Thuế, phí và “trách nhiệm với đất nước”

19/05/2017 06:29
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Trách nhiệm của công dân với nhà nước còn cao cả hơn vạn lần chuyện đóng thêm mấy nghìn đồng tiền thuế, có thể là hy sinh cả tính mạng...

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Trương Khắc Trà, người có nhiều bài viết bình luận về các sự kiện thời sự xã hội trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả đề cập đến vấn đề lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đang khiến dư luận xôn xao.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện trách nhiệm với đất nước bỗng chốc được bàn tán nhiều sau phát biểu của một vị lãnh đạo Hiệp hội dầu khí về lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu: 

Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế.

Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.

Có người suy ngược lại, cắc cớ kiểu như: Nếu phản đối việc tăng phí môi trường có bị coi là không có trách nhiệm với đất nước?

Lập luận của lãnh đạo Hiệp hội dầu khí quả là đứng trên muôn người, nó bó buộc người khác vào một điều xưa nay được coi là thiêng liêng cao cả - lòng yêu nước. 

Đề xuất của Hiệp hội dầu khí về lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Tienphong.vn)
Đề xuất của Hiệp hội dầu khí về lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Tienphong.vn)

Tin rằng, không một người dân nào không yêu thương quê hương đất nước, không yêu thương gia đình, làng xóm của mình.

Nhưng, không có kiểu suy luận rằng, nếu như phản biện, đóng góp các chủ trương, chính sách đều bị quy không yêu nước.

Dĩ nhiên, phát biểu ấy không có vế thứ hai nhưng nó có sợi dây thòng lọng để buộc người ta khó cất lên tiếng nói.

Mỗi công dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S này hàng ngày hàng giờ đã thực hiện trách nhiệm với đất nước, điều đó có thể làm ngay ở những hoạt động tối thiểu: hít thở không khí, ăn uống, đi lại…

Trách nhiệm của công dân với nhà nước còn cao cả hơn vạn lần chuyện đóng thêm mấy nghìn đồng tiền thuế, có thể là hy sinh cả tính mạng, bỏ lại một phần thân thể nơi rừng thiêng biển thẳm… 

Thuế, phí và “trách nhiệm với đất nước” ảnh 2

Giá xăng ở Việt Nam vẫn thấp nên phải tăng thuế bảo vệ môi trường?

Thật sự mà nói, nếu giá xăng tăng thì người dân vẫn phải sử dụng như thường, vì xe máy và động cơ đốt trong đang là phương tiện duy nhất của hàng chục triệu người. Không có xe máy chẳng khác nào... chặt chân!

Nhà nước hoạt động bằng gì? Dĩ nhiên là từ tiền thuế của nhân dân. Ở ta cũng vậy mà tây cũng thế.

Tử hỏi nếu nhân dân không có trách nhiệm với Tổ quốc thì liệu đất nước có được như ngày hôm nay?

Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân với đất nước, điều này chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng phải để người dân biết được đồng tiền của mình được dùng vào việc gì, ý nghĩa ra sao, rồi qua đó họ sẽ đóng thuế với tinh thần tự nguyện; thậm chí còn nỗ lực để có thể đóng thuế nhiều hơn.

Vậy thì người dân có quyền tham gia thảo luận về việc tăng thuế hay không tăng thuế?

Thời phong kiến, mỗi khi đổi ngôi vua, chính sách đầu tiên để “khoan thư sức dân” là giảm hoặc bãi miễn một số loại sưu thuế. Cách làm này được áp dụng khá phổ biến trong lịch sử, chứng tỏ sưu thuế không phải chuyện đùa.

Ngày nay, ở những quốc gia phát triển mức độ đóng thuế là thước đo của chất lượng sống. Một đất nước mà ở đó người dân “nhẹ gánh” các khoản đóng góp dĩ nhiên là văn minh tiến bộ hơn những nơi thuế phí bủa vây.

Thiết nghĩ, cũng không nên cho rằng, vì giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn nước ngoài nên phải tăng cho bằng. Vì rằng nếu lý sự cùn kiểu ấy thì sao không so sánh với các nước có giá xăng dầu thấp hơn mà giảm cho dân được nhờ?

Đó là chưa kể, Việt Nam thuộc vào những nước có nguồn dầu khí phong phú, đáng ra giá xăng dầu phải rẻ hơn nhiều nước khác mới đúng.

Mấy chục năm qua chúng ta chủ yếu hút lên bán thô, lợi nhuận phải san sẻ cho các đối tác nước ngoài. Vậy, trách nhiệm với nhân dân ở mức nào?

Câu chuyện xăng dầu tăng giá vốn xưa như trái đất, xăng dầu tăng giá mọi thứ đều đeo bám tăng theo, thậm chí đi xe ôm cũng nghe câu: “Cho xin thêm chút ít vì xăng mới tăng hôm qua…”. 

Vậy nhưng khi xăng dầu giảm chẳng thấy nơi nào bớt lại cho khách hàng chút ít, chứng tỏ khả năng điều tiết vĩ mô có vấn đề.

Thuế, phí và “trách nhiệm với đất nước” ảnh 3

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lý giải của Bộ Tài chính về việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chưa đứng về quyền lợi người dân.

Với xăng dầu, bốn, năm lần giảm không bằng một lần tăng, tăng bậc “nghìn” nhưng chỉ giảm bậc “trăm”.

Không biết lần này đề xuất tăng 8.000 đồng/1 lít xăng đã có tính toán gì hay chưa?

Liệu sử dụng một lít xăng có phải mất đến 8.000 đồng để xử lý các vấn đề môi trường mà nó được coi là nguyên nhân!? 

Thực tế, chuyện ô nhiễm môi trường do xăng dầu chưa là gì so với các nhà máy công nghiệp, nên nỗi lo lớn lao cho môi trường ở đây há chăng đặt nhầm chỗ?

Để huy động sức dân, cần có cách làm “đắc nhân tâm” chứ không chỉ nhằm vào thuế, đó là câu chuyện của niềm tin, làm sao cho dân tin vào nhà nước, khi ấy mọi chuyện chẳng khó khăn.

Thời gian gần đây Thành phố Hồ Chí Minh bỗng nhiên “sốt đất” một cách bất thường, người ta ồ ạt đổ về đây mua – bán náo loạn. Hiện tượng này có thể rút ra mấy điều cho các nhà hoạch định chính sách.

Cơn “sốt đất” này cho thấy trong dân còn ẩn chứa nhiều tiềm lực tài chính không biết đầu tư vào đâu và nó cũng gián tiếp cho thấy những kênh đầu tư do nhà nước nắm đầu mối không thực sự an toàn. 

Cả tài chính, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và huy động tiết kiệm ngân hàng không mang lại độ an toàn cần thiết để người dân an tâm giao phó tài sản của mình.

Vậy nên, điều cần tính toán ở đây là nhà nước cần “thiết kế” các chương trình đầu tư, huy động thật sự an toàn, đặc biệt là đừng để người dân thấy không an toàn vì có bóng dáng của “lợi ích nhóm”.

Có các kênh đầu tư đảm bảo an toàn sẽ là mối lợi nhiều mặt cho nhà nước, đỡ phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao, phải đánh đổi các điều kiện về kinh doanh, thương mại, tài nguyên thiên nhiên và hơn hết là áp lực trả lãi, gốc hàng năm.

Về bản chất, việc tăng giá xăng dầu và huy động nguồn lực trong dân chỉ là hai cách làm cho một mục đích.

Thay vì “cố đấm ăn xôi” – tăng giá xăng dầu làm ồn ào dư luận thì tại sao không nên tìm cách khác để huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân?

Giữa “quy trách nhiệm” và “phát huy trách nhiệm” cách làm nào hay hơn? 

Tài liệu tham khảo:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/hiep-hoi-xang-dau-nguoi-dan-co-trach-nhiem-dong-them-thue-moi-truong-3585573.html

http://nld.com.vn/kinh-te/sep-hiep-hoi-xang-dau-ung-ho-tang-thue-moi-truong-8000-dong-lit-20170516110242466.htm

Trương Khắc Trà