"Giấc mơ" 100 tàu cá, trực thăng bám biển của đại gia BĐS đã bị quên lãng?

01/01/2015 07:09
Chuyên gia Marketing Hoàng Tùng
(GDVN) - Sau hàng loạt những phản bác của cơ quan quản lý, điều kì lạ từ đó đến nay không còn ai nghe thêm bất kỳ thông tin gì về dự án mua 100 tàu cá ra khơi nữa.

Dự án "khủng" đã chìm vào quên lãng?

Đã 5 tháng trôi qua kể từ lần đầu tiên ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải khiến báo giới và dư luận xôn xao khi công bố kế hoạch "khủng" mua sắm 100 tàu đánh cá, ụ nổi và máy bay trực thăng để cùng ngư dân ra khơi, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo... đến thời điểm này câu chuyện dường như đã chìm vào quên lãng.

Trước đó, đầu tháng 7/2014, người đứng đầu Công ty CP Đức Khải cho biết đến đầu năm 2015, 100 con tàu đánh cá có công suất từ 500 đến 1.500 mã lực cùng 2 máy bay trực thăng, 2 ụ nổi với sức chứa 5.000 tấn/ụ… do Công ty CP Đức Khải mua về sẽ chính thức tiến ra ngư trường, sát cánh cùng ngư dân khai thác thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Để phục vụ kế hoạch này, từ đầu tháng 8/2014 Công ty CP Đức Khải đã đặt mua 45 tàu cá tại Hàn Quốc. Số tàu này sẽ được công ty đưa về cuối tháng 8/2014. 55 con tàu còn lại sẽ được công ty đặt mua tại Nhật, Úc… Cùng với đó, Công ty CP Đức Khải có văn bản xin cơ chế ưu đãi của Chính phủ như vay 1.350 tỉ đồng lãi suất ưu đãi 1% để mua tàu cá cũng như xin được nhập cá cũ đã qua sử dụng 12 năm (trong khi theo quy định tàu cả chỉ được nhập dưới 8 năm) để hiện thực hóa dự án của mình.

Mẫu tàu thủy được Công ty Đức Khải xho biết sẽ mua về để tham gia đánh bắt tại ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Internet.
Mẫu tàu thủy được Công ty Đức Khải xho biết sẽ mua về để tham gia đánh bắt tại ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Internet.

Ngay thời điểm công bố, khi dư luận trong nước và quốc tế đang hướng mọi sự chú ý về giàn khoan 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên biển Đông thì dự án khủng của Công ty CP Đức Khải thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân Việt Nam. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ suy nghĩ  "dám nghĩ, dám làm" trên tinh thần yêu nước của ông chủ Công ty Đức Khải. Và chỉ trong một thời gian ngắn, ông chủ Đức Khải bỗng trở thành "người hùng".

Tuy nhiên khi những lời tung hô tạm lắng, dư luận bắt đầu nhận ra sự phi lý cũng như những điều bất khả thi trong dự án này. Những bất cập được chính cơ quan quản lý chỉ ra một cách rõ ràng. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra văn bản khẳng định, những tàu cá Công ty CP Đức Khải dự định nhập về Việt Nam không đủ điều kiện hoạt động vì hầu hết những con tàu này đều quá tuổi quy định...

Bên cạnh đó, động thái đề xuất Chính phủ vay ưu đãi... 1.350 tỉ đồng (chiếm 90% số vốn dự án) với lãi suất 1% để thực hiện dự án của Đức Khải khiến nhiều người dễ dàng nhận ra vị đại gia này muốn tranh thủ đón đầu Nghị định 67 về những chính sách ưu đãi của Chính phủ cho ngư dân chuyển đổi tàu cá đánh bắt xa bờ và thực chất dự án mua tàu của Đức Khải chỉ là hoang tưởng, đánh lừa dư luận. Thậm chí nhiều người cho rằng Đức Khải lập dự án khủng để tận dụng vốn nhà nước.

Chưa hết, trong khi vốn thực hiện dự án chỉ có 10%, tàu cá dự định mua về là những con tàu “đồng nát”, Đức Khải vẫn mạnh miệng tuyên bố sẽ trả lương khủng cho ngư dân khi đưa mức lương từ 10 triệu đồng/tháng rồi nâng lên 20 triệu đồng/người/tháng, sau đó sẽ cao hơn.

Nhưng ngay sau đó, không chỉ ký quyết định bác đề xuất xin ưu đãi của Công ty Đức Khải, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã khẳng định, với một dự án lớn, lại muốn vay tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng Công ty Đức Khải chưa đưa ra được phương án chi tiết về chi phí nhiên liệu từng chuyến đi, duy tu bảo dưỡng, nhân công, đối tượng hải sản đánh bắt và tiềm năng, sản lượng dự kiến... Hơn nữa, Công ty Đức Khải cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, đánh bắt hải sản.

Về dự án của Đức Khải, đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát nêu quan điểm: “Hiện có người muốn vay hơn 1.000 tỷ đồng để mua tàu nước ngoài về đánh bắt xa bờ thì phải cân nhắc. Không thể cho vay tràn lan và đánh bắt tràn lan được”.
Sau hàng loạt những phản bác của cơ quan quản lý, điều kì lạ từ đó đến nay không còn ai nghe thêm bất kỳ thông tin gì về dự án này nữa.

Nếu dự án "chìm xuồng", còn ai tin Đức Khải?

Sau sự việc trên, nhiều chuyên gia marketting cho rằng đây thực chất chỉ là một "chiêu" làm thương hiệu của Công ty CP Đức Khải. Trên thực tế, hoạt động quảng bá dựa trên những sự kiện nóng đang diễn ra trên thị trường là điều nhiều doanh nghiệp áp dụng. Với trường hợp của Công ty Đức Khải tuyên bố đầu tư dàn tàu cá sát cánh cùng ngư dân khai thác vùng biển trên lãnh hải Việt Nam giữa lúc tình hình biển Đông đang nóng bỏng là hành động diễn ra đúng thời điểm và thực sự khiến người dân ủng hộ.

Tuy nhiên, PR chuyên nghiệp phải luôn dựa trên tiêu chí cơ bản: “Nói cho khách hàng sự thật”. Điều khiến nhiều chiến dịch PR trở nên thất bại là cho dù được tiến hành bài bản, có nguồn tài chính hùng hậu để dánh bóng và có những nhân sự tài giỏi thực thi nhưng không dựa trên sự thật. Diễn biến trong trường hợp của Công ty Đức Khải đã và đang khiến nhiều người hoài nghi về năng lực, hành động của doanh nghiệp này không đi song hành cùng lời nói.

Xin nhấn mạnh rằng hoạt động PR chuyên nghiệp luôn phải tuân thủ nguyên lý cao nhất: “Sự thật”. Việc doanh nghiệp nhanh chóng có những cải tiến sản phẩm để phù hợp với điều kiện thị trường và tung ra sản phẩm với một kế hoạch PR hiệu quả sẽ tạo cộng hưởng khiến truyền thông và dư luận ủng hộ. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị chu đáo để khi truyền thông vào cuộc, doanh nghiệp có thể chứng minh được tính ưu việt cho sản phẩm của mình một cách rõ ràng và thuyết phục. Trường hợp của Công ty Đức Khải rõ ràng đã cho thấy, doanh nghiệp đưa ra chiến dịch tốt nhưng không đủ thuyết phục được truyền thông và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó một chiến dịch truyền thông thường đi kèm cùng những mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, hiệu ứng cơ bản nhất cần phải có là: Thứ nhất, tên thương hiệu phải gây được sự chú ý. Thứ hai, sau chiến dịch PR, người tiêu dùng phải hiểu rõ về sản phẩm của doanh nghiệp và có thiện cảm với thương hiệu. Trong trường hợp của Đức Khải, về ngắn hạn, tên thương hiệu có thể được dư luận nhắc tới liên tục. Về dài hạn, tên thương hiệu sẽ bị mất đi uy tín vốn có của mình do hành động và lời nói có sự vênh với nhau.

Cùng với việc chưa thực hiện những mục tiêu trong kế hoạch mua sắm tàu cá, theo thông tin trên báo chí, vừa qua Đức Khải bán một số khu đất cho Công ty CP Phát Đạt (PDR)... Điều này càng khiến dư luận đặt nghi vấn về khả năng tài chính của doanh nghiệp này.

Công bằng mà nói việc bán đi tài sản hay mua vào tài sản bao của doanh nghiệp sẽ bao gồm rất nhiều nguyên nhân đằng sau mà chỉ nội tại doanh nghiệp mới có câu trả lời chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tuyên bố thực hiện kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch mang tính xã hội cao như Công ty CP Đức Khải mua tàu cá, cần phải được chuẩn bị kỹ càng và thực thi một cách chuẩn xác để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và dư luận.

Doanh nghiệp có thể tuyên bố và sau đó không thực hiện và người tiêu dùng có thể sẽ chấp nhận nếu doanh nghiệp có giải thích hợp lý. Nhưng với Đức Khải, chính lời nói không đi đôi với việc làm cùng với những im lặng bất thường về dự án khủng trên khiến niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay. Liệu sẽ còn mấy ai tin vào Đức Khải khi doanh nghiệp này tung ra những kế hoạch, dự án khủng khác trong tương lai?


Chuyên gia Marketing Hoàng Tùng