Liên tiếp xảy ra sự cố an ninh hàng không, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém

07/03/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo các chuyên gia, những sự cố hàng không vừa qua thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả và đến lúc phải xem lại năng lực lãnh đạo ngành này.

Liên tiếp trong thời gian ngắn những sự cố hi hữu xảy ra uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không. Đặc biệt, xảy ra tại các cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất và Vinh thời gian gần đây.

Trước đó, rất nhiều những sự cố hi hữu, khó tin đã xảy ra tại các cảng hàng không như bò tót đột nhập vào cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) khiến sân bay phải đóng cửa, người đàn ông say rượu đã vượt rào vào sân bay Buôn Ma Thuột leo lên máy bay ngủ…

Sự cố đáng nói nữa, giữa lúc máy bay đang cần sự hướng dẫn của nhân viên không lừu thì hai kiểm soát viên Đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất lao vào đánh nhau khiến công tác điều hành bị gián đoạn..

Liên tiếp xảy ra sự cố an ninh hàng không, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém ảnh 1Sự cẩu thả của Việt Nam Airlines đang đe dọa an ninh hàng không

Mới đây ngày 3/3, khi chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines VN1265 có hành trình đi từ Cảng Hàng không quốc tế Vinh tới Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (dự kiến cất cánh lúc 12h55 cùng ngày) đã xếp khách lên tàu bay xong, tiếp viên trưởng phát hiện có 1 đối tượng lên tàu bay nhưng không có thẻ hành khách lên tàu bay.

Tiếp viên trưởng chuyến bay phối hợp với nhân viên kiểm soát an ninh hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh lên tàu bay áp giải đối tượng xuống để bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Qua xác minh, đối tượng vi phạm được xác định đang điều trị bệnh tâm thầnnên đã được lực lượng chức năng cho về nhà và không xử lý vi phạm hành chính.

Về việc xử lý vi phạm, Cảng hàng không quốc tế Vinh bị xử phạt 40 triệu đồng vì không thực hiện đúng chương trình an ninh hàng không. Đơn vị này còn bị khuyến cáo bằng văn bản.

Đối với các cá nhân, Cục quyết định khuyến cáo bằng văn bản Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vinh về năng lực quản lý, giám sát điều hành trực tiếp. Bốn nhân viên an ninh hàng không của cảng bị xử phạt 10 triệu đồng/người và tước quyền sử dụng giấy phép 2 tháng. Một nhân viên làm thủ tục hành khách của sân bay bị phạt 4 triệu đồng.

Sân bay Quốc tế Vinh xảy ra sự cố hi hữu người đàn ông bị tâm thần trèo qua hàng rào và qua nhiều vòng an ninh lên được máy bay hãng Vietnam Airlines. Ảnh: Vũ Xuân Tuẩn
Sân bay Quốc tế Vinh xảy ra sự cố hi hữu người đàn ông bị tâm thần trèo qua hàng rào và qua nhiều vòng an ninh lên được máy bay hãng Vietnam Airlines. Ảnh: Vũ Xuân Tuẩn

Trước đó, ngày 20/2 (tức ngày mùng 5 Tết) đã xảy ra chuyện khó tin tại Hãng hàng không Vietnam Airlines. Một hành khách nước ngoài đi Myanmar lên nhầm máy bay Vietnam Airlines đến Singapore.

Nguyên nhân sự cố trên được xác định là do trong quá trình kiểm soát hệ thống đọc thẻ lên tàu bay Sabre bị trục trặc 4 phút, (từ 8 giờ 56 đến 9 giờ 00), nhân viên hàng không phải thực hiện kiểm tra thủ công, trong quá trình thao tác, nhân viên hàng không đã để xảy ra sai sót dẫn đến nhầm lẫn như trên.

Cảng vụ Hàng không miền Nam đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3 nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam - Chi nhánh Tân Sơn Nhất và tiếp viên trưởng chuyến bay VN651 với mức xử phạt là 4 triệu đồng/người.

Đánh giá về sự cố trên, không ít chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, khó chấp nhận sự cẩu thả, lỏng lẻo, vô trách nhiệm từ mặt đất lên đến máy bay của một ga hàng không quốc tế như ở Tân Sơn Nhất, và lại là sự cẩu thả của hãng hàng không lớn là Việt Nam Airlines.

Hơn nữa, mức xử phạt đối với lỗi cẩu thả trên, theo các chuyên gia là quá nhẹ đối với lỗi nghiêm trọng có thể đe dọa đến an ninh, an toàn hàng không.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia hàng không Trần Đình Bá cho rằng: “Mức xử phạt trên là quá nhẹ và thiếu thuyết phục. Đó là lỗi hệ thống ngay trong ngành hàng không.

Rõ ràng có sự yếu kém về mặt quản lý cũng như chuyên môn nghiệp vụ, thiếu hiểu biết về Luật hàng không dân dụng và công nghệ hàng không, chưa theo kịp với công nghệ hàng không thế giới.

Nhiều sự cố khó tin đã xảy ra như mấy bay mất kiểm soát, hạ cánh nhầm đường bay, nhầm sân bay, mất điện nhiều giờ là những lỗi hết sức nghiêm trọng”.

Đầu năm sự cố khách đi Myanmar lên nhầm máy bay Singapore của hãng hàng không Vietnam Airlines được các chuyên gia cho rằng sự cẩu thả của hãng có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không. Ảnh: Nguyễn Thị Mai.
Đầu năm sự cố khách đi Myanmar lên nhầm máy bay Singapore của hãng hàng không Vietnam Airlines được các chuyên gia cho rằng sự cẩu thả của hãng có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không. Ảnh: Nguyễn Thị Mai. 

Chuyên gia Trần Đình Bá khẳng đánh giá: “Những sự cố xảy ra vừa qua cho thấy sự non kém của ngành hàng không. Khách đi nhầm máy bay, trèo tường vào sân bay cho thấy thấy lỗ hỏng an ninh, an toàn hàng không rất nghiêm trọng.

Qua các sự cố ngớ ngẩn trên cũng cho thấy sự không chuyên nghiệp tới mức ấu trĩ của các đơn vị vận hàng các cảng hàng không cũng như cách quản lý yếu kém.

Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì không còn gì để nói và hậu quả gây ra là hết sức nghiêm trọng, mất kiểm soát, kể cả khủng bố và không tặc có thể xảy ra”.

Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề kiểm soát, lỗ hổng an ninh thường xuyên xảy ra không loại trừ khả năng có hoạt động gian lận thương mại tại cảng hàng không.

Liên tiếp xảy ra sự cố an ninh hàng không, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém ảnh 4Hành khách lên nhầm chuyến bay là vô cùng nguy hiểm

“Cần xem xét vai trò quản lý Nhà nước là Cục Hàng không Việt Nam, và liệu có chuyện xử lý nương nhẹ đối với các lỗi rất nghiêm trọng như vậy?

Cũng cần phải xem xét trách nhiệm những người liên quan trong đó cả lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam.

Bởi nếu quản lý không tốt, trong tương lai không biết còn những sự cố nghiêm trọng hơn”, chuyên gia Trần Đình Bá nói.  

Trao đổi với phóng viên, thầy Hoàng Hải Sơn – Giảng viên Khoa Kinh tế - Vận tải (Đại học Giao thông Vận tải) có nhiều nghiên cứu về ứng dụng các tiêu chuẩn dịch vụ cảng hàng không cho rằng: “Những sự cố hàng không vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó liên quan đến hạ tầng, con người thực thi.

Những sân bay hiện đại họ trang bị hệ thống cảm biến hồng ngoại, cảm biến cảnh báo đột nhập… nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người bởi máy móc chỉ hỗ trợ”.

Đánh giá về sự cố an toàn hàng không trên đe dọa đến an ninh, an toàn hàng không, thầy Hoàng Hải Sơn chỉ ra: “Vấn đề an ninh, an toàn hàng không vô cùng quan trọng, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế hàng ngày có lượng khách trong và ngoài nước đi lại lưu lượng lớn.

Những sự cố trên rất đáng báo động về vấn đề an ninh, an toàn hàng không. Như sự cố gần đây là một thanh niên bị tâm thần trèo tường đột nhập vào sân bay và lên được máy bay là điều khó tin, như thế có lẽ hệ thống an ninh giám sát, con người gần như không hoạt động.

Qua hình ảnh có thể thấy hàng rào bao quanh sân bay Vinh có thể nói là thấp, theo quy định thì hàng rào như vậy chưa đạt yêu cầu”.

Về mặt quản lý hàng không là Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành các quy định rất chặt chẽ về an ninh hàng không rất chặt chẽ. Tuy nhiên, con người thực thi như thế nào có thực hiện nghiêm quy định an ninh, an toàn hàng không hay không.

Đây cũng là lời cảnh báo sân bay Vinh nói riêng và trên toàn quốc nói chung liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng không.

Vũ Phương