Nghịch lý doanh thu lớn, lợi nhuận bết bát tại Vietnam Airlines

16/10/2014 07:17
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Vietnam Airlines chính thức công bố thông tin về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty phục vụ cho IPO vào tháng 11 tới.
Về doanh thu, trong giai đoạn 2008-2013, ngoại trừ năm khủng hoảng 2009, doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng trung bình 19,7%/năm.

Theo Vietnam Airlines, nguyên nhân là do trong năm 2009, nền kinh tế thế giới suy thoái, kéo theo nhu cầu đi lại giảm rõ rệt, đặc biệt là thị trường quốc tế. Thêm vào đó, năm 2009, Vietnam Airlines không còn khoản doanh thu từ phụ thu nhiên liệu nội địa (năm 2008 khoảng 200 tỷ đồng). 

Tổng doanh thu năm 2013 của tổng công ty đạt đạt 68,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD – nhỉnh hơn một chút so với doanh thu của doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán là PV GAS (65,4 nghìn tỷ).

Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines.
Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines.

Con số trên là kết quả hợp nhất của công ty mẹ Vietnam Airlines và các công ty con như Jetstar Pacific Airlines (JPA), Cambodian Angkor Air, Xăng dầu hàng không, Tân Sơn Nhất Cargo, Nội Bài Cargo…

Trái ngược với sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm đi đáng kể trong 3 năm gần đây. 

Lợi nhuận có được chủ yếu từ những nguồn bất thường như hỗ trợ tín dụng mua máy bay, tiền đền bù bảo hiểm và lợi nhuận từ một số công ty thành viên làm ăn tốt như VACS, Nội Bài Cargo, Tân Sơn Nhất Cargo… Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của công ty mẹ luôn bị âm.

Trong giai đoạn 6 năm trước cổ phần hóa, năm 2010 có lợi nhuận cao nhất (đạt 314 tỷ đồng), và năm 2011 lợi nhuận thấp nhất là 36,6 tỷ đồng, nguyên nhân do biến động tỷ giá VND/USD làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tới năm 2013, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt 157 tỷ đồng, tăng 14 so với lợi nhuận năm 2012 (tương đương mức tăng tuyệt đối là 19,5 tỷ đồng).

Sau khi trừ đi phần thuế thu nhập doanh nghiệp (của các doanh nghiệp có lãi) và lợi ích cổ đông thiểu số thì LNST của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) không còn được bao nhiêu, thậm chí là số âm trong năm 2012. Năm 2013 dù tình hình khả quan hơn lãi ròng cũng chỉ vỏn vẹn 43 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết, thời kỳ từ 2008 – 2013 là giai đoạn hết sức khó khăn đối với các ngành hàng không không trên toàn thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp lớn trong khu vực đều gặp khó khăn như Japan Airlines (Nhật) tuyên bố phá sản năm 2010, Malaysia Airlines (Malaysia) lỗ trong 3 năm, Cebu Airlines (Philipines) bị lỗ cả 2 quý cuối năm 2013, Thai Airways (Thái Lan) cũng bị lỗ trong năm 2011 và 2013…

Vì vậy, việc Vietnam Airlines không bị lỗ, cân đối được thu chi và đạt mức lợi nhuận 933 tỷ đồng (công ty mẹ) và 3.233 tỷ đồng (hợp nhất) trong giai đoạn này là một nỗ lực lớn.

Vietnam Airlines cũng lý giải, lợi nhuận không ổn định do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong nước dẫn tới nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh cũng như các biến động bất thường về chi phí giá nhiên  liệu, tỷ giá và  các  yếu  tố đầu khác.

Từ năm 2012, hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines giảm đi đáng kể khi phải tiếp nhận hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) từ SCIC. Hai năm 2012 và 2013, JPA lỗ thêm gần 680 tỷ đồng nâng tổng mức lỗ của giai đoạn 2008-2013 lên đến 2.564 tỷ đồng.

Tại  thời  điểm  31/3/2013, tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo giá trị sổ sách là 57.19410 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản là máy bay lên tới 32.693 tỷ đồng, chiếm 58%.  

Giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 10.576.378.635.374 đồng (mười  nghìn năm trăm bảy mươi sáu tỷ, ba trăm bảy mươi tám triệu, sáu trăm ba mươi lăm nghìn, ba trăm bảy mươi tư đồng), tương đương 507,79 triệu USD (năm trăm lẻ bảy triệu, bảy trăm chín mươi nghìn đô la Mỹ).  

Tổng dư nợ các hợp đồng vay và thuê tài chính của Vietnam Airlines tính đến 31/12/2013 là 37.820 tỷ đồng (trong đó, vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả là 6.631 tỷ đồng).
Vay nợ dài hạn của Vietnam Airlines chủ yếu là để tài trợ cho các dự án đầu tư mua máy bay, chiếm tới 99% các khoản vay dài hạn (tính cả các khoản vay trung hạn để thực hiện đặt cọc, trả trước tiền mua máy bay), còn lại là các khoản vay để tài trợ cho các dự án đầu tư tài sản mặt đất và đào tạo chuyển giao công nghệ gắn trực tiếp với hoạt động khai thác bay (như nhà xưởng sửa chữa máy bay, máy móc thiết bị chuyên dùng, đào tạo phi công).
Phần lớn các khoản vay mua tàu bay của Vietnam Airlines là vay nợ nước ngoài dưới hình thức hợp đồng tín dụng xuất khẩu ECA được Chính phủ bảo lãnh. Danh sách những ngân hàng tài trợ vốn cho Vietnam Airlines bao gồm nhiều ngân hàng nước ngoài có tiếng như: Citibank, Credia Agricole, JP Morgan Chase, HSBC; các ngân hàng trong nước thì có Vietcombank, Eximbank, Techcombank, VietinBank...

Trước những con số về kết quả kinh doanh trên của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Vietnam Airlines hoạt động chưa tương xứng với vị trí của mình. Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất của ngành hàng không, có những đường bay độc quyền giá vé cao, luôn nhận được nhiều ưu đãi hơn các hãng hàng không khác về đường bay, giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý… Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt được lại quá thấp, thậm chí lợi nhuận không bằng một công ty tư nhân nhỏ tại một tỉnh lẻ.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là câu chuyện xoay quanh việc trình độ quản trị doanh nghiệp nhất là quản trị tài chính chưa cao thể hiện rõ ở chất lượng dịch vụ, tỷ lệ chuyến chậm... bộ máy quá cồng kềnh với những công ty con hoạt động cực kỳ yếu kém.
NGUYỄN QUÂN