Phải xử thật nặng những kẻ phung phí tiền thuế của dân

22/01/2017 07:41
Mai Anh
(GDVN) - TS.Cao Sỹ Kiêm: "Dứt khoát phải xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân làm thiệt hại ngân sách nhà nước".

Căn cứ nào để ra khung thuế bảo vệ môi trường? 

Trả lời báo chí ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.

Nói cách khác động thái đưa ra khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính nhằm bù đắp ngân sách do thuế nhập khẩu sẽ giảm theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào theo đang thiếu những đánh giá khách quan - ảnh minh họa/ nguồn Vietnamnet.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào theo đang thiếu những đánh giá khách quan - ảnh minh họa/ nguồn Vietnamnet.

Như vậy, rõ ràng Bộ Tài chính nói thuế bảo vệ môi trường nhưng không chỉ dùng cho khắc phục môi trường mà dùng cho chi tiêu ngân sách chung. Theo các chuyên gia đây là điều bất hợp lý bởi lý do thu và mục đích sử dụng không giống nhau.

Theo TS. Nguyễn Khắc Kinh - Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nhiều nước trên thế giới thường không gọi là thuế bảo vệ môi trường mà gọi là phí bảo vệ môi trường.

“Ở đây có hai vấn đề, thứ nhất nếu là thuế bảo vệ môi trường thì nguyên tắc thu thuế đưa vào ngân sách chung để sử dụng chung. Còn nếu là phí bảo vệ môi trường thì giống như phí dịch vụ, do đó chỉ được sử dụng vào môi trường. 

Chính vì điều này nên người ta đặt ra vấn đề thu thuế bảo vệ môi trường chứ không phải là phí, vì đã là thuế khi thu về sẽ hòa vào ngân sách thì sử dụng thế nào, phân bổ ra sao theo quy định luật ngân sách”, TS. Kinh cho biết.

TS. Nguyễn Khắc Kinh cho biết khi nói thuế bảo vệ môi trường tức là sau khi thu sẽ đưa về ngân sách và sử dụng thế nào là do quy định của luật ngân sách - ảnh H.Chiên
TS. Nguyễn Khắc Kinh cho biết khi nói thuế bảo vệ môi trường tức là sau khi thu sẽ đưa về ngân sách và sử dụng thế nào là do quy định của luật ngân sách - ảnh H.Chiên

TS. Kinh nhấn mạnh, nếu là phí bảo vệ môi trường thì cũng như phí bảo trì đường bộ, phí BOT tức là phải dùng tiền thu được để sử dụng cho môi trường và người dân phải nhìn thấy thay đổi do việc sử dụng phí đã đóng góp từ đó mới đồng ý đóng phí.

Cũng theo TS. Kinh, hiện môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên chưa có đánh giá cụ thể nào về việc ô nhiễm do tiêu thụ xăng dầu gây ra.

Đây chính là điều không rõ ràng trong việc đưa ra khung mức thuế bảo vệ môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường ở khung nào hợp lý, mức khung đó được tính toán ra sao, dựa vào yếu tố nào vẫn là điều chưa rõ ràng.

Phải xử thật nặng những kẻ phung phí tiền thuế của dân ảnh 3

"Bộ máy phình ra cộng với đầu tư thua lỗ thì tăng thuế bao nhiêu cho đủ"

Phải xử thật nặng những kẻ phung phí tiền thuế của dân ảnh 4

Bà Bùi Thị An: "Cần minh bạch để không lãng phí mồ hôi, công sức của dân"

Tính toán thế nào giữa lợi và hại?

Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế - TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thu thuế phải hướng tới ý nghĩa khuyến khích sản xuất tiêu dùng, điều tiết ngành sản xuất kinh doanh và đảm bảo thu ngân sách. 

“Thuế nhập khẩu giảm do hội nhập sâu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Vấn đề đặt ra tìm nguồn thu để cân đối ngân sách, nguồn thu phải có ngay, vì thế việc lựa chọn tăng thuế bảo vệ môi trường được xem là hợp lý bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày”, TS.Kiêm cho biết.

Cũng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thu thuế môi trường là hợp lý vì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhức nhối. 

Tuy nhiên, khi thuế môi trường tăng lên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong bối cảnh như vậy Bộ Tài chính phải cân đối giữa cái lợi khi tăng thuế bảo vệ môi trường và cái hại gây ra.

TS. Kiêm cho rằng, thu thuế bảo vệ môi trường không nhất thiết chỉ dùng để chi cho môi trường khi ngân sách đang hụt thu, nhưng nếu chi cho mục đích khác phải rõ ràng minh bạch để người dân được biết.

Phải quy trách nhiệm về quản lý thu chi nguồn tăng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng, xem thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, chi hợp lý không và xử lý người đứng đầu, qua đó đảm bảo minh bạch.

Đối với việc chi tiêu ngân sách nói chung cũng phải siết chặt như hướng Chính phủ đang nỗ lực thời gian qua. Dứt khoát phải xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân làm thiệt hại ngân sách nhà nước, vì suy cho cùng đó cũng là tiền được đóng góp từ sức lao động của nhân dân.

Mặt khác, trong bối cảnh ngân sách kho khăn do nguồn thu thuế nhập khẩu giảm, TS. Kiêm cho biết cần có các biện pháp tiết giảm chi ngân sách.

Cụ thể, phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, xiết chặt đầu tư công từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, tránh việc tiền thuế của dân đổ vào hàng loạt dự án nghìn tỷ thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương như vừa qua.

Mai Anh