Khách tố Viettel tự kích hoạt dịch vụ, chuyên gia khẳng định có thủ thuật

16/07/2015 11:48
Mai Anh
(GDVN) - “Với trường hợp khách hàng hoàn toàn không nhắn tin đăng ký, không đăng ký qua mạng WAP, chắc chắn có tác động của nhà mạng...", chuyên gia khẳng định.

Dịch vụ tự kích hoạt, khách hàng Viettel bị trừ tiền oan?

Sau khi đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng khách hàng Vinaphone bị nhà mạng tự kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng để trừ tiền, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều độc giả cho biết, không chỉ Vinaphone mà các thuê bao Viettel cũng đang bị trừ tiền oan vì những dịch vụ giá trị gia tăng mà mình không đăng ký.

Cụ thể, anh Trần Quốc H (Cần Thơ) cho biết: “Ngày 28/6, do mệt nên tôi ngủ sớm. Tối đó tôi nhận được tin nhắn của nhà mạng Viettel nhưng vì ngủ nên tôi không mở ra đọc. Đến hôm sau có việc gọi điện, tôi phát hiện tài khoản của mình bị trừ mất 25.000 đồng”.

Ảnh chụp màn hình do anh Trần Quốc H cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do anh Trần Quốc H cung cấp.

Kiểm tra lại điện thoại, anh H mới biết có tin nhắn từ Viettel nội dung: "Kính chào quý khách. Dựa vào nhu cầu tiêu dùng thoại nội mạng tháng 5/2015 của quý khách Viettel tặng quý khách gói cước ưu đãi gấp 10 lần: GT25 (với 25.000đ có 250.000đ gọi nội mạng trong 30 ngày, kể từ ngày 29/6. Chương trình áp dụng cho thuê bao nhận được tin. Chi tiết liên hệ 198 (200đ/phút)".

Là người rất ít tham gia các dịch vụ của nhà mạng nên anh H đã liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng của Viettel nhờ kiểm tra và rà soát. 

“Nữ nhân viên nói tôi đã tham gia dịch vụ GT25 của nhà mạng vì hôm qua tôi nhận tin mà không phản hồi, vì vậy dịch vụ được đăng kí. Cô ấy bảo, nếu không tham gia thì xin vui lòng gửi lệnh hủy (trước đó tôi chưa từng gửi lệnh đăng kí), nếu không thì tháng sau sẽ tiếp tục gia hạn”, anh H cho biết.

Không chấp nhận cách làm việc của Viettel, anh H chia sẻ: “Không phải tôi tiếc 25.000 đồng, cái chính ở đây là sự tôn trọng khách hàng của nhà mạng. Rõ ràng gửi tin nhắn giới thiệu dịch vụ kiểu này thì thế nào khách hàng cũng dính "bẫy"”.

Tương tự anh H, độc giả tên Thanh Vũ phản ánh đến báo Giáo Dục Việt Nam tình trạng điện thoại mình bị kích hoạt dịch vụ GT25 sau khi Viettel nhắn tin nhưng anh không phản hồi. 

Thanh Vũ cho biết, anh đã liên hệ đến tổng đài 198 của Viettel nhưng chỉ nhận được giải thích: “Dựa vào nhu cầu sử dụng của người dùng nên Viettel đã đăng ký cho khách hàng gói cước hợp lý nhất”.

Trong trường hợp khác, một khách hàng lớn tuổi tên Duyên (Hà Nội), chủ nhân số điện thoại 0978 989XXX cho biết, gần đây điện thoại của bác nhận được tin nhắn: Goi MI10 da duoc gia han thanh cong. Quy khach co 55 MB luu luong su dung trong 30 ngay, het 55MB luu luong tinh cuoc 50đ/50KB. Chi tiet lien he 198 (200đ/p) - Gói MI10 đã được gia hạn thành công. Quý khách có 55 MB lưu lượng sử dụng trong 30 ngày, hết 55 MB lưu lượng tính cước 50đ/KB. Chi tiết liên hệ 198 (200đ/p).

Khách hàng Viettel phản ánh bị trừ tiền dù không đăng ký dịch vụ GT25 của Viettel.
Khách hàng Viettel phản ánh bị  trừ tiền dù không đăng ký dịch vụ GT25 của Viettel.

Qua phản ánh, bác Duyên cho biết mình là cán bộ hưu trí, đã có tuổi nên điện thoại chủ yếu dùng nghe gọi liên lạc con cháu vì vậy bác chưa từng đăng ký tham gia dịch vụ nào nhà mạng. Bản thân bác không biết dịch vụ MI10 là như thế nào? Và dịch vụ này có bị tính cước phí hay không?

Dịch vụ tự kích hoạt có "thủ thuật" của nhà mạng

Trước phản ánh của bạn đọc, khi kiểm tra lại chính số thuê bao của mình, phóng viên cũng phát hiện từ lâu này mình sử dụng dịch vụ Mclip mà không biết.

Khi phóng viên gọi điện đến tổng đài 19008198 của Viettel để thắc mắc thì nhận được lý giải: “Nhiều khi trong tin nhắn báo về đang có chương trình khuyến mại dịch vụ, vô tình click vào đường link thì cũng như đăng ký dịch vụ đó hoặc khi click vào baner quảng cáo dịch vụ trong quá trình sử dụng internet cũng dẫn đến việc đăng ký”.

Lý giải nhà mạng Viettel cũng giống như Vinaphone cho rằng, việc kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khá đơn giản, có thể chỉ bằng sự “vô tình” chạm vào đường Link quảng cáo khi lướt web, đọc báo.

Khách tố Viettel tự kích hoạt dịch vụ, chuyên gia khẳng định có thủ thuật ảnh 3

Đang ngủ, khách hàng bị ép dùng dịch vụ Vinaphone

Khách tố Viettel tự kích hoạt dịch vụ, chuyên gia khẳng định có thủ thuật ảnh 4

Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ, trừ tiền để đạt mục tiêu doanh thu "khủng"?

Tuy nhiên đứng góc độ chuyên gia ngành công nghệ thông tin, ông Nguyễn Văn Thi – CEO DCV (công ty chuyên thiết kế xây dựng dịch vụ giá trị gia tăng, thiết kế phần mềm) cho rằng, đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng không đơn giản.

Ông Thi cho biết, hiện dịch vụ kinh doanh nội dung số khá phong phú từ nội dung cho tới hình thức thu phí của khách hàng.

Đa số hiện nay là đều thu phí qua sub, tức là khách hàng đăng ký dịch vụ và sẽ phải trả phí hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Hệ thống tự tính phí tiền.

Ví dụ, tôi đăng ký một bài hát làm nhạc chờ, tôi phải trả phí cho việc đăng ký bài bài hát đó và háng tháng tôi không phải đăng ký lại bài hát, hệ thống sẽ tự động gia hạn và tự động tính phí tiền trong tài khoản của tôi theo mức giá đã được niêm yết của nhà cung cấp.

Đây gọi là sub theo tháng, tương tự thì có sub theo ngày và tuần.

Hiện có 3 hình thức đăng ký dịch vụ SMS, WAP, IVR... tùy vào từng dịch vụ nhưng đa số là sms (nhắn tin đăng ký) và WAP. Ở đây theo phản ánh, các thuê bao và lý giải nhà mạng, hình thức dịch vụ giá trị gia tăng khách hàng đăng ký hình thức WAP. 

Hình thức này khi khách hàng truy cập bằng 3G của nhà mạng, hệ thống tự động nhận dạng thuê bao của khách hàng sau đó khách hàng sẽ click vào nút đăng ký dịch vụ. Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, khi khách hàng click vào nút đăng ký thì phải có các nhận: Đồng ý hoặc không đồng ý.

Từ phân tích trên ông Thi cho rằng, không thể chỉ bằng việc chạm vào đường link để là có thể đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng bởi nó còn phần xác nhận, sau đó là những hướng dẫn cụ thể.

Với việc khiếu nại của khách hàng về việc nhà mạng tự động kích hoạt dịch vụ, ông Thi cho rằng có hai trường hợp xảy ra: Thứ nhất, có thể người nhà (con em,...) sử dụng máy rồi click vào site đó và tình cờ đăng ký dịch vụ mà chủ thuê bao không biết. 

Thứ hai hiện cũng có một số đơn vị làm truyền thông họ đặt banner trên các ứng dụng di động, facebook, google để điều hướng người dùng vào đăng ký dịch vụ. Tuy nhiên kể cả khi điều hướng người dùng vào đăng ký dịch vụ, để đăng ký thành công chủ thuê bao cũng phải thực hiện nhiều thao tác.

Trường hợp click vào đường link quảng cáo dịch vụ rồi tự đăng ký chỉ xảy khi đơn vị truyền thông (chủ trang web, trang báo người dùng truy cập vào) điều hướng khách vào một site khác và hiển thị rất nhiều các alert và tình cờ trong đó lại có alert đồng ý đăng ký dịch vụ.

Tuy nhiên trường hợp này rất ít, đa số việc đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng qua WAP thường phải tiến hành nhiều bước.

Còn đứng trên phương diện người làm trong nghề, anh Nguyễn Đức Long – Lập trình viên cho rằng, dịch vụ giá trị gia tăng nếu không thuộc nhà mạng không thể tự kích hoạt.

Ứng dụng như nhạc chờ, cập nhật thông tin thời tiết… được rất nhiều doanh nghiệp triển khai. Nếu người dùng muốn sử dụng phải đăng ký tài khoản. Đối với nhà mạng di động, thuê bao muốn sử dụng dịch vụ thông thường phải thực hiện đăng ký qua tin nhắn. 

“Với trường hợp khách hàng hoàn toàn không nhắn tin đăng ký, không đăng ký qua mạng WAP, chắc chắn có tác động của nhà mạng hoặc đơn vị làm nội dung dịch vụ dùng thủ thuật để kích hoạt cho số thuê bao để trừ tiền”, anh Long khẳng định.

Để rõ hơn thắc mắc của khách hàng về những dịch vụ tự kích hoạt của Viettel, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi phản ánh của khách hàng đến nhà mạng và đang chờ trả lời chính thức.

Quý độc giả phản ánh về hiện tượng bị kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khi sử dụng các thiết bị di động dù không đăng ký xin gửi về địa chỉ Email: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc phản ánh qua Đường dây nóng: 0938.766.888 - 043.5569666; 043.5569777.
Mai Anh