Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh không chỉ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mà hàng loạt doanh nghiệp khác như AJE Việt Nam, Puratos Grand, Urc, Apparel Far Eastern... cũng lên tiếng “tố” cơ quan hải quan hướng dẫn thiếu nhất quán gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan hải quan tiến hành ấn định thuế có C/O mẫu D là đường tinh luyện mà Vinamilk và các doanh nghiệp được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo quy định để được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt là 5%.
Các doanh nghiệp đã thực hiện theo quy định này, tuy nhiên đến tháng 10/2017 cơ quan hải quan tại Bình Dươnglại cho rằng phải thực hiện theo Công văn 2668a/GSQL-GQ4 ngày 30/10/2017 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan.
Theo đó thì doanh nghiệp sẽ bị ấn định thuế đối với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có C/O mẫu D với thuế suất lên đến 23% phát sinh từ ngày 1/9/2016 đến nay.
Cụ thể, theo công văn 2668a/GSHQ-GQ4 của ngành hải quan, cơ quan chức năng sẽ tiến hành ấn định thuế với các tờ khai xuất khẩu tại chỗ có C/O mẫu D của Vinamilk hàng loạt doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1/9/2016 tới nay với số tiền thuế dự kiến ấn định là 62,8 tỷ đồng (Vinamilk) và hơn 18 tỷ đổi đối với một số doanh nghiệp, chưa tính chậm nộp thuế.
Vinamilk và các doanh nghiệp không chấp nhận với lý do là doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng hướng dẫn, nếu có phát sinh thì đó là do sự hướng dẫn không thống nhất của hải quan và gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Vinamilk đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét lại việc truy thu thuế.
Các doanh nghiệp khẳng định vì hải quan hướng dẫn thiếu nhất quán nên đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi mà nguyên liệu đầu vào đã sản xuất và ấn định giá sản phẩm bán ra thị trường.
Vì vậy việc truy thu thuế (hồi tố) trong trường hợp này sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, rất có thể gây ra nhiều hệ lụy khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu như hải quan hướng dẫn chính xác ngay từ đầu thì họ sẽ có phương án nhập nguyên liệu khác, và sẽ không bị rơi vào cảnh bị truy thu thuế (hồi tố) như hiện nay.
Đại diện Vinamilk và nhiều doanh nghiệp khác bị hải quan ấn định truy thu thuế đã không đồng ý và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét. Ảnh: VNM. |
Chiều 8/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Nhất Kha – Cục Phó Cục Giám sát (Tổng Cục Hải quan) cho biết: “Trước những phản hồi của doanh nghiệp liên quan đến hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, chúng tôi đang tập hợp số liệu để báo các cấp có thẩm quyền vì việc này đã xảy ra rồi”.
Lý giải nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong việc nhập đường tinh luyện từ Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (trong đó có Vinamilk), ông Nguyễn Nhất Kha cho rằng: "Vinamilk mua đường từ nhà máy Đường Biên Hòa, mà nhà máy Đường Biên Hòa không phải là doanh nghiệp chế suất cũng như không nằm trong khu vực phi thuế quan".
Tuy nhiên, lý giải này của ông Kha cũng bị phía doanh nghiệp đánh giá là không thỏa mãn, bởi vì khi giải quyết một trường hợp khác tại tỉnh Quảng Ninh, Cục Quản lý giám sát – Tổng Cục Hải quan cho phép giải quyết theo Công văn số 1744/TCQH-GSQL ngày 22/4/2011.
Theo đó thì Cơ quan hải quan chấp thuận C/O ưu đãi đặc biệt do các cơ quan được Bộ Công thương ủy quyền cấp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.
Theo đại diện của Vinamilk, các mặt hàng nhập khẩu bị ấn định thuế là đường tinh luyện (16.000 tấn) mà đơn vị này được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sau khi đã trúng thầu trong phiên đấu giá ngày 7/9/2016 của Bộ Công Thương tổ chức.
Hải quan Bình Dương cần giải thích thỏa đáng khi truy thu thuế của doanh nghiệp |
Sau khi Vinamilk lên tiếng phản ứng quyết liệt trước việc cơ quan hải quan truy thu thuế, ngày 5/12, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng bày tỏ bức xúc trước việc bị áp thuế với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có C/O mẫu D phát sinh từ ngày 1/9/2016.
Họ đã đến Chi cục Hải quan Bình Dương để làm rõ nguyên nhân cũng như chờ câu trả lời từ phía ngành hải quan. Các doanh nghiệp khẳng định, họ không làm sai mà là thực hiện theo hướng dẫn của hải quan.
Phía cơ quan hải quan thừa nhận, không chỉ riêng Hải quan Bình Dương, mà có gần 10 Cục Hải quan ở địa phương đã áp dụng không đồng nhất khi thực hiện Nghị định 129 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:
Thứ nhất là hàng hóa phải trong danh mục ưu đãi;
Thứ 2 phải thỏa mãn chứng nhận xuất xứ C/O;
Thứ 3 là hàng hóa phải nằm trong khu chế xuất hoặc khu phi thuế quan.
Không chỉ có Vinamilk mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào trường hợp tương tự nên Tổng cục Hải quan đang rà soát lại để trình lên cấp cao hơn tìm phương án giải quyết.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, hàng loạt doanh nghiệp kêu như vậy hải quan nên xem xét lại hướng dẫn của mình. Ảnh: N.Q |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Về nguyên tắc khi áp dụng luật mới, thì phải có dự lệnh, có thời gian đủ dài để đối tượng chịu tác động nắm rõ.
Nếu hồi tố truy thu thuế của các doanh nghiệp được hưởng thuế suất như vậy cần phải xem lại.
Về nguyên tắc, hướng dẫn của cơ quan hải quan phải đồng nhất, chứ không thể văn bản pháp luật ra rồi, nhưng mỗi lúc anh lại hướng dẫn thực hiện một kiểu. Như thế doanh nghiệp sẽ rất khó hoạt động và tồn tại”.
Vì sao nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đường tại chỗ bị đẩy vào thế khó? |
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thẳn thắn cho rằng: “Nếu hải quan hướng dẫn doanh nghiệp không thống nhất như vậy là tùy tiện”.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam – Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khi ban hành văn bản pháp luật cần chặt chẽ, chi tiết đặc biệt là trong lĩnh thuế để dễ áp dụng trong cuộc sống mà không cần phải giải thích hay hướng dẫn nghiệp vụ để tránh gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp xác định được bị thiệt hại vì các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuế thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thuế bồi thường thiệt hại theo các qui định trên hoặc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.