Gửi trực tiếp hồ sơ xin cơ chế ưu đãi lên Chính phủ nhằm thực hiện dự án mua 100 tàu thủy, 2 máy bay trực thăng, 2 ụ nổi tuy nhiên dễ thấy trong hồ sơ của Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) có những nội dung yêu cầu vượt quá quy định của luật pháp và nhiều điểm bất thường.
Cụ thể quy định tại Nghị định 52, tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về phải có tuổi đời không quá 8 tuổi trong khi tàu cá Công ty Đức Khải xin nhập về đều có "tuổi thọ" cao hơn quy định. Thậm chí có những con tàu khai thác từ năm 1985, tức có gần 30 năm khai thác sử dụng.
Trong số tàu cá được Công ty CP Đức Khải dự định nhập về có những con tàu có tuổi khai thác sử dụng đến 30 năm |
Đánh giá chất lượng tàu có đến 30 năm khai thác, ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội nghề Cá Việt Nam khẳng định: “Với những tàu cá có tuổi đời cao như vậy, dù sửa chữa lại cũng chỉ có thể ra khơi đánh bắt thời gian ngắn, sau đó sẽ sớm vào bãi đồng nát”.
Theo đó, tàu cá dù là vỏ thép, vỏ nhôm, composite tổng hợp, sợi thủy tinh và được đóng ở đâu cũng chỉ có tuổi đời khai thác 25 – 30 năm. “Tất nhiên ngoài 30 năm tàu vẫn có thể ra khơi khai thác nhưng nó không khác gì con người đến tuổi nghỉ hưu, dù vẫn có thể làm được việc nhưng chậm chạp hiệu quả thấp và rủi ro cao”, ông Mưu dẫn chứng.
Một nguy cơ khác với tàu có tuổi đời cao là vấn đề xử lý môi trường. Trong dự án của Công ty Đức Khải có tàu cá bằng nhiều chất liệu từ nhôm, sắt, composite tổng hợp… với tàu 30 năm khai thác sớm muộn gì phải tái chế lại, khi đó vấn đề xử lý không hề dễ.
Cụ thể, nếu tàu bằng vỏ thép, nhôm có thể tái chế lại thì tàu vỏ bằng composite tổng hợp sẽ không thể tái chế, như vậy vừa không thể đánh bắt lâu dài do tuổi cao, vừa phải lo bãi thải tập kết.
“Nếu cho nhập tàu 30 năm tuổi, chúng ta sớm phải giải quyết bãi thải cho nhưng con tàu này, dù có sửa chữa làm mới thiết nhưng khung tàu đã trải qua quá trình sử dụng dài, không thể sửa chữa một tàu 30 năm tuổi xuống còn 7 – 8 tuổi để kéo dài khai thác thêm 20 năm nữa”, ông Mưu khẳng định.
Ông Mưu tin rằng, với những phân tích trên chắc chắn Chính phủ sẽ không cho phép Công ty Đức Khải nhập những còn tàu có số tuổi vượt quá với quy định của luật (dưới 8 tuổi).
“Trước đây Bộ Thủy sản và hiện nay Tổng Cục Thủy sản quy định tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về Việt Nam không được vượt quá 8 tuổi, như vậy với số tuổi chung khai thác 30 năm, ít nhất tàu cá khi nhập về cũng được khai thác sử dụng tốt trong vòng 20 năm nữa. Nếu cho tàu tuổi cao được nhập về chỉ khai thác thời gian ngắn sau đó đưa vào bãi đồng nát thì sớm muộn chúng ta thành bãi phế thải tàu của các nước”, ông Mưu cho biết thêm.
Nhìn lại hồ sơ xin cơ chế ưu đãi của Công ty Đức Khải gửi lên Chính phủ có thể thấy, bên cạnh bất cập về tuổi đời tàu, vấn đề vốn thực hiện dự án cũng cho thấy nhiều điểm bất thường.
Trong tổng số vốn 1.500 tỉ đồng được dự tính để thực hiện dự án, doanh nghiệp Đức Khải chỉ có 150 tỉ đồng còn lại 1.350 tỉ đồng (90% tổng số vốn) Đức Khai xin cơ chế vay ưu đãi với lãi suất 1%.
Nếu được chấp nhận, Công ty Đức Khải dự định sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng.
Trong số thiết bị nhập của Đức Khải, duy nhất 2 trực thăng được đơn vị này cho biết sẽ mua mới, còn lại với thiết bị trang bị trên tàu chưa biết là thiết bị mới hay cũ. Nhưng dù thiết bị mới nhưng trên những con tàu sắp trở thành phế liệu chắc chắn hiệu quả trông đợi sẽ không cao, thêm vào thời gian khai thác ngắn.
Tất cả yếu tố đó làm dấy lên lo ngại kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Đức Khải có nguy cơ thất bại, ngân hàng khó thu hồi vốn. Do đó sẽ là mạo hiểm với ngân hàng nếu cho Đức Khải vay số tiền lớn nhưng nhiều yếu tố rủi ro như thế.