EMagazine

Đề xuất Bộ GD có quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc: Nhiều chuyên gia ủng hộ

Đề xuất Bộ GD có quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc: Nhiều chuyên gia ủng hộ

15/03/2024 06:38
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo ĐBQH Trần Văn Thức, nhân sự của ngành giáo dục mà không có quyền tự quyết, mà do ngành khác tham mưu, quyết định, sẽ rất khó đảm bảo chất lượng.

Vừa qua, đề xuất giao cho ngành Giáo dục quyền quyết định nhân sự theo ngành dọc đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều đại biểu và chuyên gia.

Nên tạo điều kiện cho ngành Giáo dục để chủ động về nhân sự

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Theo tôi, nhân sự, đội ngũ ngành Giáo dục thực sự rất đông. Chính vì vậy, chúng ta nên tạo điều kiện cho ngành Giáo dục được trao quyền bổ nhiệm, quản lý theo ngành dọc để chủ động điều động nhân sự từ vùng này sang vùng khác, tạo thuận lợi cho ngành. Bởi, ngành Giáo dục sẽ hiểu rõ nhất về đội ngũ của mình, thứ hai, bản thân các Sở, phòng có thể hiểu rõ về điều kiện trường lớp, trình độ, nhu cầu của địa phương.

Tất nhiên, khi giao quyền về nhân sự, cũng liên quan đến cấp ngân sách, bởi nếu không có ngân sách thì cũng không giải quyết được nhân sự. Vì vậy, phải cho ngành Giáo dục chủ động quản lý cả về ngân sách.

Như vậy, nên tạo điều kiện cho ngành Giáo dục quản lý nhân sự theo hệ thống ngành dọc và phân cấp về tài chính”.

GDVN_Thuyen.png

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, để làm được như vậy, cần sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Giáo dục. “Đầu tiên là sửa những “luật gốc”, sau đó sẽ có những nghị định, thông tư điều chỉnh” - ông nói.

Từng là một giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, ông Đinh Duy Vượt - nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng đồng tình với đề xuất trên.

“Về vấn đề này, tôi cho rằng, rất nên giao cho ngành giáo dục quản lý về nhân sự, giáo viên, lãnh đạo giáo dục tại địa phương... Có như vậy, ngành Giáo dục mới chủ động điều chuyển, bổ sung, cân đối giáo viên một cách kịp thời và hợp lý tại các trường. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Hai vấn đề có thể xem là “cội rễ” của ngành Giáo dục thì ngành đều không “nắm” - đó là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và kinh phí. Do đó, nhiều bất cập như thừa - thiếu giáo viên không được giải quyết kịp thời và hợp lý ở từng trường, từng địa phương.

Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, trọng tâm của trọng tâm thì công tác nhân sự ngành giáo dục cũng như vậy.

Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá, đề xuất, kiến nghị chính thức trình Chính phủ. Tất nhiên muốn được trao quyền này thì cần xem xét sửa đổi Luật Giáo dục và các luật liên quan, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...”.

GDVN_Vuot.png

Quản lý nhân sự theo ngành dọc có thể chủ động giải quyết nhiều bất cập

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: “Tôi ủng hộ tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giáo dục theo ngành dọc, trên 2 phương diện: thứ nhất là nhân sự, thứ hai là tài chính, và đặc biệt phải đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Về chuyên môn, đương nhiên ngành giáo dục chịu trách nhiệm. Song, chuyên môn chỉ là 1 trong 3 yếu tố chính có vai trò chi phối, quyết định đến thành công của một nền giáo dục; bên cạnh quản lý về chuyên môn, vẫn còn 2 yếu tố rất quan trọng gồm: quản lý con người và quản lý tài chính - cơ sở vật chất.

3 yếu tố trên sẽ đi liền với nhau, đó là mối quan hệ hài hòa: Đội ngũ đủ, mạnh, đảm bảo yêu cầu, tâm huyết; cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng và ngày càng được cải thiện; chuyên môn được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên thì tương đương với đó, chất lượng giáo dục cũng sẽ ngày càng được nâng lên; không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục tốt khi đội ngũ thiếu, yếu; cơ sở vật chất không đáp ứng quy chuẩn”.

Đại biểu Trần Văn Thức cũng chỉ ra: “Ngành Giáo dục và Đào tạo là ngành đặc thù, có số lượng đội ngũ nhà giáo và nhân viên chiếm tỉ lệ lớn số viên chức trên cả nước. Trong những năm qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và bất cập về cơ cấu bộ môn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, tôi cho rằng, việc quản lý nhân sự của ngành nên được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành dọc để chủ động nhằm giải quyết những bất cập nêu trên.

Toàn bộ công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tiếp nhận hay bố trí đội ngũ các nhà giáo nên để ngành giáo dục quản lý theo ngành dọc, tức là phân cấp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục được chủ động quyết định về nhân sự.

Nhu cầu về đội ngũ của ngành giáo dục phải được dựa trên cơ sở số học sinh, số lớp, loại trường, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục, sự phù hợp với từng địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục... Do đó, về đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục chắc chắn phải nắm rõ hơn ngành Nội vụ hay các ngành khác; ngành Nội vụ chỉ tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình đó có đảm bảo các quy định của Đảng và Nhà nước hay không”.

GDVN_thuc.png

Vị đại biểu cũng phân tích thêm: “Nếu chúng ta tiếp tục duy trì như hiện nay, nhân sự của ngành Giáo dục mà bản thân ngành không nắm được, lại do ngành khác tham mưu và quyết định sẽ rất khó đảm bảo chất lượng giáo dục. Thực tế trong những năm qua, nhân sự thừa - thiếu bao nhiêu ngành giáo dục không làm chủ được, luôn trong vai phải đề xuất, kiến nghị, không thể chủ động.

Chẳng hạn, trường này đang thiếu chuyên môn gì thì phải nhận về người đó, không thể thiếu giáo viên môn này lại nhận giáo viên môn khác về chỉ để đủ biên chế. Ngành Giáo dục phải nắm được hiện tại đang có bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp học, từ đó tính toán được nhu cầu giáo viên. Nếu bố trí đủ biên chế thì tốt, nếu không, phải cấp ngân sách cho ngành để hợp đồng giáo viên”.

Công tác quản lý tài chính đối với giáo dục cần giao cho ngành Giáo dục

Tương tự, về góc độ tài chính, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với phóng viên, hiện nay tài chính của giáo dục từ khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán đều do ngành Tài chính trực tiếp điều hành; việc xác định, cân đối ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hằng năm của địa phương (tỉnh, huyện) trình cấp có thẩm quyền, ngành Giáo dục chưa có vai trò quyết định như hiện nay cũng là yếu tố bất cập chi phối đến sự thành công của giáo dục.

GDVN_gv.png

“Thực tiễn hiện nay đối với nhiều địa phương, mọi vấn đề tài chính của từng cơ sở giáo dục phải thông qua trực tiếp ngành tài chính (các cơ sở giáo dục thuộc cấp huyện thì trực tiếp với phòng Tài chính cấp huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thì thông qua trực tiếp với Sở Tài chính), dẫn đến việc điều hành giữa công tác chuyên môn với nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục cho các nhà trường không mang tính đồng bộ.

Có thể lấy ví dụ: Về xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, là đơn vị chủ quản, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nắm được tình hình sát thực hơn về nhu cầu thực tế của từng cơ sở giáo dục, kết hợp với lộ trình nâng cao chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn; Công tác tổng hợp, báo cáo, xây dựng kế hoạch trung và dài hạn đối với bức tranh tổng thể của ngành giáo dục;...

Do vậy, công tác quản lý tài chính đối với ngành giáo dục của địa phương cần phải được giao cho ngành giáo dục tương ứng với các cấp quản lý, (Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện tổng hợp, phân bổ, quyết toán đối với các cơ sở giáo dục thuộc cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phân bổ, quyết toán đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc) sẽ đề cao sự minh bạch đồng thời nâng cao tính tự chủ, đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý điều hành đối với ngành giáo dục hướng tới sự thành công và phát triển toàn diện của giáo dục đào tạo” - vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Nhân sự ngành giáo dục tại Campuchia được quyết định, bố trí theo ngành dọc

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từng có bài viết về những đổi thay tích cực của giáo dục Campuchia.

Theo đó, nền giáo dục Campuchia đã làm cuộc cải cách và được đánh giá cao. Cụ thể, đại diện UNESCO nhận xét, giáo dục Campuchia đã có những tiến bộ vượt bậc về trách nhiệm giải trình. “Đất nước Chùa tháp” đã có một số cải cách giáo dục, trong đó có cải cách quản lý tài chính công và thúc đẩy tính minh bạch. [1]

Để tìm hiểu thêm về hoạt động giáo dục tại “đất nước Chùa tháp”, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với thầy giáo Ngin Seoun (sinh năm 1968) giáo viên Trường Trung học cơ sở Neak Leung (huyện Peam Rô, tỉnh Prey Veng, Campuchia). Thầy cho biết: “Nhân sự ngành giáo dục tại Campuchia được quyết định, bố trí theo ngành dọc. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia sẽ bổ nhiệm lãnh đạo Sở ở các tỉnh; cứ thế phân cấp, lãnh đạo phòng ở các huyện sẽ do Sở bổ nhiệm, và các trường sẽ do phòng quyết định”.

GDVN_tahy.png

“Đối với các trường mới thành lập, phòng sẽ tính toán trường đó cần bao nhiêu giáo viên, đề xuất lên Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, Bộ duyệt bao nhiêu chỉ tiêu, sẽ phân cấp về Sở để tổ chức thi tuyển giáo viên, để sắp xếp nhân sự. Còn đối với những trường đã và đang hoạt động, sự thay đổi về nhân sự sẽ được nhà trường trực tiếp tính toán để đề xuất tuyển dụng.

Theo đó, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia sẽ chuyển phần ngân sách chi lương về Sở, phòng, và các cấp này trực tiếp trả lương cho cán bộ, giáo viên trong toàn hệ thống giáo dục ở địa phương” - thầy Ngin Seoun thông tin thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/cai-cach-giao-duc-ngoan-muc-cua-campuchia-bat-dau-tu-thi-that-post182527.gd

Mộc Trà