Quy mô 5 dự án gây thiệt hại nghìn tỷ "làm nóng" nghị trường

04/11/2016 14:04
Mai Anh
(GDVN) - Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ, dự án Ethanol, bột giấy Phương Nam là 5 dự án tiêu biểu gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, đã có cuộc kiểm tra bước đầu và thống kê chưa đầy đủ những dự án đầu tư bằng vốn nhà nước hiện vẫn chưa hoặc không thể hoạt động là hơn 81.000 tỉ đồng.

Chỉ riêng 3 nhà máy đình đám được báo chí nhắc tới là Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Sợi Đình Vũ và Nhà máy Giấy Phương Nam ở Đồng Tháp Mười (Long An) đã lên đến khoảng 20 ngàn tỷ đồng.

Ngoài dự án trên hai dự án khác đang trong cảnh hoạt động thu lỗ là dự án Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. 

Ngày 3/11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ đã báo cáo về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng "chưa đạt hiệu quả”.

Ngoài 5 dự án này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, còn có một số dự án khác cũng đứng trước nguy cơ mất vốn, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, và sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội. Bộ Công Thương nỗ lực bằng nhiều cách không để thất thoát vốn Nhà nước và làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

"Qua những dự án này bộc lộ lỗ hổng trong quản lý nhà nước, thể chế, vai trò của bộ chủ quản cũng như bộ quản lý quy trình thủ tục đầu tư... Do đó, rất cần làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý vốn Nhà nước thời gian tới", Bộ trưởng Công Thương nói.

Dưới đây là quy mô 5 dự án đang gây thiệt hại nghìn tỷ đồng đã "làm nóng" nghị trường những ngày qua:

Dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỷ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn “đắp chiếu” và thiết bị đã thành đống sắt gỉ.

Hiện nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.

Ảnh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - nguồn Báo Đầu tư.
Ảnh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - nguồn Báo Đầu tư.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên từng đi vào lịch sử như một cánh chim đầu đàn ngành Thép. Thế nhưng ở giai đoạn đầu tư mở rộng nhà máy, sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC (E - thiết kế, P - cung cấp thiết bị, C - xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), chủ đầu tư liên tiếp gặp khó khăn. Đến nay sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, Nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im. 

Điều đáng nói, do không chặt chẽ khi ký hợp đồng nên dù đã bị “chôn” vốn từ gần 10 năm qua, thiết bị cung cấp chất lượng kém, phía chủ đầu tư TISCO còn bị phía Trung Quốc đòi phạt hàng tỷ đồng.

Trong tình thế đó, TISCO tiếp tục lập đề án xin bổ sung vốn nâng lên 9.000 tỷđồng, mà dư luận đều ngờ rằng với mức vốn này, chưa chắc nhà máy đã thật sự hoạt động ổn định.

Trước đề xuất vô lý của doanh nghiệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bác bỏ yêu cầu này và chỉ đạo cơ quan chức năng cổ phần hóa, thanh lý nhà máy. 

“Bánh vẽ” nghiên cứu khả thi

Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) là trường hợp thứ hai.

Nhà máy có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may.

Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy này phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.  

Theo Bộ Công Thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày, phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước. Thế nhưng, mục tiêu “hỗ trợ” ngành Dệt may giảm nhập khẩu đến nay vẫn là mong ước, bởi rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước không mua xơ sợi của PVTex do chất lượng, giá hàng nhập khẩu cạnh tranh hơn. 

Một góc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) - nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Một góc Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) - nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngay từ báo cáo nghiên cứu khả thi, nhiều số liệu chứng minh dự án có hiệu quả, cần phải xây dựng nhà máy, nhưng đến nay thực tế vận hành đều không đúng.

Cụ thể: Chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500 ngàn USD, thực tế lên tới 11 triệu USD. 

Dự kiến nhà máy chỉ cần khoảng 500 nhân viên, song thực tế đang phải thuê tới 1.000 nhân viên. Tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại phải mất tới 22 năm 10 tháng, chênh lệch tới 14 năm 2 tháng.

Nhà máy giấy không thể làm ra giấy

Sau 10 năm kể từ ngày khởi công, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng phải bỏ hoang, không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Điều trái khoáy là Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi, tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng. Dự án này được chính quyền Long An và người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười kỳ vọng nhiều bởi cây đay rất phù hợp để trồng thay lúa vụ hè - thu. 

Ảnh Nhà máy Bột giấy Phương Nam - nguồn Báo Đầu tư
Ảnh Nhà máy Bột giấy Phương Nam - nguồn Báo Đầu tư

Báo cáo khả thi nêu ra hiệu quả kinh tế của dự án với thời gian hòa vốn là 10 năm 7 tháng. Tháng 3/2006, Tracodi khởi công xây dựng nhà máy, với lời quảng bá “sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”. 

Chính quyền tỉnh Long An cũng nhanh chóng phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh gần 9.000 ha. Đến tháng 11/2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 2.286 tỷđồng, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư. 

Tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam chuyển từ Tracodi sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), đội vốn lên thành hơn 3.000 tỷ đồng.

Trong năm 2007-2008, Tracodi đã ký hợp đồng với nông dân trồng 450ha đay. Số lượng đay đã thu mua được là hơn 10.614 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Hơn 11.000 tấn đay này được Vinapaco (chủ mới) đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn.

Từ năm 2014, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Thủ tướng đã đồng ý đề nghị này nhưng đến nay vẫn chưa có ai nhận mua một nhà máy giấy không thể làm ra giấy. 

Dự án nghìn tỷ hoạt động lỗ triền miên

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng cũng gây không ít tai tiếng.

Sau khi đàm phán, Vinachem đã quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer làm tổng thầu thực hiện.

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư - ảnh Đất Việt.
Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư - ảnh Đất Việt.

Theo dự tính bán đầu nhà máy sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2011, tuy nhiên phải đến 30/3/3012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và vận hành thương mại từ 15/12/2012.

Hoạt động không bao lâu năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 500 tỷ đồng và năm 2015 vừa qua lỗ trên 370 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ dừng hoạt động

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng tháng 9/2009 với vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng trên diện tích 24,6 ha tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.  Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung hiện nay, chủ yếu sản xuất cồn Ethanol 99,8% từ sắn lát, công suất 100 triệu lít một năm. Sau 18 tháng thi công, ngày 3/2/2012 nhà máy chính thức cho ra mắt dòng ethanol đầu tiên.

Công ty được thành lập với 3 cổ đông sáng lập là 3 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bao gồm Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) chiếm 60% và Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị đều lần lượt thoái vốn khỏi dự án nên Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện là cổ đông lớn nhất và nắm gần 100% vốn điều lệ.

Theo Cục thuế Quảng Ngãi, hiện dư nợ vay đầu tư của Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng.

Chưa kể mỗi năm doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi năm). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý IV/2015 do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.

Một góc dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất - Báo Đầu tư.
Một góc dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất - Báo Đầu tư.

Do kinh doanh thua lỗ, các nhà máy nhiên liệu sinh học với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng đã lần lượt thông báo tạm dừng hoạt động gồm nhà máy ở Phú Thọ, Quảng Nam, Đăk Nông và Bình Phước. 

Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc cuộc thanh tra tại các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol). Theo thanh tra, cả 3 nhà máy ethanol sau khi đầu tư đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại, toàn bộ vốn đầu tư với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng được cho là "chưa có hiệu quả". 

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện hợp đồng EPC, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Mai Anh