của Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông sắp tới sẽ như thế nào?
Ông Lê Viết Khuyến: Qua các phương tiện truyền thông được biết Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông hiện đang thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ, hoạt động không cần tới ngân sách nhà nước.
Như vậy là Học viện đang đi theo hướng trở thành một cơ sở giáo dục đại học tự chủ.
Tuy nhiên, để học viện thực sự trở thành một cơ sở giáo dục đại học tự chủ như tinh thần của Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về “ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017”, cần lưu ý 2 việc:
Một là, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm để cho Học viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện một cách thực sự, như chỉ đạo tại Nghị quyết 77.
Hai là, Học viện muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải chủ động tìm kiếm các đối tác đầu tư chiến lược cho mình như VNPT trước đây và Viettel sắp tới, không thể chỉ dựa vào các nguồn thu hạn hẹp đang có để rồi đến lúc gặp khó khăn lại bám vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước như không ít cơ sở giáo dục đã làm.
Trân trọng cảm ơn ông.