Tân Chủ tịch Vietinbank con nhà... trồng lúa

04/05/2014 07:10
NHẤT NGÔN (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngày 29/4, ông Nguyễn Văn Thắng được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank. Điều mà nhiều người chưa biết tới, đó là xuất phát điểm cực bất ngờ của vị CEO này.

Xuất thân... nông dân

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, quê gốc tại Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên không phải trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Cha ông đã qua đời, còn mẹ làm nông nghiệp. Nhà có tới 7 anh chị em.

Trong số các anh chị ruột của ông thì có 2 người làm nghề tự do, 3 người làm công nhân, trong đó 1 người đã nghỉ hưu, 1 người nghỉ do mất sức và 1 người đã nghỉ việc.

Vào thời điểm năm 1995, ông tốt nghiệp hệ cao đẳng Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng. Tiếp sau đó, ông Thắng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, hiện đã có bằng tiến sỹ tại Học viện Tài chính.  Ông là lãnh đạo hiếm hoi khi chỉ công tác tại một đơn vị trong suốt sự nghiệp của mình.

Năm 1996, một năm sau khi ra trường, ông Thắng bắt đầu sự nghiệp của mình ở vị trí cán bộ Kinh doanh đối ngoại Chi nhánh Ba Đình của Vietinbank. Sau 4 năm làm việc, ông được bổ nhiệm làm thư ký Tổng Giám đốc Vietinbank. Khoảng hơn hai năm sau, ông kiêm thêm chức Phó Chánh Văn phòng.

Trong vòng 3 năm tiếp theo, ông giữ chức Phó rồi Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp lớn. Đến đầu năm 2010, ông Thắng đã là Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng.
Tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng.

Đến năm 2011, sự nghiệp của ông rẽ sang bước ngoặt mới khi ông được đảm nhận chức vụ quyền Tổng giám đốc Vietinbank. Từ đó đến nay, ông thường giữ những chức vụ quan trọng trong Vietinbank. Và tới ngày 29/4/2014, ông chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank.

Hiện số cổ phiếu ông Thắng nắm giữ gấp 11 lần của cả gia đình nguyên Chủ tịch Phạm Huy Hùng và bằng gần 5 lần tổng số cổ phiếu của các thành viên HĐQT còn lại.

Tính đến cuối năm 2013, cá nhân ông Thắng nắm giữ 216.108 cổ phiếu CTG của Vietinbank, tương đương 3,4 tỷ đồng, con số này chưa tính hơn 720.000.000 cổ phiếu ông đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) trong thời kỳ giữ chức Ủy viên HĐQT.

Tính đến cuối năm 2013, tổng số cổ phiếu HĐQT Vietinbank nắm giữ là 245.408 cổ phiếu, theo số liệu thống kê, số lượng cổ phiếu ông Thắng nắm giữ lên tới 88%.

"Công thần" của Vietinbank

Với nhiều thành tích đạt được, năm 2008, ông nhận được bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hai năm sau, ông nhận được bằng chứng nhận là Doanh nhân trẻ tiêu biểu khối doanh nghiệp trung ương. Ngoài ra, ông còn có học bổng trị giá 50 triệu đồng và tham dự Hội nghị thường niên châu Á về dịch vụ Ngân hàng tài chính cho Học viên xuất sắc nhất chương trình đào tạo chức danh “Giám đốc chi nhánh”.

Trong báo cáo thường niên, Vietinbank đánh giá tân Chủ tịch trẻ tuổi của mình như sau: “Ông là Tiến sỹ Kinh tế, bắt đầu công tác tại Ngân hàng Công thương Việt Nam từ năm 1996 và đã cống hiến cho sự phát triển của Ngân hàng trong suốt 17 năm”.

Chân dung Tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng.
Chân dung Tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng.

Giữ quyền Tổng giám đốc Vietinbank từ cuối năm 2011, thời điểm ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với Chủ tịch Phạm Huy Hùng, ông Thắng góp phần đưa Vietinbank phát triển vững chắc với các chỉ số hoạt động khá tốt.

Cụ thể, tổng tài sản của Vietinbank tại thời điểm hết 31/12/2013 đạt 576,4 ngàn tỷ đồng (tăng 14,5% so với năm 2012); Nguồn vốn huy động tăng 11,2%, dư nợ cho vay & đầu tư tăng 14,7%, tín dụng tăng 13,4%. Lợi nhuận trước thuế 7.751 tỷ đồng, đạt 103% so với chỉ tiêu của Đại hội cổ đông giao, chi trả cổ tức 10%. 

Đặc biệt, trong năm 2013, VietinBank đã hoàn tất việc bán 19,73% cổ phần cho cổ đông chiến lược là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd. (BTMU) và phát hành thêm 457,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank tăng lên 37.234 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2012), vốn chủ sở hữu đạt hơn 54 ngàn tỷ đồng, VietinBank đã trở thành NHTM cổ phần có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất trong hệ thống NHTM Việt Nam, với hệ số an toàn vốn CAR 13,2% (vượt mức quy định 9% của NHNN).

Vietinbank tự đánh giá: “Hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức, nhưng với định hướng đúng đắn và giải pháp kinh doanh phù hợp, VietinBank vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định, vững chắc, an toàn và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.  Kết thúc năm tài chính 2013, VietinBank tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng về các chỉ tiêu kinh doanh”.
Thành công của ông Hùng và ông Thắng còn được thể hiện ở điểm Vietinbank khá ổn định về nhân sự và lương, thưởng. Trong khi rất nhiều ngân hàng khác có biến động rất mạnh, mà cụ thể là sa thải nhân viên thì nhân sự tại Vietinbank khá yên tâm với công việc của mình.
Bên cạnh đó, lương bình quân tại Vietinbank luôn nằm trong tốp cao. Năm 2013, mỗi nhân viên ngân hàng này nhận trung bình 255,4 triệu đồng, mỗi tháng nhận 21,3 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2012, mức thu nhập theo năm tại Vietinbank tăng 3 triệu đồng/người/năm và tăng 210.000 đồng/người/tháng. So với quý 3/2013, thu nhập thậm chí còn vượt trội khi tăng 2,2 triệu đồng/người/tháng.
Vietinbank khẳng định: “Thu nhập của người lao động vẫn duy trì ở mức ổn định, cạnh tranh và thu hút nhiều lao động giỏi, có chất lượng cao”.
Có lẽ vì những thành tích đã đạt được trong suốt 17 năm qua nên khi ông Hùng chuẩn bị nghỉ hưu, ông Thắng đã được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này.
Năm 2013, Tạp chí Forbes xếp VietinBank vị trí 1.764 trong số 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, tăng gần 200 bậc so với danh sách tổng thể của Forbes Global 2000 năm 2012. Tạp chí The Banker công bố VietinBank nằm trong Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới với sức mạnh thương hiệu A+, giá trị thương hiệu đạt 271 triệu USD. Mới đây vào tháng 1/2014, hãng Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm của VietinBank từ “ổn định” lên “tích cực”.

Bước vào năm 2014, VietinBank đặt ra một số chỉ tiêu toàn diện và cụ thể như: Tổng tài sản 640.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013; nguồn vốn huy động 573.000 tỷ đồng, tăng 12%; Dư nợ cho vay & đầu tư 600.000 tỷ đồng, tăng 11,8%; Vốn chủ sở hữu đạt 54.931 tỷ đồng, tăng 1,6%; Lợi nhuận trước thuế 7.280 tỷ đồng; Tỷ lệ cổ tức 10%; ROE là 10-12%; ROA là 1,2-1,5%; Tỷ lệ nợ xấu <3%.

NHẤT NGÔN (Tổng hợp)