Khánh thành nhà ga T2 Nội Bài: Niềm vui xen với nỗi lo lớn

05/01/2015 11:00
TS Trần Đình Bá
(GDVN) - Có thể thấy, tổng mức đầu tư đến 900 triệu USD cho nhà ga T2 Nội Bài đang là mức đầu tư lớn nhất đối với các dự án nhà ga hàng không Việt Nam tính đến nay.

Ngày 4/1/2015, Bộ Giao thông Vận tải chính thức khánh thành nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và đưa vào sử dụng các dự án nhà khách VIP A; nhà ga T2.

Dự án với tổng mức đầu tư 900 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản này được khởi công ngày 4/12/2011 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines cho biết: “Việc nhà ga mới T2 Nội Bài được đưa vào khai thác mang một ý nghĩa quan trọng đối với Vietnam Airlines, nhất là khi hãng đang nỗ lực triển khai các chương trình xây dựng chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015”.

Sau 3 năm xây dựng, nhà ga T2 Nội Bài - ga hàng không lớn nhất Việt Nam có tổng vốn đầu tư 900 triệu USD đã chính thức khánh thành ngày 4/1 vừa qua. Ảnh Vnexpress.
Sau 3 năm xây dựng, nhà ga T2 Nội Bài - ga hàng không lớn nhất Việt Nam có tổng vốn đầu tư 900 triệu USD đã chính thức khánh thành ngày 4/1 vừa qua. Ảnh Vnexpress.

Hàng không là biểu tượng của quốc gia về vị thế chính trị, tiềm lực kinh tế, quốc phòng – an ninh và tiến bộ về khoa học công nghệ. Nhà ga hàng không quốc tế là cửa ngỏ để Việt Nam mở cửa đón bạn bè và giao lưu quốc tế… Như vậy, sau tai tiếng Việt Nam có hai sân bay quốc tế tệ nhất châu Á thì việc đưa nhà ga hàng không T2 Nội Bài hiện đại vào khai thác để giảm tải cho nhà ga quốc nội đã mang lại niềm lạc quan mới cho hàng không nước nhà.

Nhà ga T2 Nội Bài có công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

Song bên cạnh đó còn có nỗi lo lớn về vấn đề quản lý và khai thác nhà ga hàng không quốc tế này có hiệu quả hay không, có đáp ứng được khát vọng “cất cánh” cho hàng không nước nhà không!?

Có thể thấy, tổng mức đầu tư đến 900 triệu USD cho nhà ga T2 Nội Bài đang là mức đầu tư lớn nhất đối với các dự án nhà ga hàng không Việt Nam tính đến nay. Trước đó, Việt Nam đã có nhà ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với vốn vay ODA Nhật Bản 260 triệu USD, công suất 10-15 triệu hành khách/năm. Sân bay quốc tế Đà Nẵng 70 triệu USD, công suất 5 triệu hành khách/năm. Như vậy mức đầu tư nhà ga T2 Nội Bài có vốn vay ODA gấp 3 lần Tân Sơn Nhất, gấp 13 lần sân bay Đà Nẵng.

Với chi phí đầu tư trên dễ thấy nhà ga quốc tế T2 Nội Bài sẽ là “gánh nợ” ODA không nhỏ cho Tổng công ty Cảng hàng không ACV.

Bên cạnh đó một điều đáng lo nữa là hiện nay Việt Nam vẫn còn có những nhà ga hàng không quốc tế như Cần Thơ quanh năm đìu hiu không đón được một chuyến bay quốc tế nào.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng trong năm 2014 theo tổng hợp của Tổng Cục thống kê.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng trong năm 2014 theo tổng hợp của Tổng Cục thống kê.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê công bố vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng trong năm 2014 là 6,6 triệu hành khách, như vậy cả năm ước tính khoảng 7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam qua các phương tiện giao thông là đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ, hàng không. Và theo tính toán, lượng khách quốc tế qua đường hàng không chỉ khoảng 5-6 triệu, con số này có thể đặt ra câu hỏi: nhà ga T2 Nội Bài dựa vào đâu để hy vọng hoàn vốn đầu tư?

Sân bay quốc tế Nội Bài mỗi ngày cao nhất có khoảng 15-25 chuyến bay quốc tế xuất nhập cảnh và quá cảnh trong khi vốn vay để làm sân bay phải trả lãi suất bằng USD là 4%/năm, như thế mỗi năm ngành hàng không phải trả nợ sân bay tới 36 triệu USD, đây được xem là vấn đề nan giải.

TS Trần Đình Bá