Ngày 19/1, trên nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn chia sẻ ảnh chụp về nội dung chú dẫn trong tờ lịch ngày 1/1/2014 được cho là của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Theo nội dung được in trên tờ lịch này, thần Kim Quy được gọi với cái tên “sinh vật là Rùa” đã bất ngờ cướp thanh kiếm thần từ tay vua Lê Lợi khi bị nhà vua xua đuổi.
Nguyên văn nội dung sự tích hồ Hoàn Kiếm rút gọn được ghi như sau: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.
Ngay lập tức khi bức ảnh có nội dung về sự tích hồ Hoàn Kiếm được các thành viên mạng lan truyền đã gặp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Nhiều thành viên mạng tỏ ra khá bức xúc trước cách lý giải ngô nghê về sự tích hồ Hoàn Kiếm được cho là trên tờ lịch Tết của ngân hàng SHB.
Hình ảnh về tờ lịch của ngân hàng SHB đang được cộng đồng mạng truyền tay nhau. |
Thành viên Thành Cộng đã thốt lên: “Ôi trời ơi, hy vọng là con mình không đọc được "sự tích" này. Thật không thể tưởng nổi một ngân hàng lớn như SHB lại có thể in ra những dòng sai lệch lịch sử như vậy”.
Trong khi đó, thành viên Quang Anh chỉ ra: “Từ ngữ sử dụng trong sự tích này rất có vấn đề. Những cụm từ như: sinh vật là rùa, rút gươm ra để xua rùa… khiến người đọc có một cảm nhận khác về sự tích hồ Hoàn Kiếm. Nó không còn dáng vẻ linh thiêng, kỳ bí nữa. Không hiểu ban lãnh đạo và nhân viên ngân hàng SHB cảm thấy như thế nào khi đọc được những dòng chữ này?”
“Biết rằng các câu chuyện “sự tích” của Việt Nam có nhiều dị bản, nhưng khi in ấn cần lựa chọn bản nào được công nhận và sử dụng phổ biến mà dùng. Điều này chứng tỏ những người làm công việc in ấn, duyệt nội dung, đến cả phía ngân hàng điều thiếu trách nhiệm và kiến thức trầm trọng”, thành viên Ngọc Hà nói.
Bên cạnh đó, thành viên Lê Quốc Hảo cho rằng: “Lịch này chắc ngân hàng đặt từ một công ty tư nhân nào đó in ấn. Nhưng không thể chấp nhận được kiểu in ấn và xuất bản như thế này. Chẳng nhẽ ban lãnh đạo SHB không duyệt nội dung à? Ngay tờ đầu tiên đã sai thậm tệ như vậy, không biết còn 364 tờ lịch nữa sẽ sai thế nào?”.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, đoạn nội dung về sự tích hồ Hoàn Kiếm được in trong tờ lịch của ngân hàng SHB đã từng xuất hiện và được sử dụng trên nhiều trang mạng. Thậm chí, trên website của một công ty du lịch có tên My Tour (mytour.vn) đã xuất hiện bài viết với nội dung “Du Lịch Hồ Hoàn Kiếm Và Câu Chuyện Lịch Sử”.
Sự tích hồ Hoàn Kiếm sai lệch xuất hiện trên website của công ty du lịch My Tour. |
Đoạn giới thiệu hồ Hoàn Kiếm trên trang 4TRIPS - Cẩm nang du lịch Việt Nam. |
Theo đó, trong đoạn giới thiệu về sự tích hồ Hoàn Kiếm cũng xuất hiện nội dung: “Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.
Hay trên trang web 4TRIPS - Cẩm nang du lịch Việt Nam, địa điểm hồ Hoàn Kiếm được xuất hiện và giới thiệu về sự tích hồ với những dòng chữ giống hệt như đoạn giới thiệu của SHB và My Tour.
Đồng thời, khi tìm kiếm Google với cụm từ: “Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác” xuất hiện 272.000 kết quả trong 0,23 giây. Trong đó, Wikipedia tiếng Việt đã từng xuất hiện cụm từ trên. Tuy nhiên, trang web này mới được chỉnh sửa lần cuối cùng vào lúc 13h04 phút ngày 19/1/2014. Nhưng nội dung trên của Wikipedia tiếng Việt đã được nhiều trang web khác lấy lại và giữ nguyên văn./.
Phạm Liễu