Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm về 2,93%, từ mức trên 17% trong năm 2012. Trong vòng 3 năm, hơn 98% nợ xấu đã được xử lý thông qua việc trích lập dự phòng, thu hồi nợ và qua Công ty Mua bán nợ xấu VAMC.
Tổng nợ xấu toàn ngành vào tháng 9/2012, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước là 465.000 tỷ đồng. Đến 30/9/2015, tỷ lệ này chỉ còn 2,93%.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cam kết với Chính phủ sẽ đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3% trong năm 2015.
Chủ tịch VAMC - ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết đến nay, công ty này đã mua được 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 tổ chức tín dụng.
Nợ xấu thực chất mới chỉ gom về VAMC chưa chưa được xử lý triệt để (ảnh minh họa) |
Con số nợ xấu toàn ngành giảm qua việc bán nợ xấu cho VAMC tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phần lớn nợ xấu xử lý chủ yếu được “nhốt lại”, “xích lại” vào VAMC. Còn việc xử lý sau đó ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Đánh giá báo cáo tỷ lệ giảm nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Trên sổ sách, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%. Tuy nhiên, nếu cộng với nợ xấu đã bán cho VAMC thì nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn nhiều.
“Đến thời điểm này, VAMC mới xử lý được khoảng 7% tổng số nợ đã mua từ khách các tổ chức tín dụng. Thành ra muốn đưa ra con số nợ xấu đã xử lý được thì phải cộng số nợ xấu các ngân hàng thương mại tự xử lý, cộng với số nợ xấu mà VAMC đã mua và xử lý được. Như vậy mới ra được bài toán và đây mới là kết quả chính xác”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo TS Hiếu, con số báo cáo nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước thống kê như trên mới là số liệu sổ sách ở ngân hàng thương mại mà không tính đến số nợ được bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được.
“Do vậy cách nhìn như hiện nay vẫn chưa đẩy đủ và thấy hết toàn cảnh. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào số nợ xấu đã được xử lý trên mặt giấy tờ thì có lẽ chúng ta quá lạc quan”, TS. Hiếu nói.
Phân tích số liệu nợ xấu được xử lý, ông Hiếu cho hay số nợ hơn 200.000 tỷ đồng bán cho VAMC vẫn còn đó, nếu sau 5 năm hay 10 năm nếu số nợ đó vẫn chưa được xử lý sẽ trả lại cho các ngân hàng thương mại. Như vậy, xét cho cùng số nợ đó vẫn thuộc về các ngân hàng.
Việc bán nợ xấu cho VAMC không phải việc mua đứt bán đoạn mà thực chất là đưa qua sổ sách của VAMC, sau đó VAMC đưa lại các ngân hàng trái phiếu đặc biệt. Do chuyển số nợ xấu sang VAMC nên trên sổ sách ngân hàng thương mại sạch nợ, điều này tạo ra lạc quan nhưng không phản ánh đúng bản chất vấn đề nợ xấu.
Số nợ xấu theo lý phải được xử lý triệt để nhưng việc bán cho VAMC chỉ là biện pháp giam nợ xấu. Về mặt hạch toán, nó thổi phồng tài sản và kết quả kinh doanh ngân hàng.
“Thay vì các ngân hàng thương mại phải trích lập tài sản xử lý nợ xấu thì nợ xấu được chuyển qua VAMC, đồng thời ngân hàng thương mại nhận lại trái phiếu đặc biệt trên giấy tờ. Theo đó, ngân hàng vừa thoát cảnh nợ xấu, kết quả kinh doanh tăng lên, tuy nhiên thực chất nợ xấu vẫn không được xử lý”, ông Hiếu cho biết.
Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, 98% số nợ xấu được báo cáo đã xử lý song câu hỏi hàng trăm nghìn tỷ đồng này được xử lý thế nào và cơ chế xử lý ra sao vẫn là một ẩn số.
Trước câu hỏi này, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế, cho rằng: VAMC thực chất không mua đứt bán đoạn bằng tiền mặt nợ xấu mà chỉ gom nợ xấu để làm “đẹp” sổ sách ngân hàng thương mại. Sau đó mỗi năm các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% để xử lý số nợ xấu. Sau 5 năm họ có thể phải lấy lại các nợ xấu.
Về nguồn tiền xử lý nợ xấu theo PGS.TS Bùi Quang Bình, VAMC là doanh nghiệp nhà nước, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ thì nguồn tiền còn lại VAMC có được là từ bán nợ xấu, tận thu nợ, bán tài sản đảm bảo, tái cơ cấu lấy tiền quay vòng.
“Trên lý thuyết là như vậy nhưng "nút thắt" ở đây việc bán nợ xấu hay xử lý tài sản đảm bảo không dễ do cơ chế chính sách của chúng ta. Ví dụ khoản nợ xấu thế chấp bằng bất động sản nhưng VAMC không dễ bán để thu hồi vốn, hay việc bán nợ xấu cũng không dễ. Việc xử lý nợ xấu hậu VAMC mới là vấn đề then chốt”, PGS.TS Bình cho biết.
Trước đó tại hội thảo “Đánh giá tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu”, đại diện VAMC cũng nêu ra nhiều vướng mắc khác về cơ chế trong quá trình xử lý nợ. Về các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm, cho vay bổ sung, bản thân ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay, nhưng nếu doanh nghiệp phá sản hoặc không đủ tài sản đảm bảo, thì rủi ro pháp lý cho ngân hàng là vô cùng cao nếu nợ này khó thu hồi.
Ngay cả nếu có tài sản đảm bảo, cơ chế thu hồi, xử lý nợ cũng rất khó nếu không có sự phối hợp của người đi vay. Trong nhiều trường hợp, người đi vay không giao tài sản, trốn thi hành án, khiếu kiện, thậm chí vẫn lập phương án kinh doanh để tiếp tục vay tiền ngân hàng.