Phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Yêu cầu của Thủ tướng nhận được sự ủng hộ lớn của người dân, doanh nghiệp. Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ không tăng phí, tăng giá thể hiện chia sẻ của Chính phủ với người dân. Mặt khác khi áp lực phí, giá giảm xuống cũng tạo điều kiện doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, từng bước vượt qua khó khăn.
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất có ý nghĩa giảm khó khăn cho người dân tuy nhiên nhiều lo ngại hết năm 2016 mức phí BOT liệu có tăng mạnh để bù vào khoảng thời gian lùi lại - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Tuy chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không tăng phí BOT và giá điện nhận được sự ủng hộ lớn tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc không tăng phí BOT năm nay chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn còn thực tế những tồn tại, bất cập trong phê duyệt, quản lý dự án BOT dẫn đến việc mức phí tăng vẫn chưa có lời giải.
Năm sau liệu có tăng mạnh?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ nhận định: Yêu cầu không tăng phí BOT lúc này của Thủ tướng kịp thời và có ý nghĩa giúp giảm gánh nặng phí, giá lên người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên Luật sư Trương Thanh Đức băn khoăn, thời điểm Thủ tướng đưa ra yêu cầu đã hết quý 2, thời gian từ nay cuối năm chỉ còn 6 tháng. Hết năm 2016 mức phí BOT liệu có tăng hay không? Tăng như thế nào? Liệu có tăng mạnh hơn để bù vào khoản thiếu hụt do lùi thời gian tăng phí…?
Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ - ảnh Hoàng Lực. |
Từ băn khoăn trên Luật sư Đức cho rằng, yêu cầu của Thủ tướng dù có ý nghĩa lớn nhưng đơn thuần chỉ là giảm sức ép tăng phí, còn bản chất những tồn tại trong đầu tư dự án giao thông bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vẫn chưa được giải quyết.
“Những câu hỏi như như mức phí BOT có giảm hay không? mức giảm bao nhiêu vẫn chưa cụ thể, ở đây chỉ là tăng sớm hay tăng muộn còn chắc chắn sẽ tăng”, LS. Đức nói.
Theo đó khi hết hiệu lực yêu cầu Thủ tướng (sang năm 2017 - chỉ còn 6 tháng nữa) mức phí BOT vẫn sẽ tăng, chủ đầu tư BOT vẫn được đảm bảo thu phí cho đến khi hoàn vốn rồi có lãi.
Theo Luật sư Đức, mong muốn của người dân doanh nghiệp hiện nay là phải giảm mức thu phí BOT, cân nhắc, tính toán lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức BOT. Không phải ở tuyến đường nào, điều kiện nào cũng cho đầu tư BOT. Tuyến đường độc đạo mà đầu tư BOT là ép dân phải trả phí mới được quyền đi lại.
"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm"Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT |
Trong tình hình hiện nay, để giảm mức phí BOT chỉ có cách nhà nước mua lại dự án rồi giảm mức phí hoặc miễn phí cho người dân, đây là cách chính phủ nhiều nước đã làm.
“Nhưng cái khó là chỗ ngân sách chúng ta đang “giật gấu vá vai”, tiền không có thì lấy đâu ra để mua lại”, Luật sư Đức cho biết.
Phải đáp ứng 50% vốn, doanh nghiệp mới được làm BOT
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, nguyên nhân dẫn đến mức phí BOT liên tục tăng do nhà đầu tư không có tiền phải vay với lãi suất cao tại ngân hàng.
“Vốn không có, nhà đầu tư BOT phải đi vay ngân hàng với lãi suất thương mại cao, do đó bên cạnh chi phí hoạt động, lãi doanh nghiệp nhà đầu tư phải chịu lãi ngân hàng. Chính áp lực lãi suất khiến chủ đầu tư BOT buộc phải có lộ trình tăng phí. Điều đáng nói là vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này”, Luật sư Đức cho biết.
Muốn giảm mức phí BOT, theo Luật sư Đức phải làm từ gốc rễ chứ không phải để đến khi dự án làm xong mức phí cao mới tính đến việc mua lại như hiện nay.
“Quan trọng nhất phải làm sao chi phí đầu tư giảm thấp nhất, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, thiết kế thi công chuẩn không đội giá không phải làm đi làm lại. Giảm chi phí bảo hành bảo dưỡng, duy tu đường”, Luật sư Đức nói.
Để giải quyết “gốc rễ” này, theo Luật sư Đức cần phải có quy định tăng trần vốn tự có doanh nghiệp. Thay vì yêu cầu vốn tối thiểu 10% - 15% trong tổng số vốn đầu tư hiện nay, phải tăng lên 50%.
“Quy định hiện nay với dự án có mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng doanh nghiệp tối thiểu phải có 15% vốn tự có, tương tự với dự án có mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng yêu cầu phải có tối thiểu 10% vốn tự có.
Quy định là như vậy nhưng hiện nay vốn tự có tối thiểu thực tế là vốn tối đa có khi không đủ còn lại phải vay ngân hàng đến 90% theo lãi suất thương mại. Áp lực lãi suất khiến mức phí BOT phải cao và liên tục tăng. Để giải quyết vấn đề này nhà nước cần yêu cầu tăng vốn tối thiểu tự có từ mức 10% lên 50%, không đủ số vốn đó mời anh đi ra”, Luật sư Đức cho biết.
Cùng theo ông Trương Thanh Đức, cơ quan nhà nước cần thẩm định mức đầu tư giám sát thi công tránh đội giá và đảm bảo dự án đầu tư thấp nhưng đảm bảo chất lượng.
Chủ đầu tư dự án BOT hiện nay không phải lo lắng gì: Tiền đầu tư đi vay, chi phí thi công, thực hiện dự án ở mức cao ngất ngưởng không lo biến động thị trường còn thu hồi vốn quá an toàn khi điều khoản đảm bảo nhà đầu tư thu đến khi hoàn vốn có lãi.
“Nếu không quản lý từ gốc rễ dự án đường BOT không phát huy được hiệu quả dẫn đến hiệu quả toàn nền kinh tế không có, hơn nữa với việc “bán hàng” theo giá quá cao khiến người mua không chịu. Hiện tượng phương tiện vận tải né tránh trạm thu phí BOT, phá nát hạ tầng giao thông khác cuối cùng nhà nước lại phải lo sửa chữa, nâng cấp đoạn đường bị phá nát”, Luật sư Đức kết luận.