Thêm sếp BĐS bị bắt: Những tiên đoán đang trở thành sự thật?

18/03/2014 07:19
Lực Hoàng
(GDVN) - Theo TS Phạm Sỹ Liêm, việc ngày càng sếp lớn của doanh nghiệp BĐS dính vòng lao lý là “hiệu ứng Đôminô” xấu tiếp theo của thị trường.

Thị trường BĐS những ngày qua đón nhận thêm thông tin hai “sếp lớn” của dự án Petro Vietnam Landmark (thuộc phường An Phú, Quận 2, TP.HCM) bị bắt. Theo đó ông Hà Văn Sơn (30 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) bị bắt về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó ngày 22/1, Cơ quan Điều tra đã bắt tạm giam ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL), để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Petrolandmark đang xây dựng dang dở.
Dự án Petrolandmark đang xây dựng dang dở.

Thị trường BĐS lúc này dường như đã không còn lạ lẫm với thông tin lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp BĐS lớn phải vào vòng lao lý.

Còn nhớ năm 2012, 2013... thông tin Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn - chủ đầu tư dự án triệu USD Ngọc Viên Islands bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, hay ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (chủ đầu tư dự án 409 Lĩnh Nam), đồng thời cũng là Chủ tịch tập đoàn Vina Megastar (chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội) bị bắt vì tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng SeaBank… đã thực sự tạo nên làm sóng hoang mang về một hiệu ứng Đôminô đổ vỡ trên thị trường BĐS. 

Nhận định về việc ngày càng nhiều lãnh đạo tại các doanh nghiệp BĐS bị bắt do vi phạm pháp luật, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định lại: Đây là điều được dự báo trước. “Là hiệu ứng Đôminô xấu tiếp theo của thị trường, nguyên nhân nằm ở chiến lược kinh doanh sai của doanh nghiệp và sự thiếu quản lý trong việc huy động vốn”.

TS Liêm cho rằng, việc huy động vốn của người mua nhà quá dễ là nguyên nhân chính dẫn đến dự án BĐS phát triển bùng lên trong một thời gian. Có chủ đầu tư chỉ bỏ vốn xin dự án, lập dự án còn việc thi công hoàn toàn dựa vào tiền huy động của người dân dưới hình thức vốn góp. Nếu tiền đó được thực hiện vào dự án thì không sao nhưng tiền đó có khi lại được chủ đầu tư đưa đi cho vay lãi cao, đầu tư ngoài ngành… dẫn đến dự án chậm thi công, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt vì vi phạm pháp luật.

“Nếu không huy động vốn trong dân dễ, thay vào đó  doanh nghiệp phải vay ngân hàng để làm dự án... hậu quả sẽ không lớn do vấn đề quản lý nguồn tiền được xiết chặt hơn theo tiến độ thật. Trong khi ngược lại sau khi nộp tiền cho chủ đầu tư, người dân không kiểm soát được nguồn tiền được sử dụng vào đâu, rủi ro từ đó rất lớn. Đến khi mọi việc được làm rõ thì lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, dự án ngừng trệ, người dân thiệt”, TS Liêm nói.

Từ thực tế đó theo ông Liêm, không nên cho phép việc huy động tiền của người mua nhà dưới hình thức vốn góp, nếu doanh nghiệp muốn làm dự án phải vay tiền ngân hàng. Nếu muốn bán được sản phẩm BĐS hoặc để đảm bảo sản phẩm BĐS sẽ có đầu ra giữa doanh nghiệp BĐS và người mua nhà có thể dựa vào một hợp đồng đặt cọc tiền. 

Đồng tình với TS Phạm Sỹ Liêm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, việc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp BĐS bị bắt lúc này là bức tranh đã được dự báo trước.

“Không chỉ một lần mà tôi cũng như nhiều chuyên gia BĐS đã tiên đoán trước đó, năm 2014 sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ việc sếp lớn của doanh nghiệp BĐS bị bắt, bị vướng vòng lao lý”, ông Đực nói.

Theo ông Đực, trong lúc này người dân góp vốn tại dự án Petro Vietnam Landmark hay những dự án mà lãnh đạo doanh nghiệp, chủ đầu tư bị bắt đang chịu những rủi ro rất lớn. "Khả năng người dân mất trắng sẽ không tránh khỏi bởi tài sản doanh nghiệp đã không còn, tài sản khác có khi đã bị ngân hàng phong tỏa vì nợ không trả được” ông Đực phân tích.

Lực Hoàng