Giá xăng ở Việt Nam vẫn thấp nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường?

11/04/2017 08:30
Mai Anh
(GDVN) - Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, điều chỉnh thuế môi trường từ 3.000 - 8.000 đồng/lít nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.

Dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng đang vấp phải sự phản đối từ dư luận, người dân và giới chuyên gia kinh tế.

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng có thể được nâng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít.

Dự định Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6/2017 và nếu được chấp thuận sẽ tiếp tục đưa ra Quốc hội xin ý kiến tháng 10/2017.

Trong bối cảnh giá xăng tăng theo thị trường thế giới nếu áp khung thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo Bộ Tài chính thì giá xăng thời gian tới tiếp tục tăng.

Trước lo ngại này chiều 10/4, tại phiên họp báo thường kỳ quý I/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã giải đáp xung quanh vấn đề tăng khung thuế môi trường với một số mặt hàng xăng dầu tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, đang gây chú ý trong dư luận thời gian qua. 

Khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng có thể tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít - ảnh minh họa nguồn Petrolimex
Khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng có thể tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít - ảnh minh họa nguồn Petrolimex

Tăng theo kinh nghiệm quốc tế

Trả lời câu hỏi về việc tại sao trước lo ngại của người dân và nhiều chuyên gia về khung thuế bảo vệ môi trường nhưng Bộ Tài chính vẫn trình Chính phủ dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Đình Thi cho biết, trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc.

Nhiều nước đã cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu, giảm dần tỷ trọng thuế trực thu, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu và bền vững cho ngân sách quốc gia. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thuế nhập khẩu bị cắt giảm dần theo các cam kết quốc tế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. 

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính chủ trì buổi họp báo - ảnh: H. Lực.
Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính chủ trì buổi họp báo - ảnh: H. Lực.

Theo kinh nghiệm quốc tế, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập, chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới.

Việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.

Ngoài kinh nghiệm quốc tế, ông Thi viện dẫn tại Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm (2016 – 2020) đã đề ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính quốc gia, huy động hiệu quả các nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Đồng thời đưa ra một số biện pháp như điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng chính sách thuế, bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức thu…phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tương tự tại Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ công cũng đề ra giải pháp cụ thể: Tập chung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện mức thu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - ảnh: H.Thọ.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - ảnh: H.Thọ.

Theo ông Thi, từ kinh nghiệm của quốc tế, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.

Giá xăng Việt Nam đang thấp hơn 136 nước

Trước nghi ngại về việc cơ cấu giá xăng Việt Nam hiện nay cao do đang gánh quá nhiều phí và thuế, ông Thi cho biết, theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp, xếp thứ 44/180 nước.

Tức là có tới 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97. 

Với mức giá bán lẻ xăng RON 92 của Việt Nam tính đến ngày 6/4/2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.166 đồng/lít, Singapore là 16.175 đồng/lít, Philippines là 3.375 đồng/lít, Hồng Kông là 26.518 đồng/lít.

Tỷ lệ thuế - như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng - trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp, là 37,24% đối với xăng, thấp hơn so với Hàn Quốc, hiện là 70,3% hay Campuchia, là khoảng 40%, Lào, là khoảng 56%.

Giá xăng ở Việt Nam vẫn thấp nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường? ảnh 4

Bà Bùi Thị An: "Cần minh bạch để không lãng phí mồ hôi, công sức của dân"

Giá xăng ở Việt Nam vẫn thấp nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường? ảnh 5

 GS.Nguyễn Quang Thái: "Cần phải minh bạch thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu"

Trong khi đó lý giải cho việc điều chỉnh khung giá thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu (tăng từ 3.000 – 8.000 đồng/lít) ông Thi cho biết trong dự thảo luật không chỉ tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng mà còn cả sản phẩm túi nilon.

Theo ông Thi, xăng dầu là những sản phẩm chứa các chất hoá học gây hại cho môi trường trên diện rộng.

Hiện các nước trên thế giới cũng đã đưa các mặt hàng này vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ môi trường, tính chất giống nhau nhưng dưới tên gọi khác nhau.

Hiện xăng dầu đang thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường với khung thuế hiện hành từ 1.000 – 4.000 đồng/lít và mức thuế hiện này là 3.000 đồng/lít.

Năm 2015, mức thuế này từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng đã có nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng tăng thuế là đánh vào người dân, đồng thời, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính sau khi phân tích giá cả ở Việt Nam và các nước trên thế giới đã nhận thấy điều ngược lại: Nếu không điều chỉnh khung thuế sẽ gây thiệt hại lên lợi ích quốc gia.

Ông Thi cũng cho biết thêm mức thuế bảo vệ môi trường – 3.000 đồng/lít như hiện nay đã gần mức tối đa.

Do đó, Bộ Tài chính đánh giá, trong trường hợp cần thiết để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ là rất khó.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu thì lại bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực.

“Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính phải đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này để đối phó với diễn biến khó lường thế giới”, ông Thi nói.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định khung thuế này chưa có tác động gì đến doanh nghiệp và cũng chưa tác động đến giá cả xăng dầu.

Mai Anh