Tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16/5, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất sớm điều chỉnh thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng dần, trong đó ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt theo ông Ruệ thuế tăng – người dân nộp thuế là trách nhiệm của công dân với đất nước.
“Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế.
Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”, ông Ruệ nói.
Quan điểm cho rằng đóng thuế phí cao là trách nhiệm của người dân với đất nước của ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) khiến dư luận bất ngờ - ảnh nguồn: TTXVN |
Như vậy theo cách nói của ông Ruệ, chỉ có vui vẻ đóng thuế (dù cao bao nhiêu cũng được), mới là thể hiện trách nhiệm với đất nước?
Trước quan điểm này của chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Tôi tham dự hội thảo và nghe phát biểu của anh Ruệ, đây là quan điểm cá nhân mình không bàn đúng hay sai, nhưng chắc chắn anh Ruệ cũng chưa đánh giá được khung tăng và tác động của việc tăng thuế”.
Ông Thỏa phân tích, khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm thì những sắc thuế áp dụng cũng cần xem xét có nên tăng hay không, tăng ở mức nào cho hợp lý?
Theo ông Thỏa ngay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ tháng 1/2017, trần khung thuế bảo vệ môi trường với xăng được đề xuất tăng gấp đôi, từ 4.000 đồng một lít lên 8.000 đồng.
Không chỉ xăng, nhiên liệu bay cũng được đề xuất tăng mức trần lên 6.000 đồng còn dầu diesel, dầu madút, dầu nhờn kịch khung là 4.000 đồng mỗi lít.
“Tuy nhiên khi đưa ra khung thuế như trên chúng ta lại thiếu những đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra cũng như chi phí cần để làm sạch môi trường do tác động của xăng dầu.
Phải làm rõ vấn đề này mới có căn cứ đưa ra số thuế cần thu để bảo vệ môi trường”, ông Thỏa phân tích.
Theo ông Thỏa chính những vấn đề này chưa được sáng tỏ dẫn đến khó thuyết phục người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - nguồn ANTV. |
Mặt khác, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng cho rằng, cần minh bạch việc chi thuế bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.
Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm.
Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.
Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.
Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng.
Từ đó người dân cho rằng thu nhiều, chi ít thì tại sao lại tăng thu?
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân |
“Vấn đề thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện nay phải công khai, minh bạch, để người dân biết mức thu - chi đúng vào xử lý môi trường do xăng dầu gây ra.
Chỉ có minh bạch thì người dân mới sẵn sàng thực thi chính sách Chính phủ đưa ra”, ông Thỏa nói.
Nêu quan điểm về mục đích sử dụng thuế bảo vệ mội môi trường với xăng dầu, ông Thỏa cho biết, đã nói thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu thì chỉ ưu tiên mục đích khắc phục, xử lý tác động môi trường do xăng dầu gây ra.
Phải nuôi nguồn thu
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) nguyên nhân của việc tăng sắc thuế nội địa với xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường do thuế nhập khẩu giảm khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại.
“Chúng ta đang tăng thu thuế nội trong nước để bù vào khoản thuế nhập khẩu giảm nhằm bù vào ngân sách.
Mục đích chỉ có thể nhưng do cách giải thích, cách nói mù mờ cùng cơ chế thiếu minh bạch dẫn đến người dân bức xúc”, Thạc sĩ Chiến cho biết.
Thạc sĩ Chiến cho rằng, thu thuế bảo vệ môi trường là đúng bởi tiêu thụ, sử dụng xăng dầu tạo ra khí thải ảnh hưởng môi trường.
“Tuy nhiên thu mức thuế bao nhiêu cho hợp lý để người dân chấp nhận được chứ không phải là cách nói như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mọi thứ phải sòng phẳng và minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường ”, ông Chiến nhấn mạnh.
Sòng phẳng và minh bạch theo Thạc sĩ Chiến phải thể hiện ở hai việc:
Thứ nhất, khi thuế nhập khẩu giảm theo nguyên tắc thị trường giá xăng phải giảm, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì phải đưa ra cơ sở tính toán khung thuế;
Thứ hai, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có đúng mục đích thu?
Ông Chiến khẳng định: “Người dân và doanh nghiệp là nguồn thu của ngân sách qua những sắc thuế, phí đóng vào ngân sách.
Việc tăng thu là cần thiết nhưng không phải tận thu phải nuôi nguồn thu”.
Theo ông Chiến muốn giảm áp lực tìm nguồn thu ngân sách trước hết phải giảm chi, đặc biệt chi thường xuyên cho bộ máy.
Tại sao mức thiếu hụt của ngân sách so với chi thường xuyên và trả nợ ngày càng trở nên nghiêm trọng?
Nguyên nhân chính của tình trạng ngân sách hụt hơi là do chi thường xuyên tăng với tốc độ chóng mặt.
Chi thường xuyên danh nghĩa tăng với tốc độ chóng mặt, trung bình lên tới 19,6% trong giai đoạn 2003-2015.
Với tốc độ tăng nhanh như thế này, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) đã tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên đến 80% theo ước tính lần đầu của ngân sách 2015.
Với mức chi như trên ông Chiến cho rằng dù tăng thu bao nhiêu cũng không đủ cần giảm chi thường xuyên đồng thời cơ cấu lại bộ máy gọn nhẹ tăng hiệu quả công việc và điều hành.
Bên cạnh đó theo ông Chiến, ở tầm vĩ mô Chính phủ cần xem xét việc tham gia các hiệp định tự do thương mại bởi khi hội nhập chúng ta phải cắt giảm thuế điều này ảnh hưởng thu ngân sách trong khi chưa có nguồn thay thế.