Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp từ 26 – 30% GDP, đóng góp nguồn thu quan trọng cho đất nước, đóng góp vào phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng của nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giữ nhịp độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó bài học đầu tiên cần rút ra là công tác cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công. ảnh: vgp. |
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác cán bộ quyết định tất cả, công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công.
Còn nếu người lãnh đạo doanh nghiệp không rèn luyện, tu dưỡng, không đặt lợi ích chung lên trên thì doanh nghiệp thất bại.
Thứ hai là công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn. Năng suất lao động nhìn chung còn thấp so với thế giới cũng như các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Cùng với đó là những bài học về xây dựng, phát triển thương hiệu, công tác quản trị doanh nghiệp…
Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp nhà nước không những đóng góp, khắc phục khiếm khuyết của thị trường mà còn là yêu cầu tất yếu để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Thủ tướng chỉ rõ, trong thời gian tới cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, khắc phục cho được những bất cập của doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước phải đi tiên phong trong hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.
“Một phong trào khởi nghiệp quốc gia đang đặt ra trên cả nước. Các đồng chí là những người kinh doanh có truyền thống ở mặt này, mặt khác thì cũng phải xem lại khởi nghiệp của mình trong một số vấn đề. Chứ không phải bổn cũ chép lại”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, phải nâng cao vai trò và năng lực cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
“Bộ máy nòng cốt của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, các đồng chí bí thư, phó bí thư, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng ở đây là những người trực tiếp làm công tác Đảng thì chúng ta phải đổi mới công tác Đảng, chủ động trong xây dựng Đảng để phục vụ sự phát triển như thế nào?
Đó là một câu hỏi, một bài toán đặt ra cho các đồng chí”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu Đảng bộ Khối thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa 11 và 12, đặc biệt là phòng chống 27 biểu hiện suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.
Cho rằng vẫn còn tình trạng tổ chức lễ khởi công hình thức, lãng phí, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiết kiệm mọi khâu để giảm giá thành sản phẩm. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển.
Phải chọn người tài trong quản lý điều hành, không chọn người nhà, thân quen trong bộ máy doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp nhà nước nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chúng ta chống tình trạng sân trước, sân sau”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty có chế độ sinh hoạt nề nếp trong Đảng bộ; giữ vững đoàn kết, thống nhất nội bộ; năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm.
Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, huy động thêm vốn xã hội, có thêm cổ đông giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và thay đổi tư duy quản trị.
Quá trình cổ phần hóa cần làm theo lộ trình, chống thất thoát tài sản nhà nước.