Hé lộ nhiều sai phạm
Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 cho thấy nhiều sai phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
Năm 2015, Agribank đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh thu lãi 3.133,01 tỷ đồng.
Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước cho biết, hầu hết các chi nhánh của Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Một số khoản vay ngân hàng này thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.
Tính đến 31/12/2015, Agribank có 06/09 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).
Đối với dự phòng rủi ro tín dụng, Kiểm toán Nhà nước xác định Agribank trích lập thiếu 2.848,7 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 Agribank đã để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng - ảnh minh họa nguồn Agribank. |
Nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ.
Trong đó, nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.
Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 Agribank đã để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước còn cho biết thêm, Công ty Tài chính Cao su gửi 599,50 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Agribank từ năm 2009 chưa thu hồi được.
Bên cạnh kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dễ nhận thấy trong thời gian 2-3 năm trở lại đây liên tục có những thông tin liên quan đến việc bắt, khởi tố điều tra sai phạm của cán bộ, nguyên cán bộ thuộc Agribank.
Điển hình nhất là việc cơ quan an ninh điều tra (PA92) Công an Thành phố Cần Thơ vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Bùi Tuấn Anh, trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (Agribank Cần Thơ), để làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
“Tư duy dùng tiền chùa khiến nhiều lãnh đạo Agribank vào vòng lao lý" |
Theo cơ quan điều tra, với vai trò Phó phòng Tín dụng doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Anh nhiều lần ký khống vào các biên bản kiểm tra tiến độ thi công, nghiệm thu công trình, tiếp tay cho doanh nghiệp bên ngoài rút 259 tỷ đồng từ Agribank Cần Thơ, theo gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi trong việc tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản.
Trước đó gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí phải kể đến đại án tại Agribank Nam Hà Nội.
Cơ quan chức năng xác định giám đốc, Phó giám đốc ngân hàng Agribank Nam Hà Nội đã bỏ qua các điều kiện giải ngân theo các nghị quyết của Hội đồng quản trị Agribank Việt Nam cố tình cho Liên doanh Lifepro Việt Nam vay với số tiền lên đến 75 triệu USD.
Liên quan vụ việc, Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm nên không phát hiện việc làm trái pháp luật của Agribank Nam Hà Nội.
Mới nhất, vào tháng 5/2016 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét phúc thẩm vụ án sai phạm tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 gây thất thoát gần 966 tỷ đồng.
Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
Trước kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của Agribank trong năm 2015 đặc biệt trong việc để cán bộ chiếm dụng, tham ô lên đến gần 300 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định gần 100 tỷ đồng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập cho rằng, sai phạm đặc biệt ở công tác cán bộ có trách nhiệm của lãnh đạo đứng đầu Agribank.
“Để xảy ra tình trạng cán bộ tham ô, chiếm dụng số tiền hàng trăm tỷ như vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo Agribank. Trong đó trách nhiệm nhìn thấy rõ nhất là tuyển dụng và quản lý cán bộ”, ông Trinh đánh giá.
Theo Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Trinh để xảy ra tình trạng cán bộ tham ô, chiếm dụng tài sản lãnh đạo Agribank phải chịu trách nhiệm - ảnh do nhân vật cung cấp |
Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, vấn đề chính của Agribank là con người, trình độ của cán bộ ngân hàng. Năm 2015, dư luận xã hội từng xôn xao trước việc Agribank đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự trong đó có khoản ưu tiên điểm cộng cho con em cán bộ.
Cụ thể, con dâu, con rể, con nuôi, con đẻ của cán bộ Agribank sẽ được cộng 30 điểm (trên thang điểm 100).
Dù sau đó, Agribank buộc phải hủy kế hoạch khi báo chí và dư luận lên tiếng nhưng có thể thấy chính sách tuyển dụng này vốn đã tồn tại trong Agribank.
Với việc tuyển dụng cán bộ dựa vào quan hệ, con cháu như tại Agribank sẽ khó lựa chọn được người tài.
“Ở đây trách nhiệm của lãnh đạo Agribank là lớn nhất, lãnh đạo không có nghĩa anh chỉ ngồi đó hưởng lương cao.
Hậu quả thấy rõ nhất sau những sai phạm, đại án của Agribank là gây thiệt hại ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.
Muốn giải quyết tình trạng trên, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng cần tái cơ cấu, xử lý triệt để những yếu kém tại Agribank, bán cổ phần ra tư nhân nhiều hơn.
Đồng thời cũng cần tính tới giảm thấp nhất tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại tất cả các ngân hàng thương mại khác, khi đó quản lý vốn và kinh doanh mới thực sự hiệu quả.
"Cổ phần hóa là chủ trương lớn không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, do đó trước mắt để quản lý tốt hơn, tránh thất thoát vốn nhà nước thì Agribank cũng như các ngân hàng mà nhà nước nắm quyền chi phối vốn phải siết chặt công tác quản lý cán bộ, cơ cấu lại bộ máy, con người", ông Trinh nói.