Theo đó Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.
Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. |
Thực tế theo Quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD.
Điều này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận dù chưa chính thức được cấp phép đầu tư.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Đại biểu Quốc hội đã nêu ra lo lắng về dự án thép Cà Ná đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh.
Cụ thể, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: “Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này.
Hôm nay muốn hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, nhưng nếu được phép tôi hỏi Bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy Bộ trưởng hôm nay có dám thực hiện cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội không?”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Trong khi đó Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi về việc vì sao bổ sung dự án Cà Ná vào quy hoạch thép dù có rất nhiều ý kiến phản đối từ dư luận. Bộ trưởng hãy trả lời thẳng và thật về dự án này, có hay không lợi ích nhóm?
Đại biểu Quốc hội muốn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết trách nhiệm cá nhân |
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm về thép. Đến năm 2020 có thể phải nhập số sản phẩm tương ứng với 15 tỷ USD.
Lý do là sản xuất trong nước chủ yếu đáp ứng về thép xây dựng và thép chuyên ngành, còn thép thô phục vụ cán thép, luyện thép chưa đáng kể.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định: “Không đánh đổi môi trường lấy các dự án công nghiệp, trong đó có dự án thép, đây không phải là lợi ích nhóm".
Trao đổi thêm về dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự án đã có trong quy hoạch giai đoạn 2008-2009, tuy nhiên do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện nên bị đưa ra khỏi quy hoạch.
Đến năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu, Tôn Hoa Sen đề xuất đưa vào quy hoạch, xin chủ trương đầu tư với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ.
Trước đó, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu bày tỏ lo lắng hai vấn đề với dự án thép Cà Ná.
Trong đó GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra vấn đề với quy mô đầu tư lớn, nhưng dự án đi sau các nước sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn. Nếu không sản xuất thép công nghệ cao không thể cạnh tranh với thép Trung Quốc.
Nhìn góc độ tài chính, TS. Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khó thành công.
TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích, hiện nay vốn phục vụ sản xuất đang thiếu. Các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất bởi các ngân hàng dù thanh khoản đã tốt lên nhưng mới chỉ bước đầu có vốn lưu động (cho vay ngắn hạn), còn vốn dài hạn chưa phát triển, tỷ lệ cho vay vốn dài hạn của các ngân hàng rất thấp, đặc biệt các dự án dài hơi cần vốn nhiều và vay dài hạn rất khó.
TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng Bộ Công Thương phải làm rõ tại sao có việc bổ sung dự án thép Cà Nà vào quy hoạch ngành thép - ảnh H. Lực. |
“Nhìn vào năng lực của Tập đoàn Hoa Sen hiện nay, vốn tự có của doanh nghiệp chỉ vài nghìn tỷ đồng nhưng lại đầu tư dự án lên đến hơn 10 tỷ USD như vậy gần như toàn bộ vốn dự án doanh nghiệp phải vay. Nhưng quan trọng ai cho vay? Vay ở kênh nào?”, TS. Cao Sỹ Kiêm đặt vấn đề.
Cũng nói đến dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận, trả lời Báo Nhân Dân Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam Phạm Chí Cường nhận định: Việc Bộ Công thương bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép là quá vội vã và thiếu thận trọng.
Hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng sau này, khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, dự kiến sẽ đạt sản lượng hơn 20 triệu tấn thép.
Bộ Công thương mới đây cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn - Thanh Hóa vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.
Như vậy, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép/năm, trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn.