Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng đang xem xét một chủ trương đặc biệt, đó là các đơn vị quân đội sẽ chấm dứt làm kinh tế.
“Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.
Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh nguồn Infonet. |
Về số doanh nghiệp quân đội hiện nay, theo Thứ trưởng Lê Chiêm sẽ tổ chức cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư.
Dù mới đang xem xét, tuy nhiên chủ trương quân đội không tham gia làm kinh tế của Bộ Quốc phòng được đánh giá là sự thay đổi đột phá về tư duy và nhận được sự ủng hộ của nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao trong quân đội và chuyên gia kinh tế.
Chủ trương chiến lược lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 23/6, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho biết: “Đây là chủ trương lớn mà các đồng chí Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chắc chắn phải xem xét kỹ, không thể quyết định ngay”.
Tướng Thước chia sẻ, ở giai đoạn giành được độc lập, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn mọi người phải chung sức, chung lòng. Quân đội cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại.
Chúng ta xác định quân đội là sự kết hợp của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, quan điểm xuyên suốt đó được duy trì đến hôm nay.
Tuy nhiên nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp. Vì quân đội có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung xây dựng lực lượng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
“Cho nên đặt vấn đề quân đội không làm kinh tế tập trung cho nhiệm vụ quốc phòng quân sự là chủ trương rất đúng”, Tướng Thước nói.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV đồng tình với chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những doanh nghiệp sản xuất kinh tế thuần túy - ảnh NQ. |
Trong vấn đề quân đội làm kinh tế, Tướng Thước cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng.
Cụ thể, với bộ đội chính quy ngoài thời gian huấn luyện chiến đấu mà tăng gia sản xuất để tự túc, nâng cao đời sống. Hoặc những xí nghiệp, nhà máy sản xuất các khí tài quân sự nhưng thừa công suất có thể sản xuất sản phẩm khác phục vụ cho nền kinh tế… Đây là những trường hợp quốc phòng kết hợp làm kinh tế không có vấn đề gì nên vẫn có thể duy trì.
Nhưng với doanh nghiệp quân đội và tham gia sản xuất kinh tế thuần túy thì cần tính đến cổ phần, thoái vốn giao cho lực lượng khác.
Thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện quả bóng trách nhiệm |
“Tôi đồng tình với vấn đề mà Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Lê Chiêm đặt ra. Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy, , cần cân nhắc và điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước
Khi quân đội không coi kinh tế là mặt trận chính thì sẽ tập trung hơn cho công tác xây dựng lực lượng đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc”, Tướng Thước nhấn mạnh.
Chủ trương đúng đắn
Cũng liên quan đến chủ trương quân đội không tham gia làm kinh tế, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết:
"Đây là vấn đề chúng ta đã từng đặt ra, kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì các lực lượng vũ trang họ không tham gia làm kinh tế.
Ngay cả Trung Quốc có một thời gian quân đội tham gia làm kinh tế nhưng lâu nay họ cũng đã chấm dứt để tập trung cho nhiệm vụ chính”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề quân đội có nhất thiết phải làm kinh tế hay không? Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cho rằng: “Quân đội làm kinh tế là không cần thiết bởi nhiệm vụ chính của quân đội là xây dựng lực lượng bảo vệ tổ quốc”.
Tiến sĩ Hồ phân tích, có những doanh nghiệp trong quân đội làm kinh tế kết hợp kinh tế với quốc phòng tạo nguồn thu và giảm gánh nặng cho nhà nước, cái đó tốt. Một trong những đơn vị mạnh điển hình là Tập đoàn Viettel, nhưng số này rất hiếm.
Có những doanh nghiệp trong quân đội làm ăn kém, mắc “bệnh” giống hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, đó là sự ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước.
“Cần giảm số doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, có chăng chỉ giữ doanh nghiệp liên quan sản xuất vũ khí, khí tài quốc phòng hoặc những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Viettel.
Còn lại doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp thuần túy về kinh tế thì cần xử lý giống như doanh nghiệp nhà nước là cổ phần hóa, thoái vốn…”, Tiến sĩ Hồ nêu quan điểm
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ảnh: Hoàng Lực |
Theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, trong chính sách kinh tế cũng không nên khuyến khích quân đội làm kinh tế trừ trường hợp đặc biệt như vùng địa bàn biên giới cần kết hợp làm kinh tế với quốc phòng để giữ gìn đất đai ổn định đời sống nhân dân. Nhưng ngay cả như vậy cũng cần quản lý chặt để không xảy ra tình trạng lạm dụng đất đai, xảy ra tiêu cực.
"Vấn đề đồng chí Thứ trưởng đưa ra là rất đúng, nhiệm vụ trọng tâm số một của quân đội là bảo vệ tổ quốc chứ không phải làm kinh tế. Ngay cả trong phát triển kinh tế ở giai đoạn hiện nay thì Chính phủ cũng đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát huy mạnh vai trò kinh tế tư nhân, đó là xu thế đúng đắn phù hợp với thế giới.
Chúng ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường do đó nên để cho dân doanh, tư nhân làm và một phần nhỏ nhà nước tham gia, không nên để quân đội phải lo làm kinh tế”, Tiến sĩ Hồ nói.