Muốn cạnh tranh, siêu thị Việt hãy học doanh nhân Bạch Thái Bưởi

02/05/2014 09:50
Hoàng Lực
(GDVN) - “Nếu biết khơi dậy tinh thần người Việt dùng hàng Việt như doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã làm đầu thế kỷ 20 thì doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phát triển...".

Đó là nhận định của chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng – Giám đốc và người đồng sáng lập thương hiệu PizaHome về công thức thành công cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Thời gian gần đây, liên tục siêu thị bị khách hàng phán ánh về việc bán hàng không ghi nguồn gốc, không đề hạn sử dụng. Thực tế đó đang khiến người tiêu dùng Việt không dễ để vượt qua tâm lý lo lắng khi sử dụng sản phẩm bày bán trong siêu thị.

Công thức nào cho siêu thị Việt thành công tại thị trường bán lẻ trong nước đang trật trội?
Công thức nào cho siêu thị Việt thành công tại thị trường bán lẻ trong nước đang trật trội?

Trong khi đó, nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Tùng, Chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng – Giám đốc và người đồng sáng lập thương hiệu PizaHome cho rằng, sắp tới sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới như AEON, Robins v.v... cho thấy thị trường thực sự vẫn còn nhiều tiềm năng. 

Tuy nhiên, bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, quyết định đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế sẽ bao gồm yếu tố: Dân số học, Việt Nam là quốc gia có dân số đông trong số đó lại chủ yếu là dân số trẻ. Người trẻ sẽ có khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, khi đã thay đổi thói quen tiêu dùng, người trẻ sẽ có khả năng gắn bó thời gian tương lai gắn bó với thương hiệu mới nhiều hơn. Đó là lợi thế về mặt dân số của Việt nam. 

Yếu tố thứ hai dư địa phát triển ngành, nhiều người cho rằng ngành bán lẻ tại Việt Nam còn phát triển manh mún ở quy mô nhỏ lẻ, thói quen tiêu dùng còn chưa quen với việc mua sắm trong các chuỗi bán lẻ có thương hiệu. Tuy nhiên, với các thương hiệu quốc tế, đó là tín hiệu của dư địa phát triển ngành còn lớn. 

Ông Hoàng Tùng - CEO Piza Home: "Siêu thị Việt hãy học Doanh nhân Bạc Thái Bưởi"
Ông Hoàng Tùng - CEO Piza Home: "Siêu thị Việt hãy học Doanh nhân Bạc Thái Bưởi"

“Bởi họ không chỉ nhìn vào thị trường nội tại mà họ còn nhìn vào tiềm năng của thị trường trong tương lai. Và trong tương lai, thói quen tiêu dùng của người dân nước ta sẽ thay đổi theo hướng mua sắm tại các chuỗi bán lẻ có thương hiệu hơn là một xu hướng có thể đoán định trước được”, ông Tùng nhận định. 

Nhìn tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam có dư địa phát triển tốt tuy nhiên có cảm giác hệ thống siêu thị nội hiện nay đang trở nên chật chội, kèm theo đó là chất lượng dịch vụ, hàng hóa kém dẫn đến khó cạnh tranh với siêu thị ngoại như BigC, Lotte, Metro. Những thương hiệu nước ngoài với vốn đầu tư lớn, khả năng quản trị bài bản và kinh nghiệm lâu dài trong việc kinh doanh phát triển chuỗi siêu thị là những yếu tố giúp các thương hiệu ngoại ghi điểm với người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo ông Tùng những yếu tố lợi thế đó đều có thể được doanh nghiệp nội san bằng với việc học hỏi liên tục và phát triển liên tục về con người cũng như cơ sở vật chất và nhất là chiến lược phát triển bền vững. 

“Sự cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ nằm ở việc bày hàng rộng hay chật, hàng hóa nhiều hay ít mà nằm ở việc doanh nghiệp tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình. Ngoài ra, nghiên cứu người tiêu dùng đánh giá yếu tố cạnh tranh nào quan trọng nhất. Từ đó, doanh nghiệp mới có chiến lược tốt để đối đầu với các thương hiệu lớn quốc tế. Ta thấy những thương hiệu Việt trong chuỗi bán lẻ như FiviMart, Co.opmart, Trần Anh, Thế Giới Di Động v.v... đều có thế mạnh của mình và đều được người tiêu dùng Việt chấp nhận”, ông Tùng cho biêt thêm. 

Trong kinh doanh siêu thị, cái khó nhất là tìm ra thị trường mà mình có lợi thế cạnh tranh và tập trung phát triển dựa vào lợi thế cạnh tranh đó. 

Những ông lớn về siêu thị trên thế giới hiện nay đều đã từng một thời là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng họ đều biết phát triển với một chiến lược rõ nét và định vị mạnh mẽ hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng. 

Ví dụ: Walmart là “luôn luôn giá rẻ” đã đánh bại ông lớn Sears. Metro là “bán buôn” và vẫn giữ vững thị trường tại châu Âu trước sự tấn công của Walmart. Trong khi đó, Target với thông điệp “rẻ mà chất”, tuy ra đời sau nhưng vẫn phát triển bên cạnh ông lớn Walmart. Một số mô hình khác có thể học hỏi như Stop’n’Shop với chiến lược “không chỉ tập trung vào thực phẩm nhanh, mở rộng mặt hàng để khách hàng dễ lựa chọn.

Song, ngay trên sân nhà siêu thị Việt có những lợi thế mà doanh nghiệp nước ngoài không có. 

Thứ nhất là sự am hiểu tâm lý tập quán tiêu dùng của người dân bản địa. 

Thứ hai nếu biết khơi dậy tinh thần Người Việt dùng hàng Việt như doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã từng làm hồi đầu thế kỷ 20. Lòng tự hào dân tộc và tinh thần cổ vũ đối với doanh nghiệp Việt là điều mà thế hệ trước đã làm được. Khơi dậy được tinh thần đó là khơi dậy được cảm tình của người dân với thương hiệu Việt. 

Thứ ba khả năng phản ứng nhanh. Doanh nghiệp Việt với quy mô nhỏ hơn nên quy trình ra quyết định sẽ nhanh hơn, từ đó sẽ phản ứng tốt hơn với những biến đổi của thị trường so với những doanh nghiệp ngoại có đầu não ở nước ngoài. Biết tận dụng những lợi thế đó, doanh nghiệp Việt có khả năng chiếm ưu thế. Tất nhiên, lợi thế đó chỉ phát huy dựa trên nền tảng là sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu Việt ít nhất phải tương đương so với thương hiệu ngoại.

Bạch Thái Bưởi (1874 – 22 tháng 7, 1932) là một doanh nhân người Việt nổi tiếng. Ông là người có gan làm giàu, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Lúc sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của Bạch Thái Bưởi là hàng hải, khai thác than và in ấn.

Mặc dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng Bạch Thái Bưởi luôn thể hiện tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh doanh.

Hoàng Lực