Ngân hàng nhà nước “nhẹ tay” trong hai vấn đề nóng

30/05/2016 09:43
Nguồn: chinhphu.vn
(GDVN) - Đúng như cam kết của Thống đốc Lê Minh Hưng, Thông tư 36 sửa đổi lần này chưa siết ngay vốn tín dụng đổ vào bất động sản mà giãn lộ trình thực hiện.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa có hai động thái chính sách rất đáng chú ý nhằm vừa đạt mục tiêu quản lý, vừa tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Giãn thời gian thực hiện "siết" vốn đầu tư bất động sản

Ngày 27/5, NHNN đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đúng như cam kết của Thống đốc Lê Minh Hưng tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp cuối tháng trước, Thông tư 36 sửa đổi lần này chưa siết ngay vốn tín dụng đổ vào bất động sản mà giãn lộ trình thực hiện.

Dự thảo Thông tư 36 đã trở thành "điểm nóng" trong thời gian qua khi định hướng “siết” tín dụng vào kinh doanh, đầu tư bất động sản. Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%.

Thông tư 36 sửa đổi lần này chưa siết ngay vốn tín dụng đổ vào bất động sản mà giãn lộ trình thực hiện. Ảnh minh họa.
Thông tư 36 sửa đổi lần này chưa siết ngay vốn tín dụng đổ vào bất động sản mà giãn lộ trình thực hiện. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200% và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Trước đó, khi NHNN lần đầu lấy ý kiến để sửa đổi Thông tư 36 với định hướng siết mạnh vốn cho bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc cũng như hiệp hội bất động sản liên tục phản ứng.

Theo quan điểm các doanh nghiệp, việc siết mạnh vốn tín dụng cho bất động sản như dự thảo ban đầu sẽ khiến thị trường vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến không chỉ doanh nghiệp mà cả các ngân hàng.

Ngoài ra, theo Thông tư 06, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Như vậy, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn hai năm, thay vì giảm ngay từ 60% xuống 40% theo như dự thảo trước đây. Theo các chuyên gia, việc sửa đổi này của NHNN có thể giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp nhằm giúp tăng trưởng kinh tế.

Chính thức mở lại cho vay ngoại tệ từ 1/6


Cùng ngày 27/5, NHNN ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.

Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua.

Cụ thể, Thông tư 07 vừa ban hành cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Tuy nhiên, Thông tư cũng đưa ra các điều kiện với các doanh nghiệp được vay vốn.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/6 và thực hiện đến hết ngày 31/12/2016. Đây là lần thứ 5, NHNN gia hạn cho vay ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo NHNN, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Quyết định này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ. Nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng với chính sách này, NHNN đã lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí lãi vay, giảm giá thành hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh.

Trước đó, Hiệp hội Cà phê cacao, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)... đã có công văn gửi NHNN kiến nghị về việc tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa được ban hành, Chính phủ cũng đã yêu cầu phải giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, NHNN được giao nhiệm vụ thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Cũng trong ngày 27/5, Thống đốc Lê Minh Hưng đã ký ban hành chỉ thị về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016. Mục tiêu đặt ra là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Nguồn: chinhphu.vn