"Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới đang xin ý kiến"

04/02/2017 08:06
Mai Anh
(GDVN) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 3/2/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời một trong những vấn đề được báo chí, dư luận quan tâm trong những ngày cuối năm 2016 đầu năm 2017 đó là dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 3.000-8.000 đồng/lít.

Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Luật thuế Bảo vệ môi trường hiện hành quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 1.000 – 4.000 đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít).

Nếu áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng. Liệu có thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân? ảnh nguồn: TTXVN
Nếu áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng. Liệu có thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân? ảnh nguồn: TTXVN

“Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 3.000-8.000 đồng/lít mới đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Người phát ngôn Chính phủ cho hay, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.

Việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói chung và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết dự thảo Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mới đang trong quá trình xin ý kiến - ảnh nguồn Chinhphu.vn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết dự thảo Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mới đang trong quá trình xin ý kiến - ảnh nguồn Chinhphu.vn

Trước đó, trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên từ 3.000-8.000 đồng/lít.

Mức tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính nếu được thông qua được cho sẽ gây tác động mạnh đến thị trường, khiến xăng dầu có thể sẽ có đợt tăng giá mạnh kỷ lục, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp và người dân. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức thuế này cao hơn nhiều so với khung thuế hiện hành và việc tăng thuế cao như vậy chưa chắc đã giúp môi trường sạch hơn, đồng thời đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường.

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đưa ra quá cao.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong việc tăng thuế môi trường là điều cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, rác thải ngày càng trầm trọng.
Mặt khác, trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách sụt giảm thì thuế môi trường là sự lựa chọn gần như mang tính bắt buộc của Bộ Tài chính để cân đối ngân sách. 

Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào, theo TS. Nguyễn Minh Phong cần có những đánh giá khách quan, khoa học.
TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng mức tăng nào cần có căn cứ để luận giải. Không nên thu sốc sẽ tạo ra cộng hưởng tác động xấu đến kinh tế.

Trong khi đó theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dù chỉ là dự thảo nhưng như vậy có nghĩa thời gian tới mức thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ có khả năng sẽ tăng.

Theo PGS. Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là cần thiết tạo tăng trưởng bền vững, tuy nhiên bảo vệ môi trường có rất nhiều công cụ.

Trong các biện pháp pháp bảo vệ môi trường có nhiều cách, trước tiên bảo vệ môi trường phải thanh tra xử lý thật nặng đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề này hiện nay làm chưa rốt ráo, ở nhiều địa phương tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường vẫn còn đó, phát triển kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

"Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới đang xin ý kiến" ảnh 3

GS.Nguyễn Quang Thái: "Cần phải minh bạch thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu"

"Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới đang xin ý kiến" ảnh 4

Đột ngột tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hệ lụy rất khó lường

"Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới đang xin ý kiến" ảnh 5

Phải xử thật nặng những kẻ phung phí tiền thuế của dân

“Cho nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết, nhưng ở mức độ nào phải tính toán. Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa?”, PGS.Long nói.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ chuyên gia chính sách công cho rằng hiện nay năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam thấp, nếu đánh thuế khiến giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đầu vào gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo PGS. Thọ dù nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng không nên vì thế mà tăng mức thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng, dầu. 

“Trước đây khi điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít con số dư ra đã làm gì để cải tạo môi trường chưa rõ thì nay lại điều chỉnh tăng lên, vậy tăng thuế bảo vệ môi trường để làm gì?”, PGS.Thọ đặt câu hỏi.

Theo ông Thọ, dự thảo cần xem lại mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội, Chính phủ cần cân nhắc mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng.

Với khung mức như dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra quá cao, làm tăng thêm chi phí vận tải, hàng hóa, hành khách và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

“Tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng tăng thuế rồi chi vào mục đích gì có chi đúng vào môi trường hay chi vào việc khác?

Đã nói thuế bảo vệ môi trường thì chỉ chi vào môi trường. Quan trọng nhất là phải minh bạch, minh bạch bằng cách người nộp thuế (người dân) được tiếp cận thông tin việc chi tiêu phần tăng thuế”, bà An nêu quan điểm.

Mặt khác, cần phải cân nhắc mức thu để cân đối với toàn bộ nền kinh tế phù hợp với mức sống của người dân.

Lo ngại thuế bảo vệ môi trường không được chi vào môi trường mà dùng nuôi bộ máy hành chính, Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia pháp lý kinh tế cho rằng, dùng từ "thuế bảo vệ môi trường" là không đúng, bởi nguyên tắc thu gì chi đó, còn đã nói thuế bảo vệ môi trường chỉ dùng nhằm khắc phục môi trường ô nhiễm do sử dụng xăng dầu gây ra.

Theo Luật sư Đức, khi Việt Nam hội nhập và ký các thỏa thuận như ATIGA thì nguồn thu thuế nhập khẩu sẽ giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách.

Để cân đối giữa thu và chi đáng nhẽ cần áp dụng đồng loạt giải pháp như cơ cấu lại chi ngân sách, giảm bộ máy cồng kềnh, xiết chặt đầu tư công… chứ không phải ngay lập tức bằng cách thu thêm tiền của dân qua xăng dầu.

“Nếu bộ máy cứ phình ra, đầu tư công lãng phí, dự án, nhà máy của doanh nghiệp nhà nước đầu tư cứ thua lỗ như vừa qua thì dù tăng thu thuế bao nhiêu cũng không đủ bù đắp”, Luật sư Đức đánh giá.

Mai Anh