Kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được tăng giá bán lẻ điện, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT trong năm 2016.
Phát biểu của Thủ tướng nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia, nhà khoa học.
Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, yêu cầu của Thủ tướng chỉ giúp kéo giãn thời gian tăng phí BOT trong khi những tồn tại trong phê duyệt, quản lý các dự án BOT chưa được giải quyết.
Chính phủ cần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra dự án BOT gây bức xúc thời gian qua - Ảnh Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 6. |
Ở khía cạnh này, trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề quản lý dự án BOT giao thông, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân cần tham gia và lên tiếng mạnh mẽ hơn.
Cần thành lập đoàn thanh tra các dự án BOT
Theo dõi dòng thông tin sự kiện liên quan dự án đầu tư giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), ông Trần Quốc Thuận cho biết, hầu hết thông tin báo chí thời gian qua đều chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động quy hoạch, phê duyệt, giám sát, quy định mức phí, mức tăng phí tại các dự án đường BOT.
Những mặt hạn chế, tồn tại ở các dự án BOT đã được chỉ rõ, vấn đề chỉ còn là quan điểm và cách xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Quốc Thuận cho rằng, yêu cầu của Thủ tướng về việc không tăng phí BOT lúc này có ý nghĩa lớn.
6 tháng cuối năm là thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra sôi động. Yêu cầu không tăng mức phí BOT, không tăng giá điện sẽ ổn định chi phí đầu, giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng, người dân giảm đi chi phí sinh hoạt có thêm tích lũy cho nền kinh tế.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam- Ảnh H.Lực. |
Tuy nhiên, bên cạnh việc yêu cầu không tăng phí BOT, theo ông Trần Quốc Thuận, rất nhiều dự án đường giao thông BOT gây bức xúc thời gian qua xuất phát từ nhiều bất cập như khoảng cách các trạm thu phí, chất lượng đường, mức phí…
“Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra từng dự án để làm rõ vấn đề báo chí nêu”, ông Thuận nêu ý kiến.
Ông Thuận cho rằng, Thủ Tướng cần đưa ra quyết định cho kiểm tra, thanh tra tất cả các dự án BOT để xem doanh nghiệp đầu tư dự án BOT có thực sự đủ năng lực tài chính không; có thực hiện đúng thủ tục của luật đấu thầu không; có tự ý tăng vống tổng mức vốn đầu tư lên để yêu cầu tăng thời gian và mức thu phí không.
Đồng thời kiên quyết xử lý những sai trái trong quá trình thực hiện dự án BOT, có chính sách rõ ràng về những yêu cầu pháp lý, năng lực tài chính tối thiểu, năng lực kỹ thuật... đối với những ai tham gia dự án BOT.
Làm đường, tăng phí BOT, anh đã hỏi dân chưa?"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm"Vay đến 90% vốn, ngân hàng mới là ông chủ thực sự của dự án BOT |
Ông Thuận chỉ ra, nếu thanh tra, kiểm tra cần làm rõ: Thứ nhất, phải thanh tra hợp đồng ký kết đầu tư theo hình thức BOT, xem các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT có trái quy định của pháp luật hay không. Xem điều khoản hợp đồng có quá ưu ái nhà đầu tư hay không.
Từ điều khoản trong hợp đồng đối chiếu với quá trình thực hiện dự án xem có đúng với điều khoản quy định trong hợp đồng.
Thứ hai, thanh tra và kiểm tra quá trình thi công, chất lượng thi công dự án đường BOT.
Theo đó, với dự án đã hoàn thành cần kiểm tra chất lượng dự án bằng cách lấy mẫu nền đường phân tích yếu tố lý hóa, khoan lấy mẫu xem chất lượng nhựa, bê tông. Xem xét chất lượng dự án đã xứng đáng được thu phí chưa….
Cần tiếng nói mạnh mẽ của đại biểu dân cử
Ông Trần Quốc Thuận cũng cho rằng, những phản ánh của dư luận về dự án đường BOT cho thấy các dự án đường giao thông BOT đang thực sự có vấn đề.
Bên cạnh việc lên tiếng của cơ quan báo chí, chuyên gia, nhà khoa học... các đại biểu dân cử (Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân) cần tham gia và có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Mặt khác, khi thanh tra dự án BOT cần có đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm nghiệm, các chuyên gia nhà khoa học và đặc biệt là cơ quan báo chí truyền thông cũng như đại biểu dân cử tại địa phương nơi có dự án.
“Như vậy khi thanh kiểm tra ,nếu có sai phạm đại biểu dân cử cần phải lên tiếng ngay, cơ quan báo chí cũng cần thông tin nhanh nhất quá trình thanh tra, diễn biến thanh kiểm tra. Sau đó các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân cần tổng hợp ý kiến để đưa ra trong các kỳ họp nhằm tìm giải pháp”, ông Thuận đề xuất.
Theo ông Thuận việc giám sát, kiểm tra dự án đầu tư nói chung và dự án đầu tư theo hình thức BOT không chỉ là nhiệm vụ còn là trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân trước mỗi cử tri trên quan điểm nhất quán được Đảng, Chính phủ đưa ra là phải công khai minh bạch.
Với dự án BOT giao thông, không phải vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng cần giữ bí mật do đó cần công khai minh bạch ngay từ đầu.
Cụ thể, thay vì nhiều dự án BOT hiện nay chỉ duy nhất doanh nghiệp xin thực hiện do đó suất đầu tư, mức phí thời gian thu phí, tăng phí đều do một doanh nghiệp đưa ra, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch đường nào được làm BOT, đoạn đường nào cần kêu gọi đầu tư BOT và đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư: Mức đầu tư, mức phí sau khi hoàn thành, thời gian thu phí, chất lượng đường sau đó mời nhà đầu tư để có thêm sự lựa chọn.
"Chỉ có công khai minh bạch toàn dân tham gia xây dựng giám sát mới tránh được lợi ích nhóm, tránh được tiêu cực trong các dự án đầu tư", ông Thuận nhấn mạnh.