"Tỷ lệ nợ xấu hơn 10% của Agribank rất đáng lo ngại"

26/07/2017 07:17
Mai Anh
(GDVN) - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, con số 10% chưa phản ánh hết tình hình nợ xấu của Agribank và tỷ lệ nợ xấu này rất đáng lo ngại.

Tỷ lệ nợ xấu đáng lo ngại 

Kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hạch toán.

Cụ thể, công tác hạch toán của Agribank còn nhiều sai sót. Theo đó Agribank đã xác nhận gặp nhiều sai sót đối với dự phòng rủi ro tín dụng, Kiểm toán Nhà nước cho biết Agribank trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.848,7 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 tỷ lệ nợ xấu của Agribank lên đến 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC)
Theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 tỷ lệ nợ xấu của Agribank lên đến 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC)

Tính đến 31/12/2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 73.472 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng một số khoản vay được Agribank thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Đưa tỷ lệ nợ xấu lên đến 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC) tính đến cuối năm 2015.

Năm 2016, riêng khu vực Agribank Thành phố Hồ Chí Minh thu về 4.330 tỷ đồng từ việc bán nợ xấu cho VAMC, thu 1.650 tỷ đồng từ việc xử lý từ dự phòng rủi ro.

Hiện nay, tại các chi nhánh Agribank khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, tổng dư nợ liên quan là 15.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nợ xấu nội – ngoại bảng của Agribank khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Trọng tâm năm 2017 là xử lý các khoản nợ xấu này.

Với tỷ lệ nợ xấu chiếm 10,7% tổng dư nợ, Agribank được cho là ngân hàng có tổng nợ xấu cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng bởi nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ.

Nhìn vào kết luận của Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động của Agribank đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, con số có lẽ chưa phản ánh hết được tình hình nợ xấu của Agribank.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Agribank là ngân hàng chính sách chuyên cho vay hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Do đó ngoài những rủi ro khách quan thì nguyên nhân dẫn đến nợ xấu lớn của Agribank do cán bộ ngân hàng xét duyệt cho vay sai đối tượng, cho vay sai mục đích…

“Ngoài các yếu tố khách quan như cho vay sản xuất nông nghiệp rủi ro bởi yếu tố thời tiết, giá cả thị trường thế giới dễ tác động ảnh hưởng đến sản xuất, người dân khi mất mùa, rớt giá thua lỗ khó trả nợ… thì con số hơn 10% tỷ lệ nợ xấu còn do yếu tố chủ quan, đó là khâu xét duyệt cho vay chưa đúng đối tượng, cho vay sai quy định”, ông Hiếu nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ lệ nợ xấu 10% của Agribank là đáng lo ngại - ảnh nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ lệ nợ xấu 10% của Agribank là đáng lo ngại - ảnh nhân vật cung cấp

Những sai phạm trong hoạt động cho vay dẫn đến nợ xấu của Agribank có thể kể đến nợ xấu như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (Agribank Cần Thơ).

Tại ngân hàng này năm 2012, Công ty nông thủy sản Tây Nam (Cần Thơ) đã làm hồ sơ vay gần 300 tỷ đồng của gói tín dụng ưu đãi tiêu thụ nông sản trong nông nghiệp (lãi suất 0% hai năm đầu và năm thứ 3 trở đi là 50% mỗi năm).

Để vay vốn doanh nghiệp này đã dùng siêu thị Citimart ở quận Ninh Kiều (Thành phố Cần Thơ) thế chấp và được cho vay 290 tỷ đồng.

Sau khi vay tiền, Công ty nông thủy sản Tây Nam sử dụng tiền vay không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị, không ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Theo Cơ quan an ninh điều tra (PA92) Công an Thành phố Cần Thơ nguyên nhân dẫn đến Công ty nông thủy sản Tây Nam dễ dàng được phê duyệt khoản vay trên do sự tiếp tay của Bùi Tuấn Anh - Phó phòng Tín dụng doanh nghiệp Agribank Cần Thơ người trực tiếp thụ lý, giám sát hồ sơ vay của Công ty nông thủy sản Tây Nam.

"Tỷ lệ nợ xấu hơn 10% của Agribank rất đáng lo ngại" ảnh 3

Cán bộ tham ô, chiếm dụng tài sản, lãnh đạo Agribank phải chịu trách nhiệm

Thay vì thực hiện đúng quy định, Bùi Tuấn Anh đã bỏ qua các quy định khi thiếu kiểm tra, giám sát dự án, nguồn vốn phát vay, tiến độ thực hiện dự án…

Trở lại với tỷ lệ nợ xấu 10%, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Tỷ lệ nợ xấu 10% của Agribank là đáng lo ngại, dù cho tỷ lệ này đã bao gồm cả khoản nợ đã bán cho VAMC”.

Tỷ lệ nợ xấu hơn 10% của Agribank đáng lo ngại ở chỗ, theo quy định sau 5 năm, khoản nợ xấu đó chưa được xử lý, khoản nợ xấu đó sẽ quay về ngân hàng và nhà băng phải trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC.

Tỷ lệ nợ xấu VAMC xử lý được chỉ mới đạt khoảng 10 - 15%, vì thế, không ít người cho rằng, khả năng nợ xấu quay lại ngân hàng sau 5 năm bán cho VAMC là rất lớn. Bởi quá trình xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều khó khăn nhất là khi Việt Nam chưa thể thành lập được thị trường mua – bán nợ để thu hút vốn ngoại tham gia mua – bán các tài sản thế chấp.

Do công tác quản lý cán bộ

Ngoài việc thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, năm 2015 Agribank đã để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng, sai phạm của cán bộ Agribank thời gian qua không chỉ diễn ra ở cấp độ nhân viên mà ngay ở hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này.

Điều này cho thấy cốt lõi của việc cán bộ Agribank chiếm dụng, tham ô do công tác quản lý cán bộ.

“Con số tham ô, chiếm dụng 270,5 tỷ đồng của cán bộ Agribank chủ yếu do họ lợi dụng việc thẩm định tín dụng. Với một hệ thống mạng lưới lớn nhất trong hệ thống ngân hàng đặc biệt vùng nông thôn. Nếu không quản lý tốt rất dễ dẫn đến lợi dụng để tư lợi cá nhân”, Tiến sĩ Hiếu cho biết.

Phân tích rõ hơn, Tiến sĩ Hiếu cho hay, với mạng lưới lớn nhất trong hệ thống ngân hàng đặc biệt vùng nông thôn. Ở đó xa trung tâm dễ tạo cơ hội cho cán bộ của Agribank cấu kết với các đơn vị để hợp thức hóa khoản vay trái quy định nhằm chiếm dụng vốn.

Mặt khác, do địa bàn trải rộng xuống vùng sâu, vùng xa cán bộ Agribank cũng dễ lợi dụng trình độ văn hóa không cao của người dân sống tại nông thôn để tham ô, chiếm dụng tài sản.

"Tỷ lệ nợ xấu hơn 10% của Agribank rất đáng lo ngại" ảnh 4

Sau một đêm mất cả trăm triệu đồng trong tài khoản ATM Ngân hàng Agribank

Cũng theo Tiến sĩ Hiếu, vấn đề cán bộ Agribank sai phạm đã xảy ra nhiều trong quá khứ.

Ví dụ như đại án Agribank Nam Hà Nội làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước khiến 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Agribank Việt Nam và Agribank chi nhánh Nam Hà Nội phải vào vòng lao lý cho đến việc bắt khởi tố hàng loạt cán bộ của Agribank trong năm 2012.

Cụ thể, ngày 26/11/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Bến Thành để khởi tố hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng bị bắt với hành vi trên còn có ba cán bộ khác của Agribank Bến Thành.

Trong tháng 10/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Đăng Trung (trú tại Phường 7, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Văn Long (trú tại Phường 12, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên giám đốc và trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6, về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 18/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Hưng (56 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Hồng Hà, thuộc ngân hàng Agribank) về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Ông Hưng được cho là đã lợi dụng quyền hạn ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng. Liên quan vụ việc trên, hai cựu cán bộ khác thuộc Agribank Hồng Hà là Đỗ Thị Minh Hiền (44 tuổi, trưởng phòng tín dụng) và Trương Đăng Dần (38 tuổi, phó phòng) cũng bị khởi tố, bắt giam.

Trong tháng 5/2012, một cán bộ của Agribank cũng sa lưới pháp luật. Ngày 9/5, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1968, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nguyên Phó giám đốc chi nhánh Công ty vàng Agribank Hà Đông, về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Trước một loạt những sai phạm của cán bộ Agribank, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, điều đáng báo động là đến nay chưa thấy quyết sách gì của Agribank để giải quyết được vấn đề này, chưa có quyết sách nhằm quản lý cán bộ tốt hơn nhằm ngăn chặn tham ô, chiếm dụng tài sản Nhà nước.

Mai Anh