Ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh về số lượng, từ năm 2016 đến tháng 11 năm 2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước lớn.
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Riêng trong năm 2017, tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đạt trên 160.000 tỷ đồng, bằng 81,5% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp được cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, thu về được gần 155 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đáp ứng các yêu cầu:
1. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội khóa XIV để nhận thức đúng, đầy đủ theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, kiên quyết đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.
2. Hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 làm cơ sở để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.
3. Đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch theo danh sách ban hành tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp không có khả năng hoàn thành kế hoạch do lý do khách quan cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo kế hoạch đề ra.
4. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai việc thoái vốn tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện.
Rà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016 - 2018 để chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2020.
6. Các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc thu, nộp tiền thu phát sinh từ cổ phần hóa, thoái vốn về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) theo quy định.
7. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao.
Đối với các doanh nghiệp còn lại thuộc diện bàn giao về SCIC, thực hiện nghiêm việc chuyển giao theo quy định.
8. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán cổ phần hóa và nộp tiền kịp thời, đầy đủ về Quỹ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Trước 15/1/2019 hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp
Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm 2019.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trước ngày 15/1/2019 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.
Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Đồng thời, phải kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.
Xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.
Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.