Thông tin rùng mình cho những người mê trà sữa trân châu ở VN

27/04/2011 07:16
(GDVN) - Hầu hết nguyên liệu làm món trà sữa trân châu hiện nay đều không rõ xuất xứ, nguy cơ độc hại rất cao.

(GDVN) –  Khảo sát thị trường trà sữa trân châu tại Hà thành, phóng viên Giáo dục Việt Nam phát hiện sự thật không mong muốn: hầu hết nguyên liệu làm món thức uống khoái khẩu này đều không rõ xuất xứ…

Thời gian gần đây, những thông tin về trà sữa trân châu siêu rẻ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) không dùng sữa, trà hay bất cứ hoa quả nào mà chỉ sử dụng các loại chất tạo màu, tạo mùi cộng với hạt trân châu giả làm từ một loại bột hóa học cao phân tử chuyên để sản xuất bỉm trẻ em để tạo độ giòn và màu sắc bắt mắt bị cơ quan chức năng phanh phui khiến không ít người tiêu dùng Việt hoang mang, đặc biệt là giới trẻ, “tín đồ” của thức uống này. Khảo sát thị trường trà sữa tại Hà thành, phóng viên Giáo dục Việt Nam phát hiện một sự thật không mong muốn: hầu hết nguyên liệu làm trà sữa đều không rõ xuất xứ…

Kinh doanh trà sữa trân châu: Siêu lãi!

Mùa hè sắp tới, bên cạnh các quán trà đá mọc lên như nấm, các tiệm chè hoa quả, quá trà sữa trân châu cũng đua nhau mở cửa, khai trương.

Trong vai một người muốn mở quán trà sữa trân châu Đài Loan, chúng tôi tiếp cận với những người buôn bán nguyên liệu từ sữa béo, trân châu đến nước hoa quả trên phố Hàng Buồm. Ban đầu, khi nghe tôi nói về ý định mở quán, bà chủ tiệm kiốt P.L đon đả: “Em mua bao nhiêu cũng có, mua nhiều chị giảm giá cho. Cũng vừa có mấy người ra hỏi cách làm, bán đi, lãi lắm".

Mặc dù nhiều nguy cơ, các quán trà sữa vẫn đông khách.
Mặc dù nhiều nguy cơ, các quán trà sữa vẫn đông khách.
(Ảnh minh họa).
Chỉ trong ít phút ngồi ở ghế đợi chị bán hàng, chúng tôi thấy nườm nượm khách vào hỏi mua nguyên liệu. “Cho 5 túi trân châu, 2 hộp thạch, 3 dừa, 2 bịch ống hút,…” – một khách hàng không vào quán, chỉ đứng chống chân xe máy ngoài cửa nói vọng vào. Ngay lập tức, người phục vụ mang ra một bao bì to đựng đầy đủ các nguyên liệu khách yêu cầu và thoăn thoắt ghi phiếu tính tiền.
Đợi chừng 5 phút, chị chủ quán tên L. đưa cho tôi tờ hóa đơn kê khai các nguyên liệu làm trà sữa và bảo: Tất cả từ máy móc tới nguyên vật liệu “đầu tư”, khoảng 4 – 5 triệu sẽ có một cửa hàng hoành tráng. Thoạt nhìn qua tờ hóa đơn, bên cạnh các nguyên liệu như trà xanh, trân châu, đường,…ở phần dưới, tôi thấy có cột ghi: “phẩm màu giá rẻ”. Tôi lấy tờ giấy nhàu nát trong túi quần của mình ra định ngồi chép lại các nguyên liệu này, vừa đặt bút ghi được vài chữ thì chị chủ giật phắt lại và bắt đầu lớn tiếng quát mắng: “Nguyên liệu như này, khi nào bán thì ra đây gặp chị, nếu mở quán thật thì chị có trách nhiệm mách bảo em cách làm. Chưa lấy luôn thì thôi…Tại sao em lại ghi chép các nguyên liệu này? Bên này chị không bán linh tinh, phải xác định làm từ đầu tới cuối, chị mới hướng dẫn”.
Mặc dù chúng tôi đã giải thích rõ ràng: Rằng chúng tôi muốn tìm hiểu và chắc chắn mở quán nhưng dường như tỏ ra cảnh giác, chị chủ quán nhanh tay xua đuổi khách về.

Không chỉ có quầy P.L cung cấp nguyên liệu trà sữa Đài Loan mà hầu như gian hàng khô nào của khu phố này cũng bày bán mặt hàng này. Ở chợ Đồng Xuân, sản phẩm này còn đa dạng hơn với bột sữa, trà hồng, nước hoa quả và các loại thạch xanh đỏ, tím, vàng bắt mắt.
Một người chuẩn bị các nguyên liệu làm trà sữa,
Một người chuẩn bị các nguyên liệu làm trà sữa.
Tại một quầy hàng nằm khuất sâu trong chợ, anh Huy đang đưa tay xếp vào thùng những gói hương liệu mà anh giới thiệu rằng: Mỗi gói có một hương vị khác nhau. Ban đầu mới mở quán, anh lấy 10 vị phổ biến nhất, sau đó, dần dần pha chế những vị khác riêng biệt, mang đặc trưng riêng của quán. Mỗi lần đi lấy hàng, anh Huy thường bỏ ra khoảng 3 triệu đồng, nguyên liệu mua về được sử dụng trong một tuần. “Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 – 300 cốc trà sữa, thu về 1 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Tính sơ sơ, hàng ngày, tôi cũng bỏ túi khoảng 300.000 đồng tiền lãi là chuyện bình thường”, anh Huy phấn khởi khoe.

Trò chuyện với chủ cửa hàng tại đây, chúng tôi được biết: Mỗi ngày, kiốt của anh chị bán được khoảng 30-50 kg mỗi loại nguyên liệu. Hàng đặc biệt đắt khách vào những ngày nắng nóng. Khách mua chủ yếu là những quán giải khát nhỏ, những quán hàng bán tại cổng trường, một số cửa hàng ăn và các đại lý ngoại tỉnh. Chị chủ quán niềm nở mời chào tôi: “Ngoài tiền mua túi bóng đóng gói, tiền mua máy móc (khoảng 950.000 đồng), tiền mua nguyên liệu rẻ lắm. Đảm bảo em sẽ lãi gấp đôi so với số tiền mà mình bỏ ra”.

Theo ước tính của chủ cửa hàng, giá gốc của mỗi ly trà sữa chân trâu chỉ khoảng 3.000 đồng. Trong khi đó, tại hầu hết các cửa hàng đồ uống, trà sữa được bán với giá 10.000 đồng/cốc, một số ít mới khai trương bán với giá ưu đãi hơn tầm 6 – 8.000 đồng/cốc. Như vậy, cứ mỗi ly trà sữa bán ra, các ông chủ, bà chủ thu  về tiền lãi từ 3.000 – 7.000 đồng. Cũng theo "bật mí" của các chủ buôn nguyên liệu trên chợ Đồng Xuân, cách chế biến trà sữa “cực kỳ đơn giản”, không cần tốn quá nhiều thời gian và chỉ phải học trong vòng…1 tiếng đồng hồ.

Nguyên liệu từ trà, sữa tới trân châu đều không rõ nguồn gốc

Theo cách hiểu của nhiều "tín đồ" món trà sữa trân châu thì nguyên liệu chính để cho ra lò một cốc trà gồm: Trà (hoặc Lipton, hoặc trà xanh hoặc một loại trà đặc biệt nổi tiếng nào đó) + Sữa (sữa tươi hoặc sữa đặc có đường) + Trân châu (có thể tự làm từ bột hoặc mua trân châu sống về luộc). Nhưng sau khi tìm hiểu về cách chế biến, chúng tôi mới vỡ ra rằng: Từ trước tới nay, các “thượng đế” cứ hồn nhiên uống thứ nước ngoại nhập ấy mà chẳng hề biết cửa hàng đã lấy nguyên liệu ở đâu. 

Có mặt tại chợ Đồng Xuân vào cuối giờ chiều, khi biết tôi có ý định mở quán, chị Ánh chào hàng tôi bằng một gói trân châu đen. Chị Ánh cho biết, trước đây, trân châu đa dạng cả về màu sắc (vàng cho trà sữa trân châu cam, tím là khoai môn, đỏ là đậu đỏ…), phong phú về chủng loại và nhãn hiệu nhưng sau mấy "phi vụ" lùm xùm xung quanh việc trà sữa trân châu có chứa polymer, hiện tại, cửa hàng chị chỉ bán một loại phổ biến đó là trân châu đen. 

alt
Chỉ với 17.000 đồng, một gói trân châu không rõ nguồn gốc này
 có thể được sử dụng cho gần trăm cốc trà sữa.
"Nếu em thích rẻ thì lấy loại không có nhãn mác 17.000 đồng/kg, loại bình thường có nhãn mác là 18.000 đồng/kg”, chị Ánh giới thiệu. Thắc mắc về sự khác biệt này, chị cho biết: Cả hai loại cùng một nhà sản xuất, chỉ chênh lệch nhau giá cả vì thêm chi phí in ấn bao bì, do đó, các đại lý trà sữa thường thích loại không nhãn mác hơn vì bớt được một khoản tiền nho nhỏ.

Trên các sạp hàng, những túi hồng trà (40.000 đồng/gói) với bao bì hai màu chủ đạo xanh và đen được xếp cạnh nhau san sát. Người mua khó có thể biết được đó là cái gì nếu không được giới thiệu, vì trên sản phẩm chỉ có mấy dòng chữ loằng ngoằng mà chủ hàng thường nói là chữ Trung Quốc hoặc chữ Đài Loan. Lật đi lật lại gói hàng, tôi không thể tìm thấy bất cứ một chữ nào tiếng Anh (ngôn ngữ thường dùng cho hàng xuất khẩu) cũng như nhãn hiệu phụ bằng tiếng Việt như quy định của Bộ Thương mại về hàng nhập khẩu. Trong khi đó, theo đại diện của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong trường hợp các sản phẩm nhập từ nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là vi phạm nghị định 178, chủ hàng sẽ bị phạt xử phạt hành chính, hộ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm cũng sẽ bị phạt tiền tương ứng theo giá trị lô hàng, tối đa là 20 triệu đồng.

Đáng ngạc nhiên hơn trong nguyên liệu làm trà sữa Trân châu không hề có loại sữa hộp, sữa đặc có đường nào mà chúng ta vẫn thường sử dụng hàng ngày. “Sữa” được dùng trong việc chế biến loại nước uống này là một loại bột có màu trắng ngà, được đóng đơn giản trong túi bóng trắng và buộc thắt nút bằng dây chun ở phía trên. Khi tôi hỏi chủ cửa hàng: “Tại sao bột sữa lại không có nhãn mác bao bì, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, cũng như các thông tin cơ bản về nhà sản xuất…”, chị này nhanh miệng: Đây là các túi nhỏ được tách ra từ bao to, hàng nhập chính gốc từ Đài Loan, rồi không quên trấn an: “Chị đảm bảo, em cứ yên tâm về chất lượng”. Mức giá cho sản phẩm này là 45.000 đồng/kg, mà theo các chủ buôn: “Giá này không hề đắt vì sẽ pha được bao nhiêu lít nước”.

alt
Một cân bột sữa với giá 45.000 đồng này có thể pha
với rất nhiều lít nước để làm trà sữa.
 Tiếp tục hỏi về cách chế biến, để lấy lòng khách hàng, chị Ánh cũng không ngại "bật mí":  Công thức chung là Trà hồng + bột sữa + trân châu + đường, thạch và bột vị. “Trà trong túi này có 10 gói, pha 1 gói vào nước, sau đó bỏ bã đi. 1 kg sữa bột này pha với 5 lít nước sôi, nếu muốn thêm hoặc bớt nước là tùy em. 5 lít nước sôi cộng nửa cân đường, ngoáy tan, trộn lẫn vào nhau sẽ tạo ra một màu hơi hồng hồng, cộng thêm nước cốt dừa, cho thêm vị béo. Khi khách gọi uống vị gì, lúc đó mới bỏ trân châu vào rồi rập máy, thế là xong”.

“Cách thức xử lý với gói trân châu khô mua về cũng đơn giản lắm, chỉ cần luộc trân trâu chừng 12 – 15 phút, vớt ra, rửa bằng nước lã, hạt trân châu lúc này đã đen như hạt cườm. Sau đó, tráng lại với  nước đun sôi để nguội, có nước, trân châu sẽ không bị dính”.

Theo chị Ánh: Với một túi chân trâu, chủ cửa hàng có thể sử dụng cho hàng trăm ly trà sữa. “Trân châu (chưa luộc) dùng không hết, buộc túi lại, để khô thoải mái, không việc gì hết, cũng không cần cho tủ lạnh”. Trong khi đó, với những hạt chân trâu đã luộc qua nước, các chủ tiệm trà sữa thường lưu ý rằng: Chỉ nên để từ 3 – 5 tiếng, nếu để lâu, trân châu sẽ cứng, mất độ dẻo, ăn sẽ không ngon. Tuy vậy, đối với các tiệm đông khách, thay vì một ngày phải luộc từ 9 - 10 lần cho các mẻ khác nhau, cửa hàng thường dồn lại luộc tất cả số lượng lớn trong một lần rồi bỏ tủ lạnh. “Vẫn biết như thế trân châu không đảm bảo, nhưng vì ít nhân viên, chúng tôi không còn cách nào khác”, một chủ tiệm trà sữa tại khu vực Ngã tư sở (Hà Nội) thành thật chia sẻ.

Ngoài ra, anh Thành - chủ tiệm trà sữa trân châu ở Bắc Ninh - còn cho biết: “Không ít quán còn pha sẵn sữa và đường, để khi khách tới chỉ cần rót ra ngay cho nhanh, nhưng nếu hỗn hợp này để từ sáng tới trưa mà không bán hết, sẽ bị hỏng, nước này để lâu sẽ bị chua, ăn vào dễ tiêu chảy”.

alt
Không được kiểm định nên có thể trong loại bột sữa này
có một số thành phần độc hại.
 Việc hoang mang trước thông tin trà sữa trân châu chứa polymer từ năm 2009 đã tạm thời lắng đi, hiện nay, trà sữa trân châu này vẫn được coi là món khoái khẩu của giới trẻ khắp cả nước. Tuy hiện tại chưa có bằng chứng về việc trà sữa trân châu được làm từ bột nhựa sản xuất bỉm trẻ em đã thâm nhập chui thị trường Việt Nam, nhưng chắc chắn các loại trà sữa không nguồn gốc này rất nguy hiểm. Trước đó, trả lời báo chí, TS. Nguyễn Hữu Toản - nguyên Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu khá rõ các nguy cơ của món đồ uống phổ biến này. TS.Toản cho rằng: Mặc dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể về trà sữa trân châu nhưng có thể khẳng định, nó rất nguy hiểm. Bởi loại thức uống này được chế biến từ nguồn nguyên liệu chưa được một cơ quan kiểm nghiệm nào kiểm định, lại không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, thành phần bao gồm những gì cũng không ai biết. Yếu tố nguy cơ rất cao.

Những người buôn bán, kinh doanh đang đánh vào tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng là thích rẻ và bổ dưỡng. Nguy hiểm nhất là vì không được kiểm định nên có thể trong loại bột sữa này sẽ có một số thành phần độc. Nếu dùng phải sẽ rất nguy hại. Đặc biệt là có những loại hóa chất độc hại không có phản ứng ngay mà phải cần một thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng. Lời khuyên tốt nhất cho mọi người là chỉ sử dụng những loại đồ ăn, thức uống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Tiểu Phương

>> Gai người trà sữa trân châu làm từ bột nhựa sản xuất bỉm trẻ em

Bạn biết thêm những"bí mật"về món trà sữa trân châu cũng như công thức chế biến thực phẩm "bẩn" nào khác để thu lợi bất chính của người kinh doanh những sản phẩm này, hãy chia sẻ về báo Giáo dục Việt Nam bằng cách ghi vào ô Phản hồi dưới bài viết hoặc gửi về địa chỉ email toasoan@giaoduc.net.vn. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!