Vì sao NHNN công bố nhiều số liệu nợ xấu khác nhau?

04/04/2014 11:00
Theo VTV
(GDVN) - 7% là con số nợ xấu mới được NHNN công bố, con số này chênh lệch 2% so với con số chính NHNN đã công bố cách đây 40 ngày.

Loạn số liệu nợ xấu

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn được các chuyên gia ví von giống như “cục máu đông” của nền kinh tế. Vì vậy, để biết chính xác “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng như thế nào thì một trong những yếu tố nhận được sự quan tâm nhiều nhất là hiện tại, kích thước của "cục máu đông" như thế nào?

Nhìn lại con số nợ xấu của Việt Nam từ năm 2012 trở lại đây, ngày 21/8/2012, trả lời trong phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận nợ xấu đến giữa năm là 8,6%. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng thì nợ xấu toàn ngành mới chỉ 4,47% dư nợ. Nếu quay trở lại trước đó nữa, vào thời điểm tháng 3/2012, người đứng đầu ngành ngân hàng còn khẳng định trước Quốc hội, nợ xấu toàn ngành thậm chí còn nhiều hơn nữa, khoảng 10%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đến 15/2/2014, Chánh Thanh tra NHNN, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết con số nợ xấu cập nhật nhất tính đến hết năm 2013 mà cơ quan này nắm được là 5,56%. Nhưng sau đó chỉ 3 ngày, NHNN lại cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), thì tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh trong hai tháng cuối năm 2013 xuống chỉ còn 3.63%. Dù cả hai con số này đếu chưa tính đến phần nợ đã được tái cơ cấu nhưng rõ ràng, sự chênh lệch về nợ xấu thuần cũng không hề nhỏ. 
Ngày 18/2/2014, Moody's - Một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu trên thế giới công bố, tài sản xấu của Việt Nam có thể lên tới 15% tổng tài sản. Nếu làm một phép tính quy đổi, thì nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 25% tổng dư nợ, cao hơn bất ký một ước đoán nào của các tổ chức kinh kế trong nước trước đó.

Đáp lại con số này của Moody's, NHNN lập tức công bố ngay cả khi tính toán một cách cẩn trọng nhất, nợ xấu của Việt Nam cũng chỉ ở mức 9%.

Mới đây, ngày 1/4/2014, 40 ngày sau khi NHNN công bố con số 9%, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN nhận định, con số nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng Việt Nam chỉ là 7%.


Liên tục những con số khác nhau về nợ xấu được đưa ra, là một nhà nghiên cứu về mảng ngân hàng, lý giải về những con số biết "nhảy múa" này, ông Đinh Tuấn Minh, thành viên nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: "Sự khác biệt về con số nợ xấu có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là từ những nguồn thông tin báo cáo khác nhau. Như ngân hàng, họ có nguồn thông tin riêng, và NHNN có nguồn thông tin khác. Điều này sẽ dẫn đến sự khác nhau.

Thứ hai, cùng một nguồn thông tin do ngân hàng báo cáo lên cho NHNN nhưng dựa trên những tiêu chí khác nhau và sẽ dẫn đến những con số nợ xấu khác nhau”.

Hậu quả là gì?

Nói về hệ lụy từ những con số được báo cáo mỗi lần một khác, ông Đinh Tuấn Minh cho biết: “Sự khác biệt có hệ lụy hay không thì phụ thuộc vào nguyên nhân của sự khác nhau đó. Nếu như sự khác biệt chỉ đơn thuẩn là từ những tiêu chí khác nhau thì điều này không gây nên hệ lụy nào. Chỉ cần các bên công bố một cách công khai là các con số công bố dựa trên tiêu chí gì để biết cách đánh giá thì không có vấn đề gì. 

Nhưng trong trường hợp, dựa trên những nguồn thông tin khác nhau như ngân hàng thì dựa trên số liệu riêng của mình, còn NHNN dựa trên thanh tra, giám sát có được nguồn thông tin khác, dẫn đến những con số khác nhau, thì trong trường hợp này sẽ có những hệ lụy. Bởi, nhà đầu tư họ sẽ không biết được nguồn nào là nguồn đáng tin cậy dẫn đến những quyết định đầu tư không được tốt.

Ngoài ra, đối với những người xây dựng chính sách, khi họ không nắm được chính xác thông tin thì không thể đưa chính xác những chính sách. Điều này có thể làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế”.

Đánh giá về Thông tư 09 của NHNN, cụ thể là việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được kéo dài sang 1/4/2015 có ảnh hưởng đến sự minh bạch và chính xác của thông tin nợ xấu, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng: “Việc NHNN điều chỉnh Thông tư 09 so với Thông tư 02, tôi nghĩ NHNN muốn hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận được vốn tín dụng trong giai đoạn kinh tế còn suy giảm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có một sự trì hoãn thì rõ ràng hoạt động tái cơ cấu của hệ thống tín dụng ngân hàng sẽ bị chậm lại. Hi vọng rằng, đây sẽ là đợt điều chỉnh cuối cùng”.

Bên cạnh đó, đánh giá về việc minh bạch hóa và những thông tin chính xác về nợ xấu của NHNN, TS Lê Thẩm Dương – ĐH Ngân hàng T. HCM cho rằng: “Chuyện vênh số liệu là điều bình thường chứ không có gì mà ghê gớm, vì nó có căn nguyên như khác biệt hệ thống đánh giá, bối cảnh đưa ra con số, chưa kể các con số chủ quan. Trong rất nhiều con số chỉ có số liệu của cơ quan quản lý là đáng tin cậy, là có tính pháp lý. Vấn đề còn lại là con số của cơ quan quản lý đưa ra có chính xác hay không”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Thuận – ĐH Mở TP. HCM thì cho rằng: “Sự khác biệt về số liệu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm giảm tính minh bạch của thị trường trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng tôi thì cho rằng, các nhà đầu tư hiểu điều này, vì đây là vấn đề thường gặp ở các thị trường mới nổi. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ có sự trừ hao cho số liệu”.

“Với các nhà đầu tư, với người dân gửi tiền tại ngân hàng, họ đều muốn biết thực sự nợ xấu của hệ thống cũng như từng ngân hàng đang ở đâu. Vì thế, với những con số quá khác biệt được đưa ra trong thời gian qua có thể gây ra hoài nghi và mất niềm tin của các nhà đầu tư và người dân. Nếu chúng ta minh bạch, đưa ra những con số chính xác và đồng nhất hơn, thì con số nợ xấy dù cao hơn mức hiện nay, tôi tin niềm tin của thị trường sẽ được củng cố hơn”, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định./.

Theo VTV