'Người tiêu dùng nước mình dễ tin lời quảng cáo đường mật'

17/02/2013 07:56
Hoàng Lực
(GDVN) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thừa nhận: Thời gian qua tình trạng hàng giả, hàng nhái ra tăng đang làm mất lòng tin của NTD khiến cho nỗ lực kích cầu tiêu dùng gặp khó.
Liên quan đến chủ đề kích cầu tiêu dùng trong nước, trong cuộc trò chuyện đầu năm mới 2013 với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng trước hết phải nâng cao chất lượng hàng hóa từ các hệ thống bán lẻ trong nước, từ siêu thị ra đến chợ... Thời gian qua tình trạng hàng giả, hàng nhái gia tăng đang làm mất lòng tin của NTD khiến cho nỗ lực kích cầu tiêu dùng gặp khó. 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
- Kinh tế Việt Nam 2012 khó khăn ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực như BĐS, ngân hàng, thị trường bán lẻ… nhưng bên cạnh đó vấn đề chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo cũng khiến NTD quay lưng dẫn đến khó kích cầu tiêu dùng, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Để góp phần vào việc hỗ trợ sản xuất trong nước vượt qua khó khăn do tác
"Nhân dịp năm mới 2013, tôi xin được gửi tới độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam năm mới hạnh phúc, thành công và Tết vui tươi, an toàn đến với mọi nhà; chúc quý báo luôn được bạn đọc tin, yêu".
động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương đã vận động người tiêu dùng tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chủ trương của Bộ Chính trị. Nhiều doanh nghiệp đã coi việc thực hiện Cuộc vận động là cơ hội vàng để chiếm lĩnh thị trường bằng việc sản xuất, cung ứng ra thị trường những sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Nhưng rất đáng tiếc, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay khiến người tiêu dùng quay lưng; rõ ràng ảnh hưởng đến vấn đề kích cầu trong khi hàng sản xuất ra tồn kho cao. - Năm qua lại liên tục xảy ra những vụ việc liên quan đến vấn đề  thực phẩm bẩn như “Giá đỗ mập… nhờ hóa chất”, “Thịt lợn chứa chất tạo nạc và thuốc an thần”, “Măng tẩy hóa chất lưu huỳnh”… Theo ông tại sao chúng ta liên tục kiểm tra, xử phạt mà thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên có mặt ở thị trường?
Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Q.6 (TP.HCM) bắt quả tang vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên địa bàn quận (Ảnh: Thanh Niên)
 Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Q.6 (TP.HCM) bắt quả tang vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên địa bàn quận  (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: 
Cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời chính xác về câu hỏi này. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, có 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất, công tác kiểm tra, kiểm soát (bao gồm kiểm tra từ biên giới, cửa khẩu và trên thị trường) tuy đã phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ việc nhưng chưa triệt để và chưa đáp ứng tình hình. Thứ hai, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Nguyên nhân tiếp theo là do lợi nhuận cao, trong khi ý thức chấp hành pháp luật, tránh nhiệm đối với người tiêu dùng và lương tâm nghề nghiệp của những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh này kém. Và cuối cùng nguyên nhân đến từ chính người tiêu dùng, họ mua hàng nhưng không tìm hiểu thông tin (đối với những trường hợp đã có cảnh báo) hoặc không thể nhận biết, vẫn vô tư mua, sử dụng, là mảnh đất để hàng nhái, hàng giả tồn tại. - Là cơ quan chuyên trách được giao nhiệm vụ lớn trong vấn đề giải quyết khiếu nại bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhìn lại năm 2012 hoạt động của Vinastas đạt được những kết quả gì thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: 
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tư vấn giải quyết khiếu nại là một trong những nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong năm 2012, các Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại trong toàn quốc giải quyết 961 vụ, trong đó, tỷ lệ thành công là 83,4%.
- Từng phát biểu cái khó để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho Vinastas là vấn đề kinh phí vậy thưa ông hiện nay vấn đề này đã được khắc phục chưa?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: 
Năm 2012, có 17 hội địa phương được tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách để hoạt động, trong đó có 7 hội được đưa vào danh sách hội đặc thù. Còn lại vẫn như cũ nên hoạt động cũng còn nhiều khó khăn.
- Luật Bảo vệ NTD đã có nhưng nhìn thực tế thì luật vẫn chưa thực sự đi vào đời sống thường nhật vậy theo ông lý do chính nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: 
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới thực hiện được hơn một năm rưỡi. Cũng như nhiều luật khác, để đi vào cuộc sống chắc chắn còn phải nỗ lực nhiều và cũng cần có thời gian. Tuy nhiên, một văn bản luật có liên quan đến quyền lợi chính đáng của gần 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam và nhiều người nước ngoài đang sinh sống, làm ăn hợp pháp tại Việt Nam, họ cũng cần được bảo vệ quyền lợi theo pháp luật của Việt Nam chứ, thì luật đi vào cuộc sống sớm chừng nào tốt chừng ấy.
Nhưng kết quả sau hơn một năm thực hiện như chúng ta thấy vẫn chưa được như mong đợi của người tiêu dùng. Chỉ nhìn vào việc tổ chức xã hội đã được Luật quy định rõ ràng về trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Nhưng đến nay trách nhiệm thì có nhưng sự hỗ trợ thì trừ 14 tỉnh, còn lại thì chưa. Điều đó cho thấy từ chính sách đến cuộc sống còn gian nan lắm. 
- Một vấn đề nảy sinh năm 2012 là các sự cố tiêu dùng từ mua bán trực tuyến, thương mại điện tử như vụ việc Nhóm mua, Mua chung, Mua bán 24…Khi xảy ra sự cố, NTD mới thực sự không biết kêu ai, theo ông để bảo vệ NTD qua kinh doanh thương mại điện tử chúng ta cần làm gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: 
Đề tài này chúng ta đã đề cập nhiều, hội chúng tôi cũng lên tiếng nhiều, nhưng thiệt hại của người tiêu dùng vẫn xảy ra. Vấn đề ở đây là hành lang pháp lý thế nào, việc quản lý loại hình kinh doanh này trong điều kiện cụ thể ở nước ta ra sao.

Thực ra nó cũng chỉ là một loại hình kinh doanh, nhưng thông qua các phương tiện điện tử mà nhiều người tiêu dùng ở nước ta chưa quen, nhưng lại có thói quen dễ tin vào những quảng cáo “đường mật”, nhất là lại qua những phương tiện truyền thông nhà nước. Vì vậy theo suy nghĩ của tôi, hành lang pháp lý phải chặt chẽ, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, thông tin cảnh báo phải kịp thời, người mua phải tỉnh táo.

- Để tự bảo vệ mình theo ông NTD cần làm gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Qua những vụ tư vấn giải quyết khiếu nại chúng tôi thấy nhiều người tiêu dùng rất cả tin vào những thông tin quảng cáo không trung thực nên đã phải gánh chịu hậu quả, nhiều khi rất nặng nề.

Để tự bảo vệ mình, theo tôi, trước khi quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ gì thì cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan, đặc biệt là những thông tin đánh vào tâm lý của con người, nếu thiếu tỉnh táo thì ai cũng dễ mắc phải. Khi mua hàng phải có hóa đơn, giấy bảo hành (đối với loại có bảo hành), đọc kỹ để tránh đã bị gài bẫy hoặc địa chỉ, điện thoại không có thực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực