Ôtô và ATM... Thời của phí

19/04/2012 09:45
Tâm Thời/VEF.VN
Từ đầu năm nay, chuyện phí ô tô ken đầy các mặt báo; một tuần trở lại đây chuyện phí chung cư, phí máy ATM lại rộ lên.
Thực tế, vấn đề thu phí ATM ngoại hay nội mạng không phải là chuyện gì quá mới mẻ tại Việt Nam. Trong vài năm qua, hầu như năm nào cũng có ít nhất 1, 2 dịp lại rộ lên chuyện này. Nhưng tại sao lần này lại "nóng" như vậy?.

Lý giải xem ra có lý nhất là nó xuất hiện trong bối cảnh mà người ta gọi là "thời của phí" khi một loạt các loại phí đang và sắp sửa được áp dụng đang đe dọa một cách nghiêm trọng đến túi tiền của người tiêu dùng, nên nay có thể lại phải cõng thêm một loại phí mới họ nổi sung lên cũng là điều dễ hiểu.

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)


Trên  thực tế, trên thị trường đã xuất hiện những thông tin là từ đầu tháng 4/2012 đã có một số NHTM âm thầm thu phí thông qua các giao dịch nội mạng như rút khoản chuyển tiền. Tuy nhiên, khi được báo giới chất vấn trực tiếp điều này các nhà băng đều không công nhận. Cuối tuần trước, khi được hỏi về phí, lãnh đạo Ngân hàng BIDV -đơn vị có hệ thống mạng lưới ATM mạnh thì cũng nhận được câu trả lời tương tự là chưa áp dụng thu phí nội mạng trong hệ thống ATM của họ. Đặc biệt, Hiệp hội thẻ Việt Nam cũng khẳng định: các ngân hàng chưa tính đến việc thu phí nội mạng thẻ ATM...

Tuy nhiên, do thời gian qua trên thị trường ngân hàng xuất hiện quá nhiều lời 'khẳng định" ví như: trước tin đồn nhà băng này thâu tóm nhà băng kia, bao giờ cũng có người đăng đàn khẳng định không có chuyện như vậy. Nhưng cuối cùng thì chuyện sáp nhập vẫn diễn ra.

Chính vì vậy, với nhiều người đa nghi thì lời khẳng định Hiệp hội thẻ ở đây cũng chỉ mang giá trị tương đối như vậy (!?). Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia kinh tế thiên về nhận định: có thể đây cũng là một phép thử dư luận, dạng trưng cầu ý kiến của các NHTM về vấn đề thu phí, nếu dư luận không nổi sóng thì họ làm luôn.

Cần khẳng định với một số người thì việc thu phí ATM cũng là chuyện "bình thường như cân đường hộp sữa", bởi lẽ ngoài một vài trục trặc như đã phản ánh thì nhìn chung ATM là một dịch vụ rất thuận lợi khi khách hàng có thể giao dịch 24/24 giờ, điều mà dùng tiền mặt tích trữ hoặc vào quầy ngân hàng để giao dịch không thể thực hiện dược.

Về chủ trương thu phí thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải thu phí, xung quanh chúng ta chẳng có gì không có phí cả, kể cả dịch vụ công, mà dịch vụ công là được đầu tư từ ngân sách đóng thuế, như: viện phí, cầu đường, gửi xe...đều có phí và có tăng phí cả. Việc thu phí như dịch vụ ATM là dựa vào thỏa thuận dân sự giữa khách hàng và từng ngân hàng, vì vậy nếu không hợp lý khách hàng có quyền từ chối dịch vụ chứ không có ai ép được nhất là trong điều kiện các dịch vụ ngân hàng đang cạnh tranh.

Chi phí giao dịch một lần chỉ vài ba ngàn đồng cả VAT không phải là lớn, từng đó tiền chỉ đủ 1 lần gửi xe và 1 cốc trà đá thôi nhưng đổi lại dịch vụ phần lớn được đáp ứng 24/24 giờ, rất tiện lợi...

Tuy nhiên, những ý kiến này dường như khá lạc lõng giữa một rừng ý kiến phản đối, thậm chí thẳng thừng của người tiêu dùng: Nếu thu phí sẽ không dùng thẻ ATM nữa. Khổ nhất là mấy anh sinh viên, đang phải sống vì sữa gia đình rót cho. Mỗi tháng gia đình gửi cho tôi khoảng hơn triệu đồng tiền học phí, ăn uống... qua thẻ ATM. Chính vì vậy, mỗi lần rút tiền tôi phải tìm đến đúng cây ATM mà mình mở tài khoản để khỏi bị mất phí dịch vụ. Mỗi lần rút tiền tôi cũng không dám rút nhiều, chỉ một hai trăm nghìn đồng, mà mất khoản phí tới 3.300 đồng thì xót quá. Phải bỏ ATM thôi"!

Nhiều người cũng không đồng ý với lý do mà các nhà băng hay đưa ra là thu phí để bào trì ATM. Người ta tính được rằng: ngay từ khi phát hành thẻ ATM, các ngân hàng đã thu khá nhiều khoản phí. Những khoản thu này cơ bản bù đắp đủ những chi phí mà họ bỏ ra để đầu tư vào hệ thống ATM. Chẳng hạn phí phát hành thẻ lần đầu ở ngân hàng nào thấp nhất cũng 50.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng, phí quản lý tài khoản thẻ từ 39.600-132.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000-66.000 đồng, phí cấp lại số pin từ 10.000-33.000 đồng...

Ngoài ra, các ngân hàng còn được hưởng lợi từ việc khách hàng rút tiền khác hệ thống, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê...Trong khi đó, tại sao ngân hàng không tính khoản tiền tận dụng được khi buộc chủ thẻ phải để lại tiền tối thiểu trong tài khoản cá nhân. Thử tính mỗi tài khoản nếu có từ 50.000-100.000 đồng, tổng số tiền trong thẻ ATM cho toàn bộ khách hàng cá nhân của một ngân hàng có chừng vài trăm ngàn người sử dụng thẻ thì số tiền đã là hàng tỉ đồng.

Như thế, có vẻ như ATM đang sắp sửa phải đi đúng lộ trình của chiếc ô tô "phí chồng lên phí", quả là một lộ trình chẳng ai mong muốn...

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Tâm Thời/VEF.VN